Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam

Thứ sáu, 18/03/2016 08:02

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 17-3, tại Hà Nội, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình làm rõ hàng loạt vấn đề đối ngoại nổi bật thời gian qua, đặc biệt là những hành động sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước các hoạt động gần đây của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như: cho tàu Ngôi sao Vịnh Bắc Bộ tải trọng 10.000 tấn đưa 300 khách ra đảo Ốc Hoa; xây dựng cảng hàng không với đường băng 3.500m ở Đảo Cây; lấn biển ở khu vực cụm đảo An Vĩnh..., Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Những hành động này không chỉ đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương; mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế; có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Trung, cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Trả lời câu hỏi về việc gần đây nhiều ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân ở miền Trung thông báo với cơ quan chức năng rằng họ liên tục bị tấn công bởi các tàu của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Các hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào là không thể chấp nhận được và chúng tôi kiên quyết phản đối. Gần đây nhất, theo các cơ quan chức năng trong nước, tàu cá của tỉnh Quảng Nam mang số hiệu Qna 91939TS cùng với 10 thuyền viên trên tàu trong lúc đang hoạt động bình thường trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và cũng là ngư trường truyền thống bao đời nay của các ngư dân Việt Nam thì bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46101 khống chế và lấy đi một số tài sản trên tàu.

Đây là các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động vô nhân đạo này, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi của các lực lượng chức năng Trung Quốc, đồng thời bồi thường thiệt hại cho các ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các hành vi tương tự”.

Liên quan đến vụ việc cô gái tên Hoàng Thị Hiệu nhảy ra khỏi ô-tô kêu cứu ở thành phố Quế Lâm, Trung Quốc, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: “Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc nhanh chóng tìm hiểu, xác minh thông tin và tiến hành các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với cô gái này. Theo thông tin ban đầu mà Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh cung cấp, chị Hoàng Thị Hiệu đã theo bạn nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc tại vùng biên giới Lào Cai-Vân Nam ngày 9-3-2016. Hiện nay, chị Hoàng Thị Hiệu đang bị tạm giữ tại Công an thành phố Quế Lâm, Trung Quốc để hợp tác lấy lời khai do việc nhập cảnh trái phép. Hai người đi cùng ô-tô bị tình nghi là đối tượng buôn bán người cũng đang bị Công an tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bắt giữ. Vụ việc đang được điều tra. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Quảng Tây (Trung Quốc) để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam”.

Tại họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi của phóng viên cho biết thông tin về khoảng 40 lao động Việt Nam gửi thư cầu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, phản ánh về điều kiện ăn ở thiếu thốn và phải làm việc trong môi trường độc hại. Ông Lê Hải Bình cho biết: “Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngày 15-3-2016, Ban Quản lý lao động của Đại sứ quán đã nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của đại diện lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Theo đó, đại diện của các lao động cho biết là sau khi đến Nhật Bản một số người này đã phải làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện sinh hoạt kém và không đảm bảo sức khỏe.

Ngay sau khi nhận được đơn phản ánh, Ban quản lý lao động đã làm việc ngay với đại diện công ty và đề nghị phía công ty xem xét lại việc chủ sử dụng lao động đã thu các khoản tiền khá cao so với thực tế điều kiện sinh hoạt của người lao động. Ban Quản lý lao động cũng đã đề nghị với phía Nhật Bản cũng như phía công ty phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để cùng kiểm tra điều kiện sinh sống và làm việc của các lao động Việt Nam, đồng thời gặp gỡ với đại diện lao động để phối hợp giải quyết các vấn đề về quyền lợi, chế độ của người lao động, phù hợp với luật pháp cũng như thực tế của Nhật Bản. Nếu chủ sử dụng lao động không đáp ứng những yêu cầu này, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ đề nghị các cơ quan chức năng của Nhật Bản can thiệp. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang theo dõi chặt chẽ vụ việc này và phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam”.

Thu Thủy – TTXVN

Cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc truyền thông Singapore đưa tin Thái Lan đang có kế hoạch dự trữ một lượng lớn nước sông Mê Kông để phục vụ nông nghiệp nước này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Lập trường của Việt Nam về việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông đã nhiều lần được nêu rõ. Chúng tôi cho rằng các quốc gia liên quan phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông, đảm bảo các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông không gây ảnh hưởng đến môi trường của các nước ven sông Mê Kông, nhất là các nước hạ nguồn theo đúng thông lệ quốc tế đã quy định của Ủy hội sông Mê Kông, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông cũng như của người dân sinh sống trong khu vực. Liên quan đến động thái cụ thể của Thái Lan, tại cuộc họp lần thứ 43 của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Kông quốc tế diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 15 đến 17-3-2016, Đoàn Việt Nam đã bày tỏ quan ngại và đề nghị phía Thái Lan sớm cung cấp thông tin cụ thể về kế hoạch nêu trên”.