Trung Quốc căng mình chống siêu bão Mangkhut
Siêu bão Mangkhut vẫn đang tàn phá dữ dội sau khi đã giết chết ít nhất 64 người ở Philippines và phá hủy một vùng nông nghiệp rộng lớn của quốc gia Đông Nam Á này.
Chính quyền đặc khu Hồng Kông và Macao (Trung Quốc) căng mình chống chọi mưa và gió lớn khi siêu bão Mangkhut đổ bộ trong ngày 16-9 sau khi đã “lấy lại” được sức mạnh bất chấp hơn 20 giờ tàn phá mạnh mẽ tại Philippines trong ngày 15-9. Siêu bão Mangkhut được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trên thế giới trong năm 2018. Dù đã bị hạ cấp từ mức “siêu bão” xuống còn “bão nghiêm trọng”, nó vẫn rất nguy hiểm.
Các binh sĩ Philippines giúp một gia đình đưa trẻ em đến bệnh viện cấp cứu vì trúng mảnh vỡ do siêu bão Mangkhut. Ảnh: AFP |
Tàn phá kinh hoàng Philippines
Cơn bão mạnh nhất thế giới trong năm nay đổ bộ vào tỉnh Cagayan ở cực bắc đảo Luzon của Philippines vào lúc 2 giờ 30 ngày 15-9, sau đó mở rộng sức tàn phá ở phía bắc của đảo chính Luzon khi những cơn gió dữ dội xé toạc mặt đất và gây ra hàng chục vụ lở đất, kèm lũ lụt.
Sức gió của bão ở mức 270km/h, có khi lên đến 325km/giờ. Sau hơn 20 tiếng, nó đã quần nát miền bắc Philippines. Tại thị trấn Baggao, những ngôi nhà bị phá hủy do bão, mái nhà bị xé toạc và đường dây điện vương vãi khắp nơi. Một số con đường bị chia cắt do sạt lở đất và nhiều con đường bị ngập nước. Các trang trại ở phía bắc Luzon, vựa lúa và bắp của nước này, đang bị chìm trong nước. Vụ mùa của họ bị hủy hoại chỉ một tháng trước khi thu hoạch. “Chúng tôi đã nghèo, thảm họa lại đến. Chúng tôi đã mất hết hy vọng”, Mary Anne Baril, 40 tuổi, chủ một trang trại trồng bắp và lúa bị hư hỏng, nói với AFP. “Chúng tôi không còn cách nào khác để sống”, cô nói trong nước mắt.
Ít nhất 10 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi siêu bão này trong đó có hơn 4 triệu người - gần 1/4 trong số đó sống chỉ với vài USD mỗi ngày - sống trong khu vực thuộc đường đi của tâm bão. Trung bình mỗi năm có 20 cơn bão mạnh và lốc xoáy tấn công Philippines. Cơn bão nguy hiểm nhất tấn công đất nước này là siêu bão Haiyan, vốn khiến hơn 7.350 người chết và mất tích ở miền trung Philippines vào tháng 11- 2013. Mangkhut được cho là mạnh tương đương với Haiyan nhưng siêu bão Haiyan tấn công vào khu vực có đông dân cư hơn.
Giới chức nước này chỉ mới bắt đầu tính tổn thất do bão gây ra, nhưng đã xác nhận ít nhất 64 người đã thiệt mạng. Trong số các nạn nhân thiệt mạng, có các thành viên đội cứu hộ. Và giới chức nước này lo ngại, con số này sẽ còn tăng cao.
Lực lượng cứu hộ giúp một người dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt ở Macau hôm 16-9. Ảnh: CNN |
Macao, Hồng Kông chìm trong nước
Khi bão đi qua phía nam Hồng Kông, cây cối gãy đổ hàng loạt khiến hệ thống giao thông bị chặn đứng, trong khi một số cửa sổ trong các khối nhà tháp bị đập vỡ và một số tòa nhà chọc trời lắc lư. Chính quyền Hồng Kông ban hành cảnh báo bão cao nhất ở mức 10 khi sức gió lên đến hơn 200km/h và sóng biển cao tới 14m. Chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu đóng cửa ở bờ biển phía nam.
Tại cảng Victoria nổi tiếng và các làng chài ở Hồng Kông, mực nước tăng lên đến 4m. Hàng trăm cư dân được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn khi đài quan sát dự báo lũ lụt nghiêm trọng cho các khu vực trũng thấp. Chính quyền cảnh báo mọi người ở trong nhà. Hầu hết các chuyến bay đi đến Hồng Kông đều đã bị hủy. Tại khu vực láng giềng Macao, chính quyền thậm chí quyết định đóng cửa hoạt động của tất cả 42 sòng bạc trên địa bàn nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của siêu bão Mangkhut. Đây là lần đầu tiên chính quyền Macao đóng cửa hoạt động của các sòng bạc do bão, và việc mở cửa trở lại sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, dù việc đóng cửa này sẽ khiến Macao mất khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (900 triệu USD) mỗi ngày.
Cuối ngày 16-9, siêu bão Mangkhut đã rời Hồng Kông và trên đường đến lục địa Trung Quốc, gây sóng lớn ở bờ biển phía nam nước này và khiến các tòa nhà chọc trời lắc lư. Người dân được khuyến cáo không nên ra ngoài và nhiều người đã sẵn sàng trú ẩn cho đến khi cơn bão đi qua.
KHẢ ANH