TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tan hoang sau cuồng phong

Thứ ba, 15/10/2013 17:35

(Cadn.com.vn) - Theo báo cáo của các ban ngành chức năng T.Ư, đến 9 giờ sáng nay (15-10), trên địa bàn TP Đà Nẵng gió vẫn giật cấp 8, cấp 9, mưa to trên diện rộng. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tuyến đường trung tâm TP, cây cối, trụ điện trốc gốc đổ ngổn ngang. Vô số nhà mái tôn, quán ăn bị tốc mái, tôn bay vương vãi. Toàn thành phố mất điện.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo tại cuộc họp khẩn.

Trước đó, từ 2 đến 7 giờ sáng, bão chính thức đổ vào Đà Nẵng và trở thành trận cuồng phong lớn, kéo dài nhất từ trước tới nay với sức gió giật cấp 11, cấp 12. Nhiều người dân TP đã thức trắng đêm lo bão, nhất là những hộ gia đình sống trong nhà mái tôn.

Bão càn quét làm thiệt hại tài sản tại đường Khúc Hạo, Sơn Trà.

Trong cuộc họp nhanh của Ban chỉ đạo tiền phương diễn ra lúc 8 giờ 30 sáng nay, các bộ ngành T.Ư và địa phương đánh giá, dù bão NARI có cường độ gió thấp hơn cơn bão Xangsena 2006, tuy nhiên thời gian bão đổ bộ vào đất liền kéo dài không kém gì Xangsena, nguy hiểm hơn thời điểm lại diễn ra vào nửa đêm về sáng. Theo báo cáo sơ bộ, tính đến 9 giờ sáng 15-10, tại khu vực Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã có 2 người chết (chưa rõ danh tính), 12 người bị thương. Riêng thiệt hại về tài sản chưa thể thống kê được.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLN T.Ư Cao Đức Phát chỉ đạo các ban ngành địa phương của Đà Nẵng phải chủ động phương án khắc phục trong và sau bão số 11 bởi trận cuồng phong NARI đã tàn phá rất dữ dội, gây thiệt hại lớn cho nhân dân TP. "Chính quyền địa phương các TP, tỉnh thành từ quận đến tổ dân phố, thôn, làng phải rà soát ngay công tác kiểm tra để cứu trợ nhân dân vùng bão kịp thời để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bão càn quét làm thiệt hại tài sản tại Thanh Khê.

Bên cạnh đó, sau bão sẽ có lũ lớn xuất hiện nên các địa phương phải chuẩn bị ngay phương án phòng chống lũ lụt, không để xảy ra tai họa trong bão bão ít người chết, bị thương nhưng lũ lụt lại gây chết, bị thương nhiều người", Bộ Trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Tàu Hợp Tiến 36-Hải Phóng bị bão đánh dạt vào kè đá chân cầu Thuận Phước
sáng ngày 15-10-2013.

Đối với tuyến QL1A, 14B, do đã tổ chức cắt đường từ đêm 14-10 nên rất dễ gây ách tắc giao thông kéo dài, Bộ trưởng chỉ đạo các ngành chắc năng phải tổ chức cho xe thông đường ngay, tránh ùn tắc, Ngay sau cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã dẫn đầu đoàn đi kiểm tra thực tế tại Hội An, Quảng Nam. Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đã cử nhiều đoàn xuống cơ sở khảo sát tình hình thiệt hại do bão gây ra và động viên nhân dân, các cấp chính quyền, đoàn thể chung tay khắc phục bão.

Một nhà dân trên phường Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ bị  bão đánh tốc mái.

Tại  phía Tây chân cầu Thuận Phước, một chiếc tàu của Công ty Hợp Tiến 36, chở hàng từ Hải Phòng vào neo đậu tránh bão tại vịch Đà Nẵng, đã bị sóng đánh dạt vào kè đá, theo thông tin từ trên tàu cho biết, có 8 thuyền viên đi trên chiếc tàu này.

Tầng 2 siêu thị Petrolimex cũng bị gió giật đổ hoàn toàn.

Một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đường Ông Ích Khiêm bị quật đổ gây tắc nghẽn
hoàn toàn tuyến đường.

Hạ tầng tuyến đường Nguyễn Tất Thành bị hư hại nghiêm trọng.

Công trình xây dựng Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng bị vỡ kính.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 11 tại cuộc họp sáng 15-10, đến nay, thống kê sơ bộ Đà Nẵng đã có 11 người bị thương sau bão, nhiều nhà cửa người dân bị sập hoàn toàn hoặc tốc mái, hàng ngàn cây xanh, cột điện bị gãy đổ.

