"Tuần trăng mật"

Thứ bảy, 31/10/2015 09:29

(Cadn.com.vn) - Một "tuần trăng mật" khác lại đến trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Âu khi Bắc Kinh nồng nhiệt tiếp đón Thủ tướng Đức Angela Merkel và Vua Hà Lan Willem Alexander ngay sau khi nhà lãnh đạo quốc gia Châu Á vừa có chuyến thăm mang tính bước ngoặt đến Anh.

Tuần trước, London trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình, vị Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên đến thăm vương quốc sương mù trong một thập kỷ qua. Trong những gì được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là một "chuyến thăm nhà nước đặc biệt" để mở đầu "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh-Trung, ông Tập chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá khoảng 40 tỷ bảng Anh (61,5 tỷ USD).

Chỉ vài ngày sau khi ông Tập kết thúc chuyến công du tại Anh, nhà vua Hà Lan Willem Alexander có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc. Tiếp đến Thủ tướng Đức Merkel là nhà lãnh đạo Châu Âu mới nhất đến Bắc Kinh hôm 29-10, đánh dấu chuyến công du Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi bà lên nhậm chức vào năm 2005. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào đầu tháng 11 tới.

Trung Quốc trở thành "từ khóa ngoại giao" được tìm kiếm nhiều nhất gần đây ở Châu Âu, động thái đánh dấu "tuần trăng mật" tuyệt đẹp giữa hai bên. Quan hệ Trung Quốc và Châu Âu vốn khá êm đềm vào đầu những năm 1990. Nhưng mối quan hệ trở nên lạnh nhạt trong những năm 2000. Trong những năm gần đây, Berlin đi tiên phong trong Liên minh Châu Âu (EU) nỗ lực tăng cường hợp tác với Trung Quốc, trong khi London cũng quyết định điều chỉnh chiến lược đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong nỗ lực mở ra "thời điểm vàng" cho hai bên.

Đầu năm nay, London dẫn đường cho các nước phương Tây khác tham gia vào Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng, động thái cho thấy, Anh đang nỗ lực "ve vuốt" Trung Quốc.  Tại Đức, việc xây dựng một "cộng đồng các lợi ích chung" với Bắc Kinh tạo được sự đồng thuận trong cả nước. Các cơ chế đối thoại khác nhau giữa hai nước được mở ra đầy đủ trong khi thương mại song phương và hợp tác kinh tế tiếp tục bùng nổ. Hơn nữa, Thủ tướng Merkel xác định chiến lược của "Công nghiệp 4.0" của Đức như một điểm nhấn tăng cường hợp tác Trung-Đức.

Pháp tiếp bước Đức, khám phá những cách thức mới để thúc đẩy hợp tác toàn diện với Bắc Kinh. Dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Pháp Manuel Valls có chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào đầu năm 2015, tìm cách mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới trong các lĩnh vực như du lịch, chế biến thực phẩm.

Và những động thái gần đây trong quan hệ Trung Quốc - Châu Âu phản ánh bối cảnh toàn cầu thay đổi và mối quan hệ cùng có lợi giữa hai bên.

Thanh Văn