Trung-Nhật “xích lại gần nhau”

Thứ sáu, 28/02/2020 16:42

"Dù chúng ta sống ở những nơi khác nhau. Chúng ta cùng sống dưới một bầu trời", là nội dung bài thơ viết trên những thùng khẩu trang và nhiệt kế được gửi đến Trung Quốc từ Hiệp hội Phát triển Thanh niên Nhật Bản (JYDA). Bài thơ lan truyền trên mạng xã hội Weibo với hơn 39.000 bài đăng được gắn thẻ. Ngay cả cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cũng chia sẻ bài thơ với những người theo dõi Twitter.

Những thùng khẩu trang mà Hiệp hội Phát triển Thanh niên Nhật Bản gửi đến hỗ trợ Trung Quốc chống dịch Covid-19.  Ảnh: CNN

Khi Trung Quốc chiến đấu với dịch Covid-19 khiến hơn 2.700 người thiệt mạng và hơn 80.000 người bị lây nhiễm, Nhật chứng tỏ mình là một đồng minh. Đầu tháng này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ca ngợi và cảm ơn Nhật Bản vì đã hỗ trợ Trung Quốc. Ngược lại, ông Cảnh Sảng chỉ trích Mỹ phản ứng thái quá và gieo rắc nỗi sợ hãi khi là nước đầu tiên sơ tán nhân viên khỏi lãnh sự quán ở Vũ Hán và áp đặt lệnh cấm du khách Trung Quốc đến nước này.

Bài thơ thể hiện “sự tan băng” trong mối quan hệ giữa hai kẻ thù cũ có thể bắt nguồn từ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Bắc Kinh vào năm 2018. Khi Tokyo và Bắc Kinh nhấn mạnh rằng, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản vào tháng 4 tới sẽ không bị hủy trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng, trọng tâm của chuyến thăm là làm thế nào để nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới có thể tăng cường quan hệ.

Thay đổi thái độ của Trung Quốc

Tranh chấp lãnh thổ và bất bình kéo dài từ Thế chiến II làm xấu đi mối quan hệ Nhật- Trung trong nhiều thập kỷ. Căng thẳng bùng phát vào năm 2013, xung quanh việc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở Biển Hoa Đông, làm suy yếu quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Theo một cuộc thăm dò hàng năm về quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc vào thời điểm đó, 92,8% công dân Trung Quốc được khảo sát có ấn tượng tiêu cực về Nhật Bản. Tuy nhiên, vào năm 2019, số người Trung Quốc có "ấn tượng tiêu cực" về Nhật Bản đã giảm gần một nửa, xuống còn 52,8%. Điều đó diễn ra sau những nỗ lực của ông Abe nhằm làm ấm mối quan hệ với ông Tập Cận Bình, với liên tục những lời mời đàm phán nhằm khôi phục quan hệ song phương sau những căng thẳng về tranh chấp đảo. Hai nhà lãnh đạo cuối cùng gặp nhau tại APEC năm 2014 và bắt tay nhau trước ống kính của thế giới.

Khi quan hệ chính trị được cải thiện, du khách Trung Quốc bắt đầu đến Nhật Bản và bắt đầu có những quan điểm tích cực về nền văn hóa nước chủ nhà. Năm 2018, 8,38 triệu người Trung Quốc đã đến thăm Nhật Bản, tăng gấp 6 lần so với năm 2013. Nhưng trong khi người trẻ Trung Quốc đi du lịch nhiều hơn, điều tương tự không xảy ra với Nhật Bản. Khi nền kinh tế thu hẹp và đất nước phải đối mặt với các vấn đề như dân số già và tiền lương chững lại, ít có người muốn khám phá thế giới. Nhật Bản đang cố gắng làm cho du khách Trung Quốc cảm thấy được chào đón, dựng các biển hiệu bằng tiếng Trung ở Tokyo và phát thông báo bằng tiếng Trung tại các ga tàu. Đối với Shuichi Kato, người tổ chức các tour du lịch tại Kyoto đã gửi 15.000 khẩu trang đến Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, du khách từ Trung Quốc là cứu cánh cho hoạt động kinh doanh của ông.

Tính đến ngày 18-2, khu vực tư nhân của Nhật Bản quyên góp hơn 3 triệu khẩu trang cũng như 43,96 triệu NDT (6,3 triệu USD) ủng hộ Trung Quốc.

Một “cuộc hôn nhân thuận tiện”

Ở cấp độ nhà nước, quan hệ cũng được cải thiện. Tháng 5-2018, ông Tập và ông Abe lần đầu tiên tổ chức các cuộc điện đàm để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Vài tháng sau, ông Abe trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên trong gần 7 năm tới thăm Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc và Nhật Bản đã tổ chức diễn đàn đầu tiên nhằm tăng cường hợp tác tại các quốc gia thứ ba như Thái Lan, quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiện với cả Bắc Kinh và Tokyo. Cuối cùng, hai nước đã ký thỏa thuận trị giá 18 tỷ USD.

Gần đây, mối quan hệ hợp tác tốt lên nhờ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về cuộc chiến thương mại với cả hai.  Nhưng trong khi ông Abe nỗ lực hỗ trợ Trung Quốc trong cuộc chiến chống bùng phát dịch bệnh Covid-19, những người có quan điểm diều hâu tại Nhật Bản lại tức giận trong bối cảnh Tokyo cũng vật lộn để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong nước. "So với một số quốc gia khác, chính phủ Nhật Bản đã có lập trường tương đối mềm đối với việc ngăn chặn dòng người từ Trung Quốc sang Nhật Bản. Một số người đã tức giận về điều đó vì họ nghĩ rằng ông Abe ưu tiên tình bạn mới của mình với ông Tập hơn vấn đề an ninh quốc gia", ông Nakano cho biết.

Bất chấp những tiến bộ gần đây trong quan hệ, về cơ bản, Nhật Bản và Trung Quốc luôn tồn tại sự cạnh tranh về vai trò đối với tương lai của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài ra, vấn đề tranh chấp lãnh thổ cũng không hề biến mất, nó chỉ tạm lắng xuống. Nhưng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu và sự lan rộng của dịch bệnh Covid-19, Trung -Nhật dường như đang tập trung vào những gì mang lại lợi ích cho cả hai bên.

AN BÌNH