Một số tuyến đường ở Đà Nẵng vào sáng 15-10 vẫn còn ngập.

Cây lớn đổ trên đường Bạch Đằng.

Tượng và rào chắn trên đường Bạch Đặng bị bão đánh ngã.

Bão làm tốc mài nhà người dân và trụ điện.

Các chiến sĩ CATP Đà Nẵng dọn dẹp cây gãy đổ.

Tại Quảng Nam, bão số 11 đổ bộ vào đất liền làm nhiều cây xanh trên đường phố Tam Kỳ bị bật gốc, nhà dân, bảng hiệu bị gió giật ngã đổ, một số đoạn đường bị ngập cục bộ do mưa lớn. Theo thống kê ban đầu, đã có hơn 100 nhà dân ở TP Tam Kỳ bị tốc mái do bão số 11.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, đến 8 giờ sáng ngày 15-10, đã có 21 tàu thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm khi neo đậu trú bão. Trong đó, có 16 tàu thuyền ở khu neo đậu An Hoà (H. Núi Thành), 4 tàu dân xã Tam Quang 4 và 1 tàu tại Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An).

Ngoài ra, còn có 5 thuyền của ngư dân ở Cù Lao Chàm bị sóng đánh hỏng. Hàng ngàn nhà dân các địa phương cánh Bác Quảng Nam gồm Hội An, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên bị tốc mãi, ngã đô do bão số 11.

Trong sáng nay, đoàn kiểm tra công tác PCLB của tỉnh Quảng Nam do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lãnh đạo các ngành đi kiểm tra tình hình ở các địa phương trong tỉnh.

Một bảng hiệu ở Quảng Nam ngã đổ chỏng chơ.

Tại huyện Đại Lộc, ông Phan Đức Tính-Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, các hồ chứa thủy điện bắt đầu xả lũ ồ ạt. Sáng ngày 15-10, thủy điện Đawsk Min 4 xả  từ 1.000 đến 3.000m3/giây, thủy điện A Vương đang xả lũ từ 1.000 đến 1.200m3/giây.

Vì mực nước trên sông Ái Nghĩa đang vượt mức báo động 2, đến chiều và tối nay, mực nước các sông Thu Bồn và Vu Gia sẽ trên mức báo động 3. UBND huyện đang tổ chức đi dời hàng nghìn người dân tránh lũ, nhưng hệ thống liên lạc  và giao thông giữa địa phương tê liệt, chưa nắm rõ chính xác đã di dời bao nhiêu người dân.

Theo thống kê đến 9 giờ ngày 15-10, bão số 11 đã làm 1 người chết, 2 người mất tích, 3 người bị thương, 21 chiếc ghe bị chìm chìm khi neo đậu trú bão. Trong đó có 16 tàu thuyền ở khu neo đậu An Hoà (Núi Thành), 4 tàu ở xã Tam Quang (H. Núi Thành) và 1 tàu ở Cù Lao Chàm. Ngoài ra, tại Cù Lao Chàm có 5 thuyền của ngư dân bị sóng đánh hỏng. Hàng nghìn ngôi nhà, trường học bị tốc mái, sập hoàn toàn và chìm sâu trong nước.

Tại huyện Thăng Bình mưa lớn cộng với gió lốc đã làm đổ ngã nhiều cây cối, nhiều công trình trường học trụ sở làm việc bị tốc mái. Sáng nay, mặc dù trời vẫn còn mưa lớn, đoàn kiểm tra của Ban chỉ huy PCBL huyện vẫn tiến hành kiểm tra sơ bộ tình hình bão lũ tại địa phương.

Trời bão nhưng đêm 14-10 bà Trần Thị Xuân (62 tuổi, trú thôn 4, xã Bình Giang) và ông Phan Lê (60 tuổi, thôn 1, xã Bình Dương) trong lúc chèo thuyền thả lưới đã bị nước cuốn trôi, đến nay gia đình vẫn chưa có thông tin gì.

Đến 9 giờ sáng nay, theo thống kê chưa đầy đủ của nghành giáo dục đã có rất nhiều trường học trên địa bàn bị tốc mái, nhiều phòng máy trang thiết bị dạy học bị hư hỏng nặng do bị ngập nước. Hơn 100 ngôi nhà của người dân tại 4 xã Bình Minh, Bình Hải, Bình Dương và Bình Sa bị tốc mái hoàn toàn.

3 tàu đánh cá của ngư dân xã Bình Minh bị trôi dạt ở bờ biển Duy Thành. Ngoài ra trong quá trình chèn chống nhà cửa và giúp dân di dời, ông Nguyễn Văn Tám và anh Phan Thanh Việt (cùng trú xã Bình Minh) bị thương nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ.

