Ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 10, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII:

Truy đến cùng những vấn đề bức xúc

Thứ năm, 10/07/2014 09:59

(Cadn.com.vn) - Tính dân chủ được thể hiện cao trong phiên thảo luận và chất vấn hôm 9-7 của kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII. Thậm chí theo dõi trả lời chất vấn qua truyền hình vẫn không được “giải tỏa”, người dân đã trực tiếp nhắn tin tới điện thoại của Chủ tọa kỳ họp để giãi bày. Qua đó, những vấn đề gai góc, nóng bỏng nhất của TP đã được đưa ra công khai.

 LẠI “TRUY” GIÁM ĐỐC SỞ XÂY DỰNG

Xây dựng đô thị tiếp tục là vấn đề “nóng” được các ĐB chất vấn dồn dập tại kỳ họp này với 21 ý kiến, nhưng Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng chỉ có thời gian trả lời 12 vấn đề liên quan tới nhà ở xã hội, quản lý chung cư, ngập úng, các dự án hạ tầng đô thị...

Tuy vậy, trả lời của ông Hùng không làm thỏa mãn các ĐB khiến số câu hỏi “phát sinh” tiếp tục tăng. Căng tới mức Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ nói thẳng nếu 30–8 này ông Hùng không giải quyết xong vấn đề Trạm xử lý nước thải ở làng đá Non Nước như đã hứa thì “tự nguyện thôi chức đi”.

Liên quan tới dự án này, người dân rất bức xúc song chính quyền triển khai rất chậm chạp. Nói như Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ đây là “điển hình về sự trì trệ của thủ tục hành chính. Các bên cứ đá qua đá lại, dây dưa kéo dài, làm mãi không xong”.

Một vấn đề khác là tình trạng ngập úng ở Đà Sơn (Liên Chiểu), ông Hùng trả lời vòng vo rồi “đá” sang lý do vì người dân xây dựng trái phép. Ngay lập tức người dân theo dõi phiên chất vấn qua truyền hình thấy bức xúc đã gửi tin nhắn trực tiếp cho Chủ tọa kỳ họp Trần Thọ với nội dung: Ông Hùng trả lời như thế không đúng.

Nguyên thủy ở đây là khu dân cư (KDC) chứ chúng tôi không xây dựng trái phép. Vấn đề là hạ tầng ở KDC này thấp hơn cống nước đường Hoàng Văn Thái nên không thể khắc phục ngập úng được. Sau khi đọc tin nhắn, Chủ tọa Trần Thọ “truy”: Anh đã lên đó chưa? Lên mấy lần? Có đúng là xây dựng trái phép không?.

Ông Hùng nói đã lên 2 lần và xây dựng trái phép cũng tương đối. Chủ tọa Trần Thọ liền đưa lên một bức ảnh và nói: Tôi đã lên tận nơi rồi, đã chụp ảnh về đây. Ngập úng thế này, dân họ chịu không thấu. Họ nhắn tin là đúng đấy. Sau khi đã “truy” tới ngọn ngành vấn đề, Chủ tọa Trần Thọ nói: Bây giờ anh phải trả lời rõ ràng làm hay không làm? Nếu làm thì khi nào xong? Phải bớt cách nói chung chung dạng sẽ làm khi nào có điều kiện.

Trong một số vấn đề dân sinh khác từ ngập úng, đường sá KDC, nhà ở xã hội... với cách trả lời “sẽ làm khi nào có tiền” rất đối phó của ông Hùng cũng đã nhận được phản hồi gay gắt của các ĐB. ĐB Như Hồng phản ứng, “Nếu trả lời thế thì khi xuống dân, làm sao chúng tôi trả lời được. Rồi lại hứa, lại chờ.

Trong khi đó là những vấn đề dân sinh liên quan sát sườn tới cuộc sống hằng ngày của họ. Đơn cử như vụ nhà ở xã hội ở Sơn Trà, chủ đầu tư đã bàn giao mặt bằng nhưng không làm thang máy, hệ thống chữa cháy, Sở cứ xuống kiểm tra, Chủ đầu tư lại hứa, nhưng nhiều lần không chịu thực hiện. Người dân thì cứ bức xúc, Chủ đầu tư cứ hứa, Sở cứ chờ cam kết lần này qua lần khác. “Phải có giải pháp gì hành động đi chứ”- ĐB Hồng nói.

