Trung Quốc muốn WHO điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở Mỹ

Thứ bảy, 20/02/2021 18:46

Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết thúc nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán mà không thể đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về nguồn gốc của đại dịch, giới chức Trung Quốc tỏ rõ họ muốn nhóm chuyên gia tiếp tục điều tra ở Mỹ.

Nhân viên an ninh canh gác bên ngoài Viện Virus Vũ Hán khi nhóm chuyên gia điều tra của WHO đến thành phố này.   Ảnh: Reuters

Chĩa hướng sang Mỹ

"Chúng tôi hy vọng sau Trung Quốc, phía Mỹ sẽ hành động một cách tích cực, dựa trên cơ sở khoa học và hợp tác trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và mời các chuyên gia của WHO tới để tham gia nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc đại dịch", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết.

Trong khi đó, ông Zeng Guang, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết Mỹ hiện nên là "trọng tâm" của các nỗ lực truy tìm virus SARS-CoV-2 toàn cầu. Ông Zeng đã đưa ra một giả thuyết về Fort Detrick - một phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh của quân đội Mỹ ở bang Maryland. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng để chứng minh giả thuyết này. "Mỹ có các phòng thí nghiệm sinh học trên khắp thế giới", ông Guang bình luận trên một trang web có trụ sở tại Thượng Hải trong một cuộc phỏng vấn. "Tại sao Mỹ có nhiều phòng thí nghiệm như vậy? Mục đích của việc này là gì? Trong nhiều vấn đề, Mỹ luôn yêu cầu các quốc gia khác phải công khai và minh bạch. Trên thực tế, chính Mỹ lại thường xuyên không rõ ràng nhất", ông Zeng đặt câu hỏi.

Chưa thể khẳng định nguồn gốc

Hôm 9-2, nhóm chuyên gia điều tra của WHO và Trung Quốc đã kết thúc 4 tuần điều tra nguồn gốc Covid-19 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhưng không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về nguồn gốc của đại dịch. Nhóm chuyên gia quốc tế cho rằng giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc là “cực kỳ khó xảy ra”. Theo các chuyên gia của WHO, gần như không có khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và gây ra đại dịch Covid-19. “Không có dấu hiệu cho thấy SARS-CoV-2 lây lan trong dân Vũ Hán trước tháng 12-2019. Cũng không có đủ bằng chứng cho thấy liệu virus này đã lây lan đáng kể ở Vũ Hán trước thời gian đó hay không”, Giáo sư Liang Wannian thuộc nhóm chuyên gia WHO, đồng thời là chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa, phát biểu trong họp báo chiều 9-2. Tuy nhiên, ngay sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố muốn xem xét dư liệu của nhóm chuyên gia quốc tế thì Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 12-2 bất ngờ cho rằng giả thuyết về SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán vẫn chưa bị bác bỏ và WHO vẫn đang điều tra.

Ông Liang Wannian cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ động vật nhưng chưa có đủ bằng chứng, dữ liệu để khẳng định loài động vật nào là vật chủ trung gian lan truyền trực tiếp virus SARS-CoV-2 cho con người. Một chuyên gia phía WHO cũng nói rằng virus SARS-CoV-2 có thể đã truyền từ động vật sang người và không thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm Trung Quốc. Ngoài ra, WHO cho biết nhiều ca bệnh có liên quan tới chợ Hoa Nam ở Vũ Hán, có nghĩa là chợ này là một trong những điểm lây lan ban đầu. Tuy nhiên, virus cũng lây lan ở những nơi khác khắp Vũ Hán. Với cơ sở dịch tễ hiện nay, chưa thể xác định được virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào khu chợ này thế nào.

Mỹ “quan ngại sâu sắc”

Mỹ đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về báo cáo điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 của WHO. Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington yêu cầu phải có bản báo cáo điều tra độc lập “không bị chính quyền Trung Quốc thao túng". Ông Sullivan nói: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về báo cáo của WHO về cuộc điều tra nguồn gốc Covid19". "Để đảm bảo báo cáo này là độc lập thì những phát hiện của chuyên gia quốc tế phải không bị chính quyền Trung Quốc can thiệp hoặc thay đổi. Bên cạnh đó, để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, Trung Quốc phải cung cấp dữ liệu về những ngày đầu tiên khi dịch mới bùng phát”, ông Sullivan nhấn mạnh.

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo, đã khẳng định có “bằng chứng lớn” cho thấy Viện Virus Vũ Hán là nơi bắt nguồn của virus SARS-CoV-2. Ông cho rằng nó có thể thoát ra ngoài, hoặc thậm chí cố tình được thả ra khỏi phòng thí nghiệm.

Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 18-2 đã chỉ trích việc một số chính trị gia phương Tây tỏ ra hoài nghi tính công bằng của cuộc điều tra gần đây nhằm truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 do phái đoàn của WHO tại Trung Quốc thực hiện, đồng thời cho rằng sự công bằng không có nghĩa là "theo lệnh của phương Tây". Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, không thiên vị không có nghĩa là giả định phạm tội nhằm vào Trung Quốc. Trung Quốc hy vọng các quốc gia liên quan cũng có thể tham gia công tác truy tìm nguồn gốc virus này trên toàn cầu một cách tích cực, trên cơ sở khoa học và hợp tác, đồng thời chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ.

AN BÌNH

Thỏ và chồn có thể là nguồn lây SARS-CoV-2 sang người

Ngày 19-2, các chuyên gia WHO đã công bố thêm các thông tin về kết quả cuộc điều tra truy vết nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.

Tờ WSJ đưa tin các chuyên gia WHO tin rằng loài chồn Melogale và thỏ có thể là động vật lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sang người. Theo nguồn tin này, nhóm điều tra viên của WHO cho rằng loài chồn Melogale và thỏ, những động vật được bán tại một khu chợ ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), có thể đóng vai trò trong việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho người. Tuy nhiên, các điều tra viên cũng lưu ý rằng cần tiến hành điều tra thêm về nguồn cung những động vật này và cả các động vật khác ở khu chợ nêu trên. Tới nay, các nhà điều tra vẫn chưa nắm được hết danh sách các động vật tươi sống và động vật chết được bán tại chợ ở Vũ Hán. WHO xác nhận Trung Quốc đã tiến hành xét nghiệm diện rộng đối với các trang trại chồn của nước này sau khi châu Âu phát hiện các ca lây nhiễm hai chiều giữa chồn và người.