Đặc biệt tại Điện Bàn, bão làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng. Lúc 5 giờ ngày 15-10, người dân thôn Kim Long 1 (xã Điện Phương, H. Điện Bàn) phát hiện xưởng cưa của gia đình ông Dương Chạy (1927) bị sập. Mọi người chạy đến thì phát hiện ông Dương Chạy nằm chết bên trong xưởng cưa.

Theo thông tin gia đình cho biết, đêm 14-10 ông Chạy ra xưởng cưa nằm ngủ một mình nên khi bão vào gây sập xưởng cưa không ai biết ứng cứu. Trước đó 10 giờ 45 ngày 14-10, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức tiếp nhận anh Phạm Văn Trung (1979, trú xã Điện Phong, Điện Bàn) trong tình trạng hôn mê sâu. Trước đó anh Trung leo lên mái nhà chằng chống. Trong lúc chằng chống anh Trung bị ngã từ mái nhà xuống đất.

Trước tình hình thiệt hại do bão số 11 gây ra trên địa bàn, sáng 15-10, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 đã họp 4 cơ quan Quân khu đánh giá kết quả thiệt hại trong bão số 11 và có phương án đưa lực lượng về các địa phương giúp dân.

Hiện nay trên địa bàn Quân khu 5 có 2 người chết (Quảng Nam); 9 người bị thương ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Lữ đoàn 574. Ngay trong bão, các lực lượng của Quân khu đã kịp thời có mặt ứng cứu nhân dân. Đặc biệt, phường Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) có 5 người dân bị thương đã được xe cứu hộ của Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng đưa đi cấp cứu kịp thời.

Sau khi nghe các cơ quan báo cáo tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định điều 200 CB,CS trường Quân sự Quân khu về giúp dân ở 2 quận Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn. Bộ Tham mưu huy động 200 CB,CS giúp dân ở 3 quận Liên Chiểu, Ngũ hành Sơn và Thanh Khê.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn chủ trì phiên họp khẩn sau bão số 11.

Các đơn vị của Bộ Quốc phòng gồm Sư đoàn 372, 375 và Vùng 3 Hải quân với 270 CB, CS sẽ về các quận Sơn Trà, Cẩm lệ và huyện Hòa Vang. Các đơn vị sẽ giúp dân củng cố, sửa chữa nhà ở, trường học; các bệnh xá, trung tâm y tế và theo yêu cầu của UBND các xã, phường.

Cục Hậu cần Quân khu hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị quân y khắc chữa bệnh, hướng dẫn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh cho nhân dân. Ngay trong chiều 15-10, tất cả các đác đơn vị n vị đều triển khai thực hiện theo mệnh lệnh. Riêng Sư đoàn 315, Lữ đoàn Công binh 270, Lữ đoàn tăng- thiết giáp 574 sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu.

Đường Hùng Vương TP Tam Kỳ bị ngập nhiều đoạn.

Theo P.V thường trúi tại TT-Huế, từ 0 giờ 15 sáng 15-10 đến trưa nay, trên địa bàn TT-Huế có mưa to đến rất to, gió giật mạnh, có nơi sức gió giật trên cấp 10. Trên các đường phố ở TP. Huế, nhiều cây xanh bật gốc, nhiều bảng hiệu, biển báo gãy đổ. Do mưa ở thượng nguồn rất to, đổ về nhanh nên mực nước ở sông Bồ đang ở mức báo động 2, mực nước ở sông Hương đã vượt  mức báo động 2.

Đập Đá- tuyến đường giao thông huyết mạch của trung tâm TP. Huế nối từ đường Lê Lợi đến Nguyễn Sinh Cung nước đã ngập sâu, nước chảy xiết. Hiện, đoạn đường này cấm người và phương tiện qua lại.

Nhiều cây xanh ở TP Huế bị bật gốc.

Vào lúc 6 giờ sáng 15-10, sạt lở biển Hải Dương (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà) tiếp tục mở nhiều điểm mới, nước biển đã tràn vào các tuyến đường liên thôn. Hiện, đường về xã Hải Dương qua cầu Ca Cút, nước ngập sâu gần 1 m nên các phương tiện giao thông qua đoạn này đều tê liệt.

Hiện, hàng trăm hộ dân ở các xã vũng trũng nằm ven phá Tam Giang của huyện Quảng Điền đã ngập lụt do thủy điện điều tiết nước, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn bị chia cắt.

Cây cối gãy đổ ngỗn ngang trên tỉnh lộ 14 đường lên Nam Đông khiến giao thông ách tắc.

Vào lúc 7 giờ 15-10, gió ở huyện Phú Lộc và miền núi Nam Đông bắt đầu mạnh lên. Theo báo cáo nhanh, ở địa bàn huyện Phú Lộc có 12 nhà tốc mái; nhiều hàng quán cũng bị sập và nhiều cây cối gãy đổ. Hiện, trên tuyến QL 1A qua địa bàn TT-Huế, lực lượng CSGT đã chốt chặn không cho xe lưu thông.

Đập Đá tràn khiến các phương tiện giao thông tê liệt.

Dọc QL 1A từ TP. Huế đi về thị trấn Lăng Cô (H. Phú Lộc) với đoạn đường gần 60 km, chỉ có vài người đi xe máy. Nhiều người dân ở xã Lộc Tiến và Lộc Thủy (H. Phú Lộc) cho biết, do gió lớn và mưa to nên hầu hết người dân chưa dám ra đường.

Sáng 15-10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao lên huyện miền núi Nam Đông để nắm tình hình bão lũ và P.V Báo Công an TP. Đà Nẵng đã đi cùng đoàn. Từ TP. Huế lưu thông trên QL 1A theo hướng Nam, khi đến địa phận xã Lộc Sơn (huyện Phú Lộc), rẻ vào ngã ba La Sơn (cách huyện Nam Đông chừng 30 km) dọc theo tỉnh lộ 14. Cứ cách đoạn đường từ 1- 2km thì xe phải dừng lại vì cây cối gãy đổ ngỗn ngang, trời mưa như thác.

Huy động xe múc, xe gạt dọn đường trên tỉnh lộ 14.

Một Thượng tá Nguyễn Khánh Hà- Trưởng CAH Nam Đông đang tham gia giải phóng ách tắc trên tuyến tỉnh lộ 14 cho biết, từ 6 giờ 30 sáng 15-10, hơn 30 CBCS của CAH đã tham gia dọn dẹp, chặt cây trên tỉnh lộ 14 với đoạn đường dài gần 20 km. Thượng tá Hà cho biết, sáng nay, sức gió ở trên toàn địa bàn huyện Nam Đông rất mạnh, người dân cũng như các phương tiện giao thông hầu như không ra đường.

Theo ghi nhận của P.V, nhiều vườn cao su hàng chục năm tuổi ở các xã: Hương Hòa, Hương Sơn, Hương Phú (H. Nam Đông) bị gãy đổ. Ông Ngô Văn Chiến- Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, theo thống kê ban đầu, có hơn 160 ha cao su trên địa bàn này bị gãy. Tương tự, hàng chục ha cao su ở xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) cũng bị gãy vào rạng sáng 15- 10…

Lực lượng CAH Nam Đông dọn dẹp, chặt cây gãy đổ để thông tuyến tỉnh lộ 14.

Tại Phú Yên, do sóng to gió lớn, toàn bộ thân tàu lai dắt xà lan mang số hiệu LA-05698TS, do ông Phạm Thanh Tiến (1973, trú ở tỉnh Long An) làm thuyền trưởng đã bị sóng đánh vỡ, nhấn chìm hoàn toàn tại cửa biển Đà Diễn, phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) vào sáng 15-10.

May mắn, thuyền trưởng Tiến và thuyền viên Võ Văn Hiếu ( 1981, trú ở tỉnh Kiên Giang) kịp bơi vào bờ an toàn. Hiện tàu chỉ còn lại phần máy, láp và chân vịt, được Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng thuộc Đồn Biên phòng Tuy Hòa bảo vệ hiện trường.

Một trại cá ở Bắc Cảng cá P. 6, TP Tuy Hòa bị sóng biển xâm thực.

Trong một diễn biến khác liên quan, hiện Doanh nghiệp tư nhân Bảo Châu đang huy động hàng chục nhân công khẩn trương xây kè chống sạt lở bờ biển phía Bắc Cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa. Ông Lê Tấn Danh, đại diện giám sát chủ đầu tư (UBND TP Tuy Hòa) cho biết, đơn vị thi công đã gia cố được hơn 50m kè bằng rọ đá chắn sóng, còn lại khoảng 12m sẽ được hoàn tất trong ngày 16-10.

Theo bà Huỳnh Thị Kín, chủ trại cá ở sát chân kè, qua nhiều ngày xâm thực, sóng biển đã lấn sâu bào bờ gần 6m, làm xập 20m2 nhà trại và đang tiếp tục gây xói lở móng, phải đổ đất chống sạt lở.

Nhóm PV