Trung-Nhật và cuộc chiến đầu tư ở Châu Á

Thứ hai, 15/06/2015 11:53

(Cadn.com.vn) - Trung Quốc đặt ra mối đe dọa cho sự thống trị phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á của Nhật. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Tokyo không cần phải quan ngại quá nhiều.

Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á là vấn đề các phương tiện truyền thông và giới hoạch định chính sách Mỹ luôn lo lắng. Quan ngại nhất là hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông, nơi họ đang xây dựng căn cứ hải quân và bãi đáp máy bay trên các đảo san hô. Một số người lo rằng, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành cường quốc hải quân chính ở Châu Á trong tương lai không xa.

Mỹ không chỉ lo lắng về các dự án biển, những hoạt động của Trung Quốc trên đất liền cũng khiến họ đứng ngồi không yên. Chính sách "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc, kế hoạch lớn của Bắc Kinh kết nối các nền kinh tế thông qua hành lang vận tải và các đường ống là một ví dụ. Nhật Bản, một trong những đồng minh thân cận nhất Châu Á của Mỹ, cũng đang xây dựng một tuyến đường sắt trong khu vực Đông Nam Á. Dự án này là một phần của kế hoạch lớn của Tokyo nhằm tạo ra hành lang kinh tế Đông-Tây cắt ngang qua Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Nhật Bản luôn là ông lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Châu Á. Ảnh: Diplomat

"Miếng mồi ngon"

Có thể lập luận, cả Trung, Nhật đều muốn đầu tư vào Châu Á. Lào và Thái Lan hiện đang xem xét sử dụng nguồn vốn của Trung Quốc, đổi lại họ sẽ cho phép Bắc Kinh tiếp cận vịnh Thái Lan.

Nhật Bản đang đàm phán với Thái Lan liên quan đến tuyến đường xe lửa, nhưng Tokyo không có kế hoạch xây dựng đường sắt kết nối Myanmar, Lào, và Việt Nam. Trung Quốc sẽ tiếp cận với biển, nhưng đường sắt của Nhật sẽ tiếp cận đất liền. Nếu nhìn vào hai dự án này, chúng ta sẽ nghĩ rằng, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh của Nhật Bản về cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng.

Về phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, Nhật chắc chắn vượt Trung Quốc. Tokyo tích cực hòa nhập vào nền kinh tế khu vực Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ, bắt đầu ngay sau khi Thế chiến II kết thúc. Ngược lại, Trung Quốc còn tương đối mới trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Phương pháp tiếp cận có sắc thái

Nhật Bản có cách tiếp cận nhiều sắc thái hơn. Có rất nhiều Cty tư nhân của nước này tham gia vào quá trình này, như Mitsubishi, Toyota, Nintendo, và Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui. Chúng cũng bao gồm các tổ chức chính phủ và đa phương như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các tuyến đường sắt chỉ là một phần của kế hoạch lớn hơn nhiều mà Tokyo phát triển trong nhiều năm.

Nếu nói về môi trường thuận lợi để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, thoạt nhìn có vẻ như Trung Quốc có lợi thế hơn. Washington lo sợ, việc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) sẽ tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh trong khu vực, dẫn đến sự phụ thuộc về địa chính trị của các nước Đông Nam Á. Thực tế, các AIIB vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và vẫn chưa sẵn sàng để cạnh tranh với ADB, trong đó Nhật là cổ đông lớn nhất. Nó thậm chí không rõ liệu một ngày nào đó, AIIB sẽ vượt qua ADB. Trong gần 50 năm qua, ADB chứng minh khả năng phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại nhiều nước trong khu vực.

Tại cuộc họp gần đây ở Singapore, AIIB tuyên bố sẽ cung cấp 100 tỷ USD cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng ở Châu Á. Ngay sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đáp trả: trong 5 năm tới, Tokyo sẽ rót 110 tỷ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á, thông qua ADB và cơ quan nhà nước Nhật Bản. Tất cả điều này là để nói rằng, Bắc Kinh chưa đặt ra một mối đe dọa cho tính ưu việt của Tokyo như là một nhà phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực. Trung Quốc hiện giờ chỉ mới vào cuộc.

So với mô hình phát triển của Nhật, các dự án do nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc được định hướng chính trị nhiều hơn, trong khi các dự án của Tokyo vững vàng hơn vì có một số lượng lớn những người ủng hộ tài chính.

An Bình
(Theo Diplomat)