Liên quan tới vấn đề xử lý công chức xin chung cư rồi bán, cho thuê lại gây bức xúc trong dư luận, ĐB Lê Vinh Quang đặt câu hỏi Sở Xây dựng sẽ có giải pháp gì ngăn chặn hiện tượng này. Ông Hùng cho biết, Sở sẽ đưa ra 3 giải pháp đó là khi bố trí chung cư cho công chức thì thủ trưởng đơn vị phải xác nhận tình trạng nhà ở của công chức đó có đúng nhu cầu không và phải chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện BQL chung cư nào mà để diễn ra tình trạng sang nhượng trái phép thì sẽ xử lý kỷ luật. Đặc biệt sẽ xem xét khống chế lại thời gian cho thuê chung cư từ 2-5 năm là phù hợp.

ĐB Cao Thị Huyền Trân chất vấn GĐ Sở Xây dựng về một số công trình đô thị gây bức xúc trong dân nhưng chưa xử lý. 

LÀM RÕ MỘT SỐ DỰ ÁN “NHẠY CẢM”

ĐB Nguyễn Thị Anh Đào nói khi TP chủ trương xây công viên Á Châu khu Nam tượng đài người dân rất phấn khởi, bởi thực tế Đà Nẵng rất thiếu công viên và đó là khu trung tâm đắc địa. Nhưng người dân có hiểu là khi vào đó vui chơi thì phải trả tiền?

Và lợi ích của người dân được đến đâu hay lại chỉ được đi ngang qua còn muốn vào phải mua vé giá cao. Bà Đào cho rằng việc giao cho một Tập đoàn làm dự án này theo dạng xã hội hóa phải có phương án chi tiết để người dân hiểu.

Như tìm hiểu của bà Đào, TP đã bỏ vào đây khoảng 100 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, thì người dân phải được hưởng lợi ích gì từ công viên này, phải nói rõ cho dân hiểu. Nghe đâu theo phương án xã hội hóa TP cho tập đoàn này thuê hơn 20ha mặt nước chỉ có 6 triệu đồng/năm, như vậy quá rẻ, phải xem xét lại.

Liên quan tới Dự án Khu công nghiệp CNTT, một số ĐB cho rằng phải xem lại năng lực nhà đầu tư bởi tiến độ triển khai rất chậm chạp. Nếu cần phải ra “tối hậu thư” ấn định đến hết quý I -2015 nếu nhà đầu tư tiếp tục không triển khai sẽ thu hồi dự án.

Chủ tọa Trần Thọ nói, về phía TP rất thiện  chí, đã làm mọi thủ tục theo cam kết với nhà đầu tư, đã bỏ 50 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng. Khi dự án này khởi công với quy mô hoành tráng nhất, nhà đầu tư hứa cuối năm 2013 sẽ san lấp khoảng 60ha, nhưng tới nay mới chỉ được khoảng 20ha.

Nhà đầu tư hứa sẽ nộp 100 tỷ đồng cho TP, nhưng đến nay cũng mới nộp 4 tỷ đồng. Trong khi đó 380 khối đất trong vùng dự án lại được chở vào Đại Lộc (Quảng Nam) chứ không phải ở TP Đà Nẵng với nhiều nơi cần san lấp mặt bằng. Tất cả những vấn đề này đang đặt ra dấu hỏi về năng lực của nhà đầu tư và cũng được các ĐB chất vấn Giám đốc Sở TT&TT Phạm Kim Sơn. Ông Sơn nói rằng đây là nhà đầu tư tâm huyết, phải kiên trì với họ thêm một thời gian nữa. Trong bối cảnh này không dễ gì tìm ra được một nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng khu CNTT.

BỆNH VIỆN UNG THƯ ĐÀ NẴNG - CÔNG HAY TƯ?

Nóng nhất trong phần thảo luận là các tranh luận về cơ chế cho Bệnh viện Ung thư  (BVUT) Đà Nẵng. Theo Tờ trình số 5889/TTr-UBND ngày 8-7-2014 của UBND TP trình HĐND TP về cơ chế đặt hàng, hỗ trợ từ ngân sách cho BVUT Đà Nẵng. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 2943/BTC-NSNN ngày 10-3-2014, UBND TP Đà Nẵng trình HĐND TP xem xét chủ trương đặt hàng cho BVUT Đà Nẵng  thực hiện điều trị cho bệnh nhân ung thư của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhằm tận dụng tối đa những tiến bộ khoa học, trên cơ sở vật chất hiện đại của bệnh viện.

