Trung Quốc trả đũa vụ bắt giữ CFO Huawei?

Thứ sáu, 14/12/2018 08:15

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland ngày 12-12 cho biết, một công dân thứ hai của Canada có thể đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, động thái được cho là hành động trả đũa có nguy cơ làm leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Washington, Bắc Kinh và Ottawa sau vụ Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada.

Theo thông tin được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố và được cho là của Cục An ninh Nhà nước Đan Đông, một thành phố ở phía đông bắc nước này, công dân Canada Michael Spavor đang “bị điều tra” vì tình nghi có “các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”.

Ông Michael Spavor (phải) từng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi năm 2014. Ảnh: CNN

Hai công dân Canada bị bắt giữ là ai?

Ông Spavor là người sáng lập tổ chức Paektu Cultural Exchange, Cty giúp chuyên lên kế hoạch cho các chuyến đi tới Triều Tiên của du khách và giới thể thao. Ông trở nên nổi tiếng sau khi tổ chức được chuyến thăm Triều Tiên của ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman. Ông Spavor cũng đã có cơ hội gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong sự kiện này.

Tin tức về cuộc điều tra được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland thừa nhận, Trung Quốc đã bắt giữ Michael Kovrig, một nhà ngoại giao Canada hiện đang làm việc cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) với tư cách là cố vấn cấp cao ở Đông Bắc Á. Ông Kovrig bị cáo buộc tham gia vào "các hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc" và "đang bị điều tra". Cả hai bị điều tra vào ngày 10-12. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 13-12 cũng khẳng định, hai công dân Canada bị bắt giữ tại Canada vì tình nghi tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, và nhấn mạnh cả hai trường hợp này đều nằm trong diện điều tra.

Các nguồn tin  nói với CNN rằng, ông Spavor đã bị thẩm vấn tại một sân bay. “Chúng tôi đang nỗ lực để xác định nơi ở của ông ấy và chúng tôi đã nêu trường hợp này với chính quyền Trung Quốc. Chúng tôi đã liên lạc với gia đình ông ấy”, Ngoại trưởng Freeland cho biết. Ông Spavor không trả lời điện thoại di động của ông ấy hoặc trả lời tin nhắn trên WeChat, một ứng dụng nhắn tin phổ biến của Trung Quốc, khi CNN cố gắng liên lạc hôm 13-12.

“Trò chơi con tin”

Các chuyên gia lo ngại rằng, ông Kovrig và ông Spavor lọt vào tầm ngắm của nhà chức trách Trung Quốc khi Bắc Kinh muốn trả đũa việc Canada bắt giữ bà Mạnh. Bà được tại ngoại trong khi một tòa án Canada đang quyết định có dẫn độ bà sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc ở đó hay không.

Động thái này của Trung Quốc diễn ra sau khi Bắc Kinh yêu cầu Canada sửa chữa sai lầm và ngay lập tức thả bà Mạnh nếu không sẽ phải đối mặt với những “hậu quả nghiêm trọng”. Việc bắt giữ ông Kovrig hôm 10-12 diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tòa án tỉnh British Columbia, Canada mở lại phiên tranh luận về việc có cho phép bà Mạnh được bảo lãnh tại ngoại hay không. Có một chi tiết đáng chú ý là ông Spavor và ông Kovrig có quen biết nhau. Ông Spavor dự kiến đến Seoul trong tuần này trên chuyến bay từ Trung Quốc ngày 10-12, nhưng ông đã không tới Seoul.

Ông Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin của Hàn Quốc và là chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên và Đông Á, cho biết có vẻ như Trung Quốc và Canada đang tham gia vào một "trò chơi con tin". "Tôi hơi ngạc nhiên khi họ (chính phủ Trung Quốc) đã chọn Michael Spavor, người có nguồn gốc rất khiêm tốn", ông Lankov nói. "Anh ấy chắc chắn không phải là con trai của một giám đốc điều hành của một Cty lớn của Canada", ông Lankov cho biết thêm.

“Lợi ích quốc gia của Trung Quốc”

Chính phủ Trung Quốc từng bắt giữ nhân viên nước ngoài của các tổ chức phi chính phủ. Vào tháng 1-2016, Peter Dahlin, người ủng hộ nhân quyền Thụy Điển đã bị bắt giam trong 3 tuần. Kể từ đó, Trung Quốc đã thông qua luật hạn chế những gì các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài có thể làm trên đất Trung Quốc. Các tổ chức này phải đăng ký với chính phủ và bị cấm gây nguy hiểm cho "sự đoàn kết dân tộc, an ninh của Trung Quốc; và không được làm tổn hại lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội của Trung Quốc".

Lần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối bình luận về trường hợp của ông Kovrig hôm 12-12 nhưng cho biết nếu nhân viên ICG đang hoạt động tại Trung Quốc, họ đã vi phạm luật pháp Trung Quốc. Hugh Pope, Giám đốc Truyền thông và Tiếp cận của ICG, cho biết, tổ chức của ông “vẫn chưa nhận được thông tin nào về Kovrig từ Trung Quốc kể từ khi ông bị bắt giữ vào ngày 10-12 và rất quan tâm đến sức khỏe và sự an toàn của ông”. Ông Kovrig gia nhập ICG vào năm 2017 và làm việc ở Hồng Kông, hoạt động theo một khuôn khổ pháp lý khác với phần còn lại của Trung Quốc đại lục. Ông thường xuyên đến Bắc Kinh để gặp gỡ các quan chức, tham dự các hội nghị theo lời mời của các tổ chức Trung Quốc và các chuyến thăm cá nhân.

AN BÌNH