Từ chuyện ở phố ẩm thực

Thứ hai, 22/08/2016 07:46

(Cadn.com.vn) - Cách đây vài chục năm, khi ấy đường Phạm Hồng Thái (Đà Nẵng) ẩm thấp, nhếch nhác nhưng cũng đã được biết đến là phố ăn đêm. Năm 2016, các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng có chủ trương chọn đường này làm phố ẩm thực.

Vì đường hẹp, vỉa hè chỉ khoảng hơn 1m nên để tạo điều kiện cho bà con làm ăn buôn bán, cơ quan chức năng đã cắm biển cấm ô-tô từ 18 đến 23 giờ. Phố ẩm thực nhanh chóng nhộn nhịp, sầm uất, trở thành một điểm đến cho khách du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con kinh doanh buôn bán tại đây. Ai cũng mừng, thế nhưng không phải không có chuyện để nói...

Từ khi được chọn làm phố ẩm thực, hằng đêm vào những lúc đông khách, các loại xe máy thản nhiên tràn xuống lòng đường. Có hôm xe cộ dừng đỗ lộn xộn, bát nháo chắn hết lòng đường không còn lối cho người đi bộ hoặc đi xe máy. Chủ hàng quán không chỉ dẫn, sắp xếp, còn khách đến ăn uống thì vô tư vất xe ngổn ngang. Người ta đã khai thác thái quá sự ưu ái dành cho phố ẩm thực, không e ngại phiền lòng ai cả, miễn được việc cho mình. Trước thực trạng này, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh, kẻ vạch đỗ xe để lập lại trật tự mĩ quan đô thị ở phố ẩm thực.

Lại nói chuyện ma chay, cưới hỏi. Thường khi nhà ai có công việc, mọi người dễ dàng thông cảm, chia sẻ, điều đó thật đáng quý. Tuy vậy vẫn có những đám người ta thản nhiên che rạp dàn ngang hết cả lòng lề đường, cấm cửa tất cả các loại xe, thậm chí người đi bộ cũng không còn lối đi, trong khi chỉ cần che một nửa hay 2/3 lòng đường là đủ. Phải chăng vì chúng ta đã quá quan trọng việc riêng, có những hộ gia đình quá lạm dụng sự thông cảm nể nang của mọi người để làm những điều quá so với nhu cầu thực tế.

Rồi chuyện cúng bái ngày rằm, đốt vàng mã, áo giấy, rải gạo muối, cháo, tuy có giảm hơn trước nhưng những rằm tháng Tư tháng Bảy âm lịch, nếp cũ cũng quay lại. Đường phố ngổn ngang tro, giấy, có người đốt vàng mã dưới lòng đường, gặp khi gió lớn có thể gây hiểm họa cháy. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp và an toàn hơn mà vẫn thể hiện đầy đủ sự tôn kính, đảm bảo nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng như ý nguyện.

Có người ra đường phố với trang phục phản cảm, mặc quần đùi, áo may-ô, thậm chí cởi trần mà không chút ngượng ngập. Gặp chỗ tắc đường, có người vẫn tìm cách để chen lấn để vượt người khác dù biết làm vậy sẽ tắc đường thêm và càng khó thoát khi xảy ra những sự cố. Có quán xá mùa nắng sử dụng ống phun sương cho dịu mát, nước sạch nước bẩn không cần biết cứ phả thẳng vào khách và người đi đường. Có những quán vì cạnh tranh mở nhạc hết công suất để thu hút khách mà không cần quan tâm mọi người chịu trận như thế nào... Còn nhiều, rất nhiều những ví dụ khác nữa khó kể hết.

Cá biệt còn có cách hành xử quá đà dẫn đến vi phạm pháp luật. Điển hình như vào ngày 10-8 vừa rồi, chủ quán cà-phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, Đà Nẵng đã dùng lời lẽ khiếm nhã chửi bới lực lượng thi hành nhiệm vụ, cầm ghế phang vào đầu một cán bộ quy tắc đô thị Q. Hải Châu. Điều đó cho thấy đối với một số người, thái độ ích kỷ coi thường pháp luật dường như đã tiêm nhiễm, trú ngụ quá lâu cần liều thuốc đặc trị để tống khứ khỏi suy nghĩ và cách hành xử. Nếu ai cũng vì lợi ích riêng, xâm hại đến  cái chung là nề nếp văn hóa văn minh đô thị (VHVMĐT) thì về lâu về dài, chút lợi riêng ấy liệu có còn chăng?

Đà Nẵng trong những năm gần đây, lĩnh vực VHVMĐT đã có những chuyển biến đáng kể nhờ chủ trương, cách làm của chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân. Tuy vậy, đây là công việc lâu dài và liên tục, bên cạnh việc cổ vũ những điều tốt cũng cần có thái độ phê phán dứt khoát và xử lý triệt để các vi phạm. Xây dựng nếp sống VHVMĐT là một chủ trương lớn, để đạt được kết quả bền vững không chỉ đòi hỏi ở nỗ lực từ phía chính quyền, mà vấn đề quan trọng, thậm chí quyết định là ở ý thức và hành xử của mỗi người dân.

Đồng lòng xây dựng nếp sống VHVMĐT, thành phố sẽ khang trang, đời sống sẽ tốt đẹp hơn. Trong thành tựu chung đó, hoa thơm trái ngọt sẽ được chia đều cho mỗi chúng ta!

Nguyễn Đức Nam