Phương án đặt hàng là: Số giường bệnh đặt hàng tối đa là 300 giường, định mức là 52 triệu đồng/giường bệnh/năm. Như vậy, tổng dự toán kinh phí đặt hàng tối đa là 15,6 tỉ đồng/năm. Đến cuối năm, căn cứ tỉ lệ bệnh nhân điều trị nội trú của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để thanh quyết toán thực tế.

Việc đặt hàng được thực hiện thí điểm trong 2 năm 2014 và 2015; nguồn kinh phí hỗ trợ được bố trí vào dự toán chi sự nghiệp y tế hàng năm. Điều kiện đặt hàng là BVUT Đà Nẵng phải thực hiện thu viện phí đối với bệnh nhân TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam bằng với mức thu viện phí do UBND TP quy định.

Về nội dung này, ĐB Lê Thị Như Hồng đề nghị xác định rõ bệnh viện hoạt động có lợi nhuận hay không, lương của cán bộ công nhân viên chức được trả như thế nào, nếu chỉ phục vụ nhân dân TP Đà Nẵng thì nên xác định là bệnh viện công để dễ khi đầu tư. ĐB Hồng cũng đề nghị việc đặt hàng chỉ nên thử nghiệm trong 1 năm.

ĐB Nguyễn Đăng Hải đề nghị nên có cơ chế quản lý đối với BVUT và cần xác định đây là loại hình bệnh viện công vì các nguồn đầu tư từ xổ số, vận động tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp... cũng đều là ngân sách.

ĐB Huỳnh Phước thì cho rằng việc xây dựng BVUT mang tính nhân văn do đó cũng không cầu toàn mà phải vừa làm, vừa hoàn thiện, trước mắt nên dùng cơ chế xã hội hóa để quản lý và coi đây là giải pháp tình thế. Giải trình ý kiến các ĐB, Phó Chủ tịch Thường trực  UBND TP Võ Duy Khương cho rằng cơ chế đặt hàng cũng là bình thường nhưng phải đặt ra mục tiêu cụ thể, trên cơ sở đó thì TP mới hỗ trợ ngân sách.

Các đại biểu tham dự kỳ họp tranh luận sôi nổi về cơ chế hoạt động của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

ĐÀ NẴNG CÓ NÊN XÂY THỦY ĐIỆN?

Dự án thủy điện Sông Nam-Sông Bắc gồm 4 cụm công trình thủy điện: Sông Bắc 1, Sông Bắc 2, Sông Nam và Na Sim với tổng công suất lắp máy: 49,2MW (hàng năm cung cấp khoảng 151,62 triệu kWh), tổng diện tích dự án: 1.038,09 ha.

Theo chủ đầu tư, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn như: do khủng hoảng kinh tế, do điều chỉnh thiết kế và phê duyệt quy hoạch chi tiết nhiều lần,  giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan đến quản lý rừng có nhiều vướng mắc nên dự án phải tạm dừng triển khai.

Ngày 19-5-2014, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có Công văn số 270/HĐTVCSVN-KHĐT gửi UBND thành phố Đà Nẵng với nội dung: Theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 5-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015, Công ty CP thủy điện Geruco Sông Côn (chủ đầu tư) là đối tượng phải thoái vốn, do đó không được tiếp tục đầu tư vốn để đầu tư Dự án thủy điện Sông Nam - Sông Bắc.

Bên cạnh đó, qua đánh giá tác động môi trường của thủy điện thì có nguy cơ xảy ra động đất khi hồ tích nước vì lòng hồ nằm trên đứt gãy sông Cu Đê, do đó các sở, ngành liên quan và H. Hòa Vang đề nghị TP dừng dự án.

Về nội dung này, ĐB Thái Thanh Hùng đề nghị xem xét lại việc dừng dự án vì theo ông qua thực tế thì nhận thấy những ảnh hưởng của dự án là không lớn, vẫn có thể thực hiện để giữ nguồn nước vì hiện nay khu vực rừng đầu nguồn của dự án hầu như không thể đảm bảo chức năng này. Chủ tọa kỳ họp cho rằng vấn đề thủy điện Sông Nam - Sông Bắc đang có ý kiến trái chiều do đó cần được tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất trước khi quyết định.

Kim Thanh- Hải Hậu