KỶ NIỆM 78 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM (6-6-1941 - 6-6-2019):

Tuổi già sống vui khỏe, sống có ích

Thứ năm, 06/06/2019 13:17

Quen dầm mưa, dãi nắng nên dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng các lão nông thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn tích cực quan tâm đến chuyện xóm, chuyện làng. Đơn cử, do quá trình đô thị hóa nên nhiều năm qua, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đa số hộ dân nằm trong vùng giải tỏa di dời, không còn đất canh tác. Song cứ đến mồng 1-10 âm lịch hằng năm, lớp người cao tuổi (NCT) trong thôn vẫn tề tựu ở miếu làng tổ chức lễ Xuống đồng với đầy đủ nghi thức, hình thức diễn xướng phác họa lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại nhằm lưu giữ truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền vững. "Lúc đã thảnh thơi mọi việc, con cái trưởng thành, gia đình ổn định thì tuổi già chúng tôi chỉ muốn làm một việc gì đó có ích cho quê hương, cho bà con thôn xóm. Qua đó, có thêm sức khỏe, niềm vui để sống lâu hơn với con cháu", lão nông Nguyễn Thọ chân tình bộc bạch...

Người cao tuổi xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang) tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.

Thực tế, không riêng gì Phú Hòa 1, mà ở các thôn còn lại trên địa bàn xã đều cho thấy, nơi nào lớp NCT được quan tâm phát huy tối đa vốn sống, khả năng của họ thì ở đó còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa làng quê.

Còn nhớ, khi xã Hòa Nhơn triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì việc làm đường giao thông nông thôn được đánh giá là một tiêu chí khó, bởi để có mặt bằng làm đường lại cần chính công sức của người dân, trong đó, nhiều tuyến đường băng qua phần đất canh tác hoa màu bao đời nay của người nông dân. Vậy mà chẳng cần tuyên truyền nhiều, chỉ nghe xã phổ biến về chủ trương, ý nghĩa của con đường, bà con đã đồng lòng hưởng ứng, tự nguyện hiến đất mở rộng các tuyến bê-tông kiệt hẻm, nội đồng. Không chỉ là người đi đầu trong việc hiến đất, lớp NCT còn túc trực tại hiện trường để vận động gia đình, con cháu trong tộc đốn hạ cây cối, san lấp mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công. Ông Nguyễn Hiền- Chi hội trưởng NCT thôn Phước Hưng cho biết: "Bao đời nay, người nông dân luôn xem ruộng đất như máu thịt của mình, hít thở hương thơm bao mùa lúa chín. Khi cán bộ xã về vận động hiến đất, mở đường, những NCT như ông trăn trở cả trong những giấc ngủ chập chờn. Nông dân sống nhờ vào việc đồng áng, mất đi 1 sào đất cũng xót lắm chứ". Tuy nhiên, theo ông Hiền, đường làng xưa nay vốn nhỏ, hẹp thích ứng với nhu cầu dân sinh đơn giản, hiện cần mở mang thông thoáng để phục vụ sản xuất lưu thông. Hiến đất cũng tiếc vì nhờ nó, người nông dân bớt đi một phần lo toan, nhưng nghĩ đến cảnh con cháu đi học, bà con mua bán phải đi lòng vòng nên họ chẳng nề hà thiệt hơn. Khi có những tuyến đường bê-tông mới, quê mình sẽ khang trang, phát triển hơn...

Theo ông Phan Nha- Chủ tịch Hội NCT xã Hòa Nhơn, hiện nay trên địa bàn xã có 14 chi hội với 1.873 hội viên; trong đó 13 cụ thọ trăm và trên trăm tuổi, 73 cụ thọ từ 90 tuổi trở lên... Ngoài việc thành lập Câu lạc bộ dưỡng sinh chăm sóc sức khỏe NCT, nhiều chi hội còn thực hiện hiệu quả các mô hình như "Con dâu hiếu thảo" ở các thôn Hòa Khương Tây, Phước Hậu-Phước Thuận; "Tộc họ giáo dục con cháu", "Khuyến học-khuyến tài" ở các thôn Thái Lai, Phú Hòa 1... Được biết, cũng trong dịp này, UBND xã Hòa Nhơn triển khai thực hiện Chương trình xã hội hóa chăm sóc NCT với mô hình "Vui khỏe cùng với NCT". Theo đó, mỗi tháng một lần, vào sáng chủ nhật các tình nguyện viên sẽ có trách nhiệm đưa đón các cụ già có hoàn cảnh khó khăn đến Trung tâm văn hóa xã để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, đọc sách, khám sức khỏe và trò chuyện cùng thế hệ trẻ...

Có một thực tế là xã hội càng phát triển theo hướng hiện đại thì các giá trị văn hóa càng có nguy cơ khó bảo tồn. Một khi cộng đồng không còn giữ được tình làng nghĩa xóm, gia đình không còn giữ được các chuẩn mực và giá trị truyền thống thì thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý sẽ bị chà đạp. Cho nên, nếu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà không gắn chặt với phát