Trung Quốc khai mạc Hội nghị Trung ương IV: Trọng tâm về pháp quyền

Thứ ba, 21/10/2014 07:20

(Cadn.com.vn) - Lần đầu tiên trong lịch sử, đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cầm quyền đặt vấn đề pháp quyền là chủ đề trọng tâm Hội nghị Trung ương IV khai mạc hôm qua 20-10.

* Australia ngày 20-10 nhất trí hỗ trợ Bắc Kinh dẫn độ và thu giữ tài sản của các quan chức Trung Quốc tham nhũng, những người chạy ra nước ngoài cùng với hàng trăm triệu USD bất hợp pháp. Australia cùng với Mỹ và Canada là 3 điểm đến phổ biến nhất của các tội phạm kinh tế Trung Quốc.

Khi các thành viên chủ chốt của CPC nhóm họp từ ngày 20 đến 23-10 tại Hội nghị Trung ương IV, sự hiện diện của họ đã đủ làm nên lịch sử Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, hội nghị toàn thể của Ban chấp hành CPC lần này được coi là cột mốc quan trọng trong cải cách chính trị và tiến bộ của Trung Quốc, vì lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề pháp quyền trở thành chủ đề trung tâm.

Theo đó, các đại biểu sẽ thảo luận một dự thảo quyết định của Ban chấp hành Trung ương CPC khóa XVIII về “các vấn đề quan trọng liên quan đến thúc đẩy toàn diện pháp quyền”. Rõ ràng, đây là cơ hội bước ngoặt để CPC xem xét lại vấn đề tối quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện đại.

“Chúng tôi tin rằng, giới chức lãnh đạo mới, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ tạo ra cơ hội thực sự cho những cải cách quan trọng đối với vấn đề pháp quyền và tái cân bằng kinh tế trong những năm tới”, Ting Lu chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ cho biết.

Chìa khóa để cải cách

Nhiều người tin rằng, pháp quyền nắm giữ chìa khóa thành công của hệ thống luật pháp hiện nay của Trung Quốc và là “người đi tiền trạm” cho sự phát triển theo hướng văn minh hiện đại.

Đối mặt nhiều áp lực khi nền kinh tế suy giảm và chuyển đổi đau đớn, việc thúc đẩy pháp quyền giúp huy động thị trường có trật tự và hiệu quả cao, mang lại nhiều triển vọng cho nền kinh tế nước nhà. Điều này đặc biệt đúng vì hầu như tất cả những đau đớn phải chịu đựng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay - từ bong bóng bất động sản, rủi ro đến nợ công... đều bắt nguồn từ cạnh tranh không lành mạnh và tham nhũng. Và tất cả đều là kết quả của việc thiếu quy định của pháp luật.

Khi ổ đĩa cải cách hiện nay của Trung Quốc đã lên đà, nhiệm vụ cải cách luật pháp là cấp bách hơn bao giờ hết. Thật may mắn, thay đổi sâu sắc đang diễn ra. Chẳng hạn như tại Thượng Hải, một trung tâm thương mại được coi là “phòng thí nghiệm” cho những cải cách, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực thi pháp luật trong Khu vực thương mại tự do (FTZ) từ hôm 1-8 vừa qua, mở rộng cửa đón các doanh nghiệp ngoài nước và chính quyền can thiệp ít hơn.

Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã tạo được tiếng vang khi hàng loạt những quan chức cấp cao bị “sờ gáy”. Trong ảnh: Ông Chu Vĩnh Khang - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đầu tiên bị điều tra tham nhũng trong gần hàng chục năm qua. Ảnh: Reuters

Phòng chống tham nhũng, cải cách ruộng đất

Giới chức Bắc Kinh có thể sẽ thiết lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, một cơ quan độc lập với chính quyền địa phương và báo cáo trực tiếp lên Ủy ban kỷ luật trung ương (CDC).

“Trong năm qua, CDC chính là xương sống của chiến dịch chống tham nhũng và là mục tiêu trong gian đoạn đầu là nhằm cảnh báo chính phủ về vấn nạn tham nhũng bằng những cuộc điều tra và công bố một số trường hợp hồ sơ cán bộ cao cấp đã được “tô màu”, một chuyên gia nhận định.

Theo giới phân tích, bước tiếp sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” gây tiếng vang của Chủ tịch Tập Cận Bình, là cần đưa ra thể chế nhằm giảm nguy cơ tham nhũng và điều tra các vụ việc theo đúng quy định và thủ tục. Vấn đề khác cũng được xem trọng tại hội nghị này là cải cách quyền sở hữu ruộng đất theo đó, cho phép nông dân giữ đất khi nhập khẩu thành thị. Nếu không có quyền sử dụng đất và cư trú rõ ràng, việc đô thị hóa của Trung Quốc có thể tụt lại phía sau, gây nguy hiểm cho cải cách kinh tế rộng lớn hơn.

Có thể thấy rằng, các câu hỏi hóc búa này sẽ dần dần được giải đáp  tại hội nghị lần này, vốn được đánh giá là sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế và xã hội Trung Quốc trong những năm tới.

Khả Anh