Trung Quốc xét xử Bạc Hy Lai: Quyết tâm chống tham nhũng

Thứ năm, 22/08/2013 11:30

(Cadn.com.vn) - Việc đưa “ngôi sao bị thất sủng” Bạc Hy Lai ra xét xử công khai tại tòa được coi là nỗ lực chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc.

Hôm nay (22-8), cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai sẽ chính thức hầu tòa ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, giúp kết thúc vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Bạc, 64 tuổi, ra tòa với cáo buộc nhận hối lộ, đút lót và lạm dụng chức quyền. Đây chính là phiên tòa nhạy cảm chính trị nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1976 sau vụ xét xử “Bè lũ 4 tên”, do bà Giang Thanh, vợ cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, cầm đầu. Theo Reuters, không như những dự đoán về một phiên xử bí mật, phiên tòa xét xử ông Bạc sẽ được truyền hình trực tiếp cho các phóng viên ở miền Đông Trung Quốc, động thái mang tính bước ngoặt của Bắc Kinh nhằm thể hiện tính minh bạch và công khai của nước này. Việc phiên tòa diễn ra ở thành phố cách xa Trùng Khánh đến 1.600km cũng để việc xét xử không phải chịu áp lực nào.

An ninh được thắt chặt bên ngoài khu vực tòa án Tế Nam trước phiên xét xử ông Bạc Hy Lai (ảnh nhỏ). Ảnh: THX

Theo các phương tiện truyền thông, các tội danh tham nhũng 25 triệu NDT (4,1 triệu USD) đối với ông Bạc bắt đầu trong thời gian ông này cầm quyền tại thành phố Đại Liên những năm 1990 chứ không phải tại Trùng Khánh. Nhưng giới phân tích cho rằng, sau khoảng thời gian dài làm chính trị và với những vị trí kinh qua, thật khó tưởng tượng ông Bạc chỉ tham nhũng trong thời gian đầu bước vào chính trường, ở các vị trí ít quyền lực.

Tham nhũng là căn bệnh ung thư khó chữa ở Trung Quốc – một quốc gia có nền kinh tế phát triển chóng mặt. Năm ngoái, các tờ báo lớn ở Mỹ như New York Times và Bloomberg công bố kết quả của một cuộc điều tra về sự giàu có của các gia đình quan chức hàng đầu Trung Quốc. Cả hai tờ báo đưa tin về khối tài sản 2,7 tỷ USD của gia đình cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức bác bỏ thông tin này. Gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng khẳng định, thông tin New York Times là “hoàn toàn bịa đặt” đồng thời khẳng định sẽ có những biện pháp cần thiết nhằm làm sáng tỏ những báo cáo dối trá khác và khởi kiện tờ báo này.

Trên thực tế, Chủ tịch Tập Cận Bình, xác định tham nhũng là một mối đe dọa cho sự sống còn của đảng và nhà nước. Với việc mở phiên tòa xét xử ông Bạc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tham gia vào hành động cân bằng rất tinh tế. Một mặt, họ có thể tránh những cuộc biểu tình chống chính phủ vì đã để vụ việc “chìm xuồng”, mặt khác, họ muốn cảnh cáo các chính trị gia đang lên khác.

Ông Bạc - con trai của cựu phó Thủ tướng Bạc Nhất Ba- từng là một trong những chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc. Ông trở thành Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, thành phố lớn nhất của Trung Quốc với khoảng 30 triệu dân và có tham vọng lọt vào “Bộ quyền lực”: Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng chính ông đã chôn vùi mọi nỗ lực của mình sau vụ bê bối giết người của vợ, bà Cốc Khai Lai bị phanh phui vào tháng 3-2012. Bà Cốc Khai Lai đã bị tuyên án tử hình trong phiên tòa vào năm ngoái, song được hoãn thi hành án 2 năm.

Có thể thấy rõ, phiên tòa xét xử ông Bạc chính là một phần quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bắc Kinh đang cố gắng truyền tải thông điệp rằng, không ai có thể đứng trên luật pháp. Giới quan sát nhận định, ông Bạc có thể thoát khỏi án tử hình bởi việc xét xử một chính trị gia từng là ngôi sao đang lên trên chính trường còn bao hàm nhiều ý nghĩa hơn việc kết án nặng hay nhẹ.

Khả Anh