Trung- Nga: Mối quan hệ cạnh tranh Á-Âu

Thứ tư, 10/06/2015 11:53

(Cadn.com.vn) - Trung và Nga gần đây có những thay đổi chiến lược đánh dấu mối quan hệ gần gũi hơn, động thái rõ ràng nhằm thách thức Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây là mối quan hệ đối tác không bình đẳng mà mang tính cạnh tranh Á-Âu.

Trung- Nga có nhiều điểm chung. Cả hai đều nhận thấy Mỹ là mối đe dọa cho quyền lực của họ. Cả hai đều tăng chi tiêu quốc phòng tại thời điểm khi Mỹ và các đồng minh NATO cắt giảm ngân sách quốc phòng. Cả hai cũng có nhiều điểm chung khác khi đều được hưởng lợi từ thương mại bằng đồng tiền quốc gia. Cả hai đều là thành viên của nhóm thị trường mới nổi BRICS, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tuy nhiên, nền kinh tế khổng lồ giúp Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn trong các tổ chức này.

Quan hệ Trung-Nga ngày càng phát triển, song vẫn mang tính cạnh tranh gay gắt.

Những lợi ích của Nga

Lợi ích chính trị và kinh tế đẩy Moscow gần hơn với Bắc Kinh. Giá năng lượng thấp và trừng phạt kinh tế của phương Tây áp đặt với Nga sau vụ sáp nhập Crimea hồi tháng 3-2014 làm tổn thương nền kinh tế.

Nga cần tiền để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đẩy mạnh bán vũ khí để giữ cho bộ máy quân sự hoạt động trơn tru. Nga từng không muốn bán vũ khí cho Trung Quốc, nhưng hiện nay Moscow đề nghị bán tên lửa chống máy bay tiên tiến S-400 cho Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên được phép mua loại tên lửa này, và có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Đài Loan, Nhật Bản, nhiều khu vực ở Ấn Độ.

Trong thời gian ông Tập thăm Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố thành lập "không gian kinh tế chung của Âu-Á", kết hợp hài hòa chính sách "Một Vành đai, một Con đường" của Trung Quốc với chiến lược Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Tuyên bố của ông Putin xuất phát từ ý tưởng nổi tiếng của ông về một "Châu Âu lớn hơn", kéo dài từ Lisbon đến Vladivostok. Như vậy, Moscow đang hướng về phía đông. Mục đích của thành viên EEU là đảm bảo sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và lực lượng lao động trên sân chung của họ.

Rõ ràng, Bắc Kinh là đối tác mạnh mẽ trong mối liên hệ Trung-Nga mới nổi. Điểm yếu của Nga là không có khả năng cung cấp cho Trung Quốc các hàng hóa khác, ngoại trừ năng lượng, vũ khí, và khoáng chất. Điều này làm nổi bật sự mất cân đối về kinh tế và vị thế đàm phán yếu của Nga.

Hợp tác Địa Trung Hải

Mối quan hệ mất cân bằng Trung-Nga không chỉ bắt nguồn từ kinh tế. Trong vài năm qua, Địa Trung Hải nằm trong các chiến lược quan trọng của Bắc Kinh. Địa Trung Hải với 70% nguồn tài nguyên năng lượng của thế giới, có thể giúp duy trì sự phát triển của Bắc Kinh. Hơn nữa, tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và mong muốn đa dạng hóa thị trường và các nguồn năng lượng khiến Bắc Kinh đưa lợi ích kinh tế và chiến lược về phía tây, ra khỏi Châu Á, đến bờ biển Nam Âu, Bắc Phi, và Vịnh Ba Tư.

Địa Trung Hải đánh dấu sự kết thúc phía tây của đường tơ lụa mới của Trung Quốc, được thiết kế để liên kết nước này với các thị trường trên khắp Trung Á và tiến vào Châu Âu và Trung Đông. Vì vậy, các Cty Trung Quốc đang góp phần hiện đại hóa các cảng ở Địa Trung Hải, như Piraeus của Hy Lạp, Marseilles của Pháp và Barcelona của Tây Ban Nha. Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng các tuyến đường sắt nối Tel Aviv và Haifa trên bờ biển Địa Trung Hải đến Eilat, phía bắc Biển Đỏ, một trong những tuyến đường biển nối Châu Âu, vùng Vịnh Ba Tư và Đông Á.

Tại Châu Phi, Trung Quốc đang phát triển cảng Sudan nhằm cải thiện tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ, Đông Phi, và khu vực Sừng Châu Phi.

Chiến lược ở Trung Á

Tuy nhiên, hợp tác Trung-Nga không thể che giấu sự cạnh tranh giành ảnh hưởng kinh tế ở Trung Á.

Do Moscow bị bao vây về kinh tế nên không thể đầu tư cho các nước Trung Á hào phóng như Bắc Kinh. Thật vậy, Trung Quốc đã thay thế Nga trở thành người cho vay tiền ở Trung Á. Bắc Kinh đầu tư vào mạng lưới giao thông vận tải Trung Á để có thể liên kết đến các thị trường Châu Âu cũng như gia tăng quyền tiếp cận nguồn tài nguyên dầu mỏ của Kazakhstan, các mỏ khoáng sản của Kyrgyzstan và khí đốt tự nhiên của Turkmenistan. Trung Quốc có được lợi thế này bởi không phải tất cả các nước Trung Á đều nhiệt tình với việc gia nhập EEU. Họ e rằng, Nga có thể sử dụng EEU để bắt họ phụ thuộc vào đồng ruble đang sụp đổ.

Trong khi Nga quay trục chiến lược về phía đông và đang đấu tranh để duy trì ảnh hưởng ở Trung Á, Trung Quốc đang di chuyển về phía tây với ý định trở thành một cường quốc Á-Âu. Quốc gia muốn trở thành siêu cường và quốc gia muốn có quyền lực lớn hơn đang tham gia vào một cuộc đua giành sức ảnh hưởng Á-Âu.

An Bình

(Theo Diplomat)