Từ “Quốc gia khởi nghiệp” đến “Những cuốn sách đổi đời”

Thứ năm, 07/05/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Trong buổi trao đổi với sinh viên tại Đại học Phan Châu Trinh (TP Hội An- Quảng Nam) mới đây về cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” (tác giả: Dan Senor và Saul Singer), Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu – Phó Tổng thư ký Hội Khoa học – Lịch sử Việt Nam đã chia sẻ: “Tôi đọc cuốn sách này đến đâu và nghĩ tới nước mình đến đó. Cuốn sách “giải mã” sự phát triển mạnh mẽ của đất nước Israel... Người Israel đề cao tính đối thoại, tranh luận và buộc người đứng đầu phải nhìn nhận quan điểm của mình. Người Israel không có nhu cầu cần một ai đó dẫn dắt mình đi. Đây là một tính cách dân tộc đáng suy nghĩ”.

Các diễn giả kí tặng “Những cuốn sách đổi đời”.

HIỂU ĐÚNG VỀ KHỞI NGHIỆP

Hành trình “Những cuốn sách đổi đời” do ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Tập đoàn cà-phê Trung Nguyên tổ chức. Trong thời gian vừa qua, tập đoàn này đã tổ chức hàng loạt các hoạt động tọa đàm, giao lưu nhằm giới thiệu, trao gởi cho cộng đồng những bài học thành công để phát triển khả năng của mỗi cá nhân và thúc đẩy động lực để mỗi cá nhân góp phần phát triển đất nước. Tại Đại học Phan Châu Trinh, buổi nói chuyện với chủ đề “Khởi nghiệp kiến quốc” đã thu hút đông đảo sinh viên các trường Đại học ở tỉnh Quảng Nam. Ban tổ chức đã phải kê thêm ghế ngồi trong Hội trường và ngay lối ra vào để đáp ứng nhu cầu được nghe, được chia sẻ của các bạn trẻ. Những người tham gia trao đổi tại buổi tọa đàm này là chuyên gia kinh tế Bùi Văn, Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu và chủ trì là nhạc sĩ Dương Thụ, Giám đốc Café thứ bảy.

Tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế Bùi Văn đã phân tích những kinh nghiệm của đất nước Israel - một đất nước nhỏ bé không tài nguyên vẫn tạo ra những thành tựu vượt bậc. Những con người Do Thái lưu vong, chạy trốn và sống sót sau những cuộc thảm sát trong chiến tranh thế giới thứ hai, đã không cam chịu cuộc sống nghèo khó, họ đã chung tay, sát cánh bên nhau gầy dựng và bảo vệ đất nước Isarel bằng chính sức lực của mình và khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Người Isarel đã thể hiện cho thế giới thấy cá tính quyết liệt, dám thách thức và sáng tạo không ngừng của họ đã đem lại thành quả như thế nào.

Câu chuyện của đất nước Israel đề cập đến vấn đề khởi nghiệp của một quốc gia, song đồng thời cũng đặt ra cho mỗi bạn trẻ những câu hỏi để có bước khởi nghiệp đúng đắn, phát huy tốt nhất những khả năng của mình. Nói chuyện với sinh viên tỉnh Quảng Nam, nhạc sĩ Dương Thụ lưu ý rằng lâu nay nghe đến từ “khởi nghiệp”, các bạn trẻ hay nghĩ khởi nghiệp chỉ là lập công ty, trong khi nghĩa của cụm từ này rất rộng mở. Khởi nghiệp là bắt đầu theo đuổi, thực hiện một nghề, một công việc. Không ít người trẻ nghĩ khởi nghiệp đơn giản là kiếm được nhiều tiền, thực chất khởi nghiệp là làm giàu từ nền tảng tri thức về kinh tế, về văn hóa xã hội. “Nghiệp không phải chỉ là một công ty, một tài sản mà hãy là một công việc bạn yêu thích, công việc ấy hấp dẫn bạn, để bạn phát triển được cá nhân mình, từ đó đem lại những giá trị cho chính mình và xã hội.

Bày tỏ những suy nghĩ về khởi nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ với các bạn trẻ những kinh nghiệm của bản thân mình, đó là hãy theo đuổi công việc mà mình yêu thích, đừng ngần ngại; hãy đọc nhiều sách vì đọc sách là con đường học tắt ngắn nhất; hãy dám suy nghĩ và dám làm những điều người khác chưa làm hoặc làm một cách khác biệt.

ĐỪNG NGẠI THẤT BẠI VÀ DÁM SÁNG TẠO

Trao đổi với các khách mời là những chuyên gia về kinh tế, lịch sử và nghệ thuật, sinh viên của các trường đại học tỉnh Quảng Nam đã thể hiện sự tự tin và tính phản biện “Quảng Nam hay cãi”. Nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi, giải tỏa những thắc mắc, suy tư của bản thân. Và cũng có bạn trẻ đứng lên chỉ để nói những suy nghĩ về thế hệ mình, về những vấn đề mình âu lo trước thực trạng xã hội. Một bạn trẻ đã đặt câu hỏi: “Điều kiện đầu tiên và quan trọng để khởi nghiệp là gì?” Các vị khách mời đã trả lời: Điều kiện đầu tiên là bạn phải có khát vọng tìm ra chính bản thân mình, mình là ai và mình thích cái gì, mình muốn làm gì. Nhạc sĩ Dương Thụ tâm sự thêm: “Bạn đừng nghĩ tôi làm âm nhạc nghĩa là tôi suốt ngày ngồi bên cây đàn. Thời kỳ khó khăn, tôi đã đi chụp ảnh dạo, bơm xe đạp, buôn bán đủ thứ chỉ để kiếm được tiền. Tất cả những thứ đó cũng là nghiệp. Bạn có thể bắt đầu với công việc của bạn và đừng sợ mình sai. Đừng tưởng những gì mình trải qua và thất bại là không có giá trị. Những khó khăn và bươn chải đã tạo thành tôi, một Dương Thụ hôm nay”.

Một sinh viên thắc mắc: “Tại sao người Việt Nam mình thông minh, chịu khó nhưng lại thiếu sự sáng tạo? Có phải do môi trường xã hội hiện nay chưa tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo hay không?”. Các khách mời chia sẻ với những trăn trở của bạn trẻ này và cũng đặt ra vấn đề cho bạn suy nghĩ, đó là: “Mỗi người hãy tự đặt ra câu hỏi cho bản thân mình trước khi đặt câu hỏi cho dân tộc. Liệu bản thân mình đã dám sáng tạo và quyết liệt với sáng tạo của mình hay chưa?”. Có mặt trong Hội trường, nhà văn Nguyên Ngọc, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh chăm chú lắng nghe buổi tọa đàm, và ông xúc động phát biểu: “Đất nước của chúng ta cũng đang ở tình thế như Israel và cần phải là một Israel để khởi nghiệp mạnh mẽ. Tài nguyên của chúng ta đã cạn kiệt. Đây là một nhận thức rất quan trọng để mỗi người phải tự hỏi mình. Và các bạn đừng chỉ dừng lại ở những vấn đề của cá nhân mình, mà hãy gắn tầm nhìn của mình với những vấn đề lớn hơn của dân tộc”.

Những vấn đề về khởi nghiệp của mỗi cá nhân và của cả dân tộc, rõ ràng không phải là chuyện to tát, xa xôi khi nó bắt đầu từ câu hỏi dành cho các bạn trẻ:  Bạn là ai, bạn chọn công việc gì và bạn  muốn đất nước mình  phát triển ra sao?...

Phạm Quỳnh Nam