Trung Quốc bị lật mặt tại Đối thoại Shangri-La

Thứ hai, 02/06/2014 11:05

(Cadn.com.vn) - Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (Đối thoại Shangri-La) có thể giúp Trung Quốc “tỉnh mộng” khi liên tiếp bị Mỹ và Nhật Bản công khai chỉ trích.

Trung Quốc đến bàn Đối thoại Shangri-La với con cờ “cả vú lấp miệng em” khi biết chắc chắn hội nghị uy tín về an ninh Châu Á này sẽ nóng vì vấn đề biển Đông và cả biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, Bắc Kinh thật sự mất mặt khi bị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vạch rõ chân tướng. “Yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông đang gây bất ổn khu vực”, AP dẫn lời ông chủ Lầu Năm Góc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La trước hàng trăm quan chức cấp cao, quốc phòng, các chuyên gia an ninh và hàng trăm nhà báo quốc tế. Trong khi đó, ông Abe khẳng định ủng hộ Việt Nam và Philippines trước những hành động đơn phương hung hăng của Bắc Kinh.

Tại bàn Đối thoại Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng có bài phát biểu quan trọng, trong đó, ông nhấn mạnh: “Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ngay lập tức”.

Đoàn đại biểu Mỹ (trái) gặp gỡ đoàn Việt Nam bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AP

KHI TRUNG QUỐC ĐUỐI LÝ

Bộ trưởng Mỹ khẳng định, Nhà Trắng “sẽ không thể ngó lơ” khi Bắc Kinh đang nỗ lực hạn chế hoặc bỏ qua các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế, và có những động thái gây bất ổn ở biển Đông.

Trong cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera, ông Hagel nhấn mạnh: “Mỹ ủng hộ nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm “tái định hướng vị thế của hoạt động phòng vệ tập thể nhằm giúp xây dựng một trật tự khu vực hòa bình và ổn định”. Khi ông Onodera gặp gỡ trưởng đoàn Trung Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), tướng Vương Quán Trung tại bàn Đối thoại Shangri-La hôm 1-6, Bắc Kinh tỏ ra đuối lý nên chuyển sang đổ lỗi cho Tokyo.

Tướng Vương Quán Trung nói rằng, ông rất tức giận khi nghe bài phát biểu của Thủ tướng Abe và nhất là những cáo buộc của ông Hagel rằng, “Bắc Kinh gây bất ổn khu vực”. “Phái đoàn Trung Quốc có cảm giác, những phát biểu của Thủ tướng Nhật và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là hành động khiêu khích nhằm vào Bắc Kinh, một sự phối hợp với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, khuyến khích nhau...”. Ông Vương sau đó tuyên bố, Bắc Kinh luôn theo đuổi chính sách quốc phòng mang bản chất phòng vệ và PLA đang nỗ lực đóng góp để duy trì an ninh khu vực. Tuyệt nhiên, vị tướng Trung Quốc không thể chứng minh được khả năng “duy trì an ninh khu vực” như thế nào.

Ông Vương cũng luôn từ chối đàm phán với Nhật Bản và quay sang công kích Tokyo vì “chính sách sai lầm đối với Trung Quốc” đồng thời yêu cầu chính quyền ông Abe phải sửa chữa sai lầm này trước. Ông Vương còn cáo buộc Mỹ theo “chủ nghĩa bá chủ và đe dọa”, song không đưa ra được bằng chứng cho cáo buộc này.

Những bài phát biểu chỉ trích nhau giữa 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung vào hành động đơn phương của Trung Quốc ở biển Đông thật sự làm nóng bàn Đối thoại Shangri-La lần này. Đây là lần đầu tiên, hội nghị an ninh uy tín và quy mô nhất Châu Á chú trọng vào vấn đề an ninh ở biển Đông – nơi Trung Quốc đang khuấy động căng thẳng khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và có những hành động ngang ngược vô lý.

CHÂU Á THIẾU CƠ CHẾ PHÒNG NGỪA CHIẾN TRANH

VIỆT-NHẬT TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC PHÒNG

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản hôm 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng khi cả hai đang hết sức cảnh giác trước cách hành xử ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông. “Chúng tôi cần gửi đi một thông điệp chung giữa các bên liên quan vì nó sẽ giúp giải quyết các vấn đề mà chúng tôi đang phải đối mặt”, Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố.

Rõ ràng, mối đồng minh thân cận giữa Tokyo với Washington đang khiến Bắc Kinh lo ngại.

“Điều thực sự gây lo lắng là Nhật-Mỹ đang ở trong liên minh rất mạnh mẽ và dường như được kéo gần hơn nhờ sự vô lý của Bắc Kinh. Điều đó được thấy rõ ràng tại cuộc đối thoại năm nay”, Tim Huxley, Giám đốc điều hành của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở Châu Á nhận định. Theo ông, dù Trung Quốc phản ứng thế nào, rõ ràng, họ đang đối mặt với liên minh chặt chẽ hơn. Sức mạnh đoàn kết của ASEAN hiện nay cũng khiến Bắc Kinh lo lắng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Ng Eng Hen, Châu Á và cả Đông Nam Á vẫn đang thiếu một cơ chế quan trọng: phòng ngừa chiến tranh. “Châu Á rất thiếu một cơ chế tập thể giống Châu Âu sau 2 cuộc đại chiến, để ngăn ngừa xung đột bùng nổ thành chiến tranh”, tờ CNA dẫn lời ông Ng Eng Hen phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Theo ông, cho đến nay, sức mạnh duy nhất kiềm chế các nước là lợi ích mà bản thân mỗi nước có được từ phát triển kinh tế.

Khả Anh