Trừng phạt Nga không ích lợi gì

Thứ tư, 14/05/2014 11:47

(Cadn.com.vn) - Việc EU tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang đẩy mối quan hệ hai bên đến gần hơn bờ vực thẳm.

Nga ngày 13-5 tuyên bố, gói trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ cản trở những nỗ lực để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraine đồng thời kêu gọi phương Tây thuyết phục Kiev đàm phán về cấu trúc tương lai đất nước trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 25-5.

Người dân Luhansk hoan nghênh kết quả trưng cầu dân ý, trao cho họ quyền tự trị.
Ảnh: Reuters

Cần đàm phán...

Theo Reuters, kêu gọi thảo luận về quyền của các khu vực miền đông Ukraine được đưa ra sau khi Moscow cáo buộc các lãnh đạo tạm quyền Kiev từ chối thương lượng với lực lượng ly khai.

Phát biểu với Đại diện EU Vygaudas Usackas, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nêu rõ, việc Kiev từ chối tham gia đối thoại thực sự là rào cản giảm leo thang căng thẳng và các bên cần đàm phán trước bầu cử tổng thống Ukraine. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, Điện Kremlin cho rằng, phương Tây cần tôn trọng kết quả các cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự trị ở hai khu vực Donetsk và Luhansk bằng việc thúc đẩy đối thoại song phương. “Moscow hy vọng... EU và Mỹ sẽ sử dụng ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo hiện nay ở Kiev để kéo họ vào bàn đàm phán về cơ cấu nhà nước và tôn trọng các quyền của khu vực, trước bầu cử vào ngày 25-5 tới”, tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ.

Giới phân tích cho rằng, đàm phán là giải pháp duy nhất khi kết quả trưng cầu tự trị ở hai khu vực chủ yếu nói tiếng Nga này chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức độ sâu sắc của cuộc khủng hoảng Ukraine. Người dân miền đông rõ ràng quyết liệt muốn tách khỏi Ukraine và hướng về Nga, nơi họ đặt niềm tin sẽ được đảm bảo quyền lợi công dân, khi tuyên bố tẩy chay bầu cử ngày 25-5 tới. Bản thân Tổng thống Nga Putin cũng cho rằng, cuộc bầu cử Ukraine vốn là niềm hy vọng để chính phủ củng cố quyền lực, sẽ không hợp pháp nếu người dân ở miền đông được đảm bảo quyền lợi.

...chứ không phải trừng phạt

Trong động thái gây áp lực Moscow, EU ngày 12-5 áp đặt trừng phạt đối với 2 Cty ở Crimea là PJSC Chernomorneftegaz và Feodosia cùng 13 nhân vật thân cận với Tổng thống Putin, trong đó có Phó Chánh văn phòng thứ nhất Điện Kremlin, ông Vyacheslav Volodin.

Theo tờ báo chính thức của EU, ông Volodin nằm trong danh sách bổ sung những người phải đối mặt với lệnh phong tỏa tài sản và cấm thị thực nhằm đáp trả việc Crimea sáp nhập về với Nga. Tuy nhiên, Moscow cho rằng, trừng phạt như thế này chỉ càng khiến vấn đề thêm rối rắm. “Bằng việc tiếp tục những logic trừng phạt Nga sai lầm, EU đang tự hủy hoại niềm tin của một đối tác và khiến người ta hoài nghi về tuyên bố (của EU) thể hiện vai trò khách quan trong việc hỗ trợ tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột nội bộ của Ukraine”, Bộ Ngoại giao cho biết.

Thật sự, bất chấp những biện pháp trừng phạt liên tiếp từ Mỹ và EU, Nga vẫn hoàn toàn phớt lờ. Trên thực tế, EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và ngược lại, nhất là khi các nước Châu Âu phụ thuộc phần lớn nguồn năng lượng vào Moscow. Ngoài ra, Điện Kremlin cũng đang “bận” quan tâm đến thị trường mới, béo bở hơn: Châu Á.

Ngày 13-5, Gazprom - Tập đoàn khí đốt của chính phủ Moscow – có “đòn giáng mạnh” đến Kiev khi gửi hóa đơn khí đốt trước cho đơn hàng vào tháng 6. Giám đốc điều hành của Gazprom, Alexei Miller, trước đó cho biết sẽ gửi hóa đơn vào ngày 16-5 nhưng Thủ tướng Dmitry Medvedev yêu cầu phải chuyển ngay lập tức. Nhiều chuyên gia cho rằng, có khả năng, nếu Kiev không chuyển tiền trước, Moscow sẽ không giao hàng. Cuộc khủng hoảng khí đốt đang chực chờ.

Khả Anh

Tổng thống Nga sẽ đến Trung Quốc dự CICA

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến Trung Quốc trong hai ngày 20 và 21-5 để tham dự Hội nghị cấp cao về tương tác và xây dựng lòng tin ở Châu Á (CICA) diễn ra tại tại Thượng Hải.

Theo Itar-Tass, CICA với chủ đề “Tăng cường đối thoại, niềm tin và cộng tác xây dựng một Châu Á mới hòa bình, ổn định và hợp tác”, sẽ do Chủ tịch nước chủ nhà Tập Cận Bình chủ trì. Theo kế hoạch, ông Putin cũng sẽ hội đàm với ông Tập và các nhà lãnh đạo khác tới tham dự CICA. CICA gồm 24 thành viên, trong đó có Việt Nam, cùng 13 quan sát viên.

T.Nguyên