Trung Quốc đang ở sân sau của Nga
(Cadn.com.vn) - Sự thống trị của Nga ở Trung Á đang bị lung lay bởi sức hấp dẫn kinh tế của Trung Quốc.
EEU và Trung Quốc
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng mô tả về sự sụp đổ của Liên Xô là "thảm họa địa chính trị lớn nhất" của thế kỷ XX. Ông tiếc vì nó đã cắt đứt các mối liên kết sâu sắc về kinh tế, ngôn ngữ, xã hội, và văn hóa liên quan đến 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Đó là mối quan hệ ông Putin rất muốn tái tạo.
Mong muốn này nhận được sự thông cảm. Chẳng hạn như, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev muốn thúc đẩy liên minh thuế quan bao gồm tất cả các nước thuộc Liên Xô trong gần 2 thập kỷ qua. Những nỗ lực của ông Nazarbayev cuối cùng cũng đạt kết quả, đó là sự ra mắt chính thức của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) hồi tháng 1, với Kazakhstan, Belarus và Nga là thành viên sáng lập. 3 nước này hiện nay trong EEU là nhà của 173 triệu người và có tổng GDP là 2.400 tỷ USD.
Mặc dù bản đồ EEU chạy từ Châu Âu đến Thái Bình Dương, tổ chức này không bao gồm nhà nước Châu Á-Thái Bình Dương quan trọng nhất - Trung Quốc. Mặc dù chi phí vận chuyển của Kazakhstan sẽ được hạ xuống thông qua việc tiếp cận bình đẳng với mạng lưới đường sắt Nga và Belarus, tạo ra các tuyến đường giao thông liên kết thương mại giữa Châu Âu và Châu Á, biên giới Kazakhstan với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn chịu các rào cản thuế quan.
Trong khi ông Putin hợp tác với Trung Quốc trong các tổ chức không thuộc phương Tây, chẳng hạn như với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải về các vấn đề an ninh, ông nhận ra, Moscow phải đối mặt với mối đe dọa kinh tế từ Bắc Kinh.
Trung Quốc và Nga đều có sức ảnh hưởng lớn tại Trung Á. Ảnh: Diplomat |
Ảnh hưởng của Bắc Kinh
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Tajikistan ngày càng lớn. Hai nước có quan hệ kinh tế sâu rộng kể từ khi kết thúc nội chiến vào năm 1997.
Bắc Kinh mở rộng tín dụng và giúp đỡ xây dựng đường giao thông, đường hầm và các cơ sở hạ tầng điện lưới cho Tajikistan. Các Cty Trung Quốc đang đầu tư vào lĩnh vực thăm dò dầu khí và khai thác mỏ vàng. Có thể một ngày nào đó, khoáng sản và năng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ thay thế bông, mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Tajikistan. Điều này sẽ làm mất đi sức ảnh hưởng của Nga tại nước này.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc luôn ca ngợi triển vọng đầu tư ở Trung Á từ sau khi Liên Xô tan rã cho đến nay, số tiền thực tế mà Bắc Kinh chi khá khiêm tốn. Nhìn chung, nước này tập trung lo ngại về an ninh, đặc biệt là tác động chủ nghĩa dân tộc Trung Á và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trên địa bàn tỉnh Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc. Nhưng hiện giờ, một số nhân tố có thể thay đổi lợi ích của Trung Quốc ở Trung Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa"- sự trẻ hóa quốc gia tạo ra xã hội thịnh vượng, với những cơ hội cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Việc quay trở lại Trung Á cho thấy, Bắc Kinh hoàn toàn lấy lại trạng thái cũ, trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Để phát đi tín hiệu chuyển ưu tiên sang khu vực Trung Á, ông Tập hình thành sáng kiến "Con đường tơ lụa mới" có thể kết hợp giải quyết cả tham vọng kinh tế của Trung Quốc với mối quan ngại về an ninh ở khu vực phía tây đất nước.
Hơn nữa, Bắc Kinh hiện nay là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Và Trung Á là nơi có thể giúp Trung Quốc.
An Bình
(Theo Diplomat)