Trung Đông sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử

Thứ năm, 16/07/2015 09:55

(Cadn.com.vn) - Các cường quốc thế giới và Iran cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Nhưng đối với phần lớn Trung Đông, đây là điều chẳng mấy mong đợi. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, vốn xem Iran như một kẻ thù, cho rằng, thỏa thuận này cho thấy sự nguy hiểm khi sẵn sàng ký kết bằng bất cứ giá nào, và các quốc gia Arab Sunni của Vùng Vịnh, vốn xem Tehran là hàng xóm nguy hiểm và hung hăng, cũng cảm thấy lo lắng.

Trong khi chính quyền Obama đang đấu tranh để thỏa thuận với Iran được Quốc hội thông qua, rất nhiều suy nghĩ, dự định đang diễn ra trên khắp Trung Đông. Tất cả đều đầy khó khăn và nguy hiểm.

Thêm tiền, thêm súng

Việc nới lỏng các hạn chế về giao dịch tài chính - một phần của lệnh cấm vận quốc tế - sẽ cung cấp cho Iran cơ hội phát triển kinh tế. Điều đó có nghĩa Tehran sẽ có nhiều tiền hơn và sẽ có nhiều súng hơn để cung cấp cho quân đội và tài trợ cho Trung Đông, như các lực lượng dân quân Shitte của Iraq, và Hezbollah...

Điều này giúp củng cố quan điểm Iran là nhà vô địch và là hậu vệ của cộng đồng Shitte, đối đầu với các vương quốc Sunni của Vùng Vịnh - dẫn đầu là Saudi Arabia. Những cuộc xung đột dữ dội tại Trung Đông, ở những nơi như Iraq và Syria có thể được xem là một phần của cuộc đối đầu ngày càng tăng giữa các tín đồ của hai nhóm chính trong thế giới Hồi giáo - Sunni và Shitte.

Nhiều người lo ngại, dỡ bỏ lệnh cấm vận giúp Iran có thêm tiền để tài trợ cho các nhóm phiến quân, chẳng hạn như Hezbollah. Ảnh: BBC

Thủ đoạn

Nhiều người Trung Đông cảm thấy hoài nghi về kỹ năng đàm phán của các nhà ngoại giao Mỹ. Họ tự hỏi liệu ông Obama có bất chấp tất cả để đạt được thành tích chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình? Họ cho rằng, Iran đạt thỏa thuận mà không bị yêu cầu phải thỏa hiệp. Nhiều người có cảm giác, các nhà đàm phán quốc tế yếu kém một phần bởi vì họ bị chia rẽ.

Vì vậy, Washington có thể sẽ phải nhận thức được những lo sợ của đồng minh Tel Aviv rằng, Tehran sẽ sử dụng nguồn tài chính để mua thêm vũ khí tinh vi hơn cho Hezbollah nhắm vào các thành phố của Israel. Nhưng Trung Quốc và Nga đều mong muốn bắt đầu xuất khẩu vũ khí cho Iran - xem đây là khách hàng đầy tiềm năng. 

Chạy đua vũ trang

Ai Cập bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận hạt nhân đạt được này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực và giúp loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, tại Trung Đông. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mọi việc có thể đi ngược lại. Israel xem Iran là mối đe dọa hiện hữu. Các quốc gia đối địch với Iran vẫn cho rằng, quốc gia Hồi giáo sẽ tiếp tục nỗ lực để có được vũ khí hạt nhân và hiện chỉ đồng ý trì hoãn để nhượng bộ. Saudi Arabia cảm thấy rằng, để đối phó với một nhà nước Shitte có khả năng hạt nhân, các nước Sunni cũng phải làm điều này. Điều này mang lại cơn ác mộng một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.

Tấn công quân sự?

Israel có nhiều đồng minh tại Quốc hội Mỹ và họ đang có thể cố gắng để Quốc hội chống lại thỏa thuận lịch sử này. Chiến lược này có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ vốn không mấy tốt đẹp giữa ông Obama và ông Netanyahu, nhưng Thủ tướng Israel chắc chắn sẽ thực hiện cách đáp trả đáng giá này. Và cuối cùng, tất nhiên, Israel sẽ xem xét hành động quân sự. Liệu Tel Aviv sẽ thực hiện các cuộc không kích phá hủy các cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran?

An Bình
(Theo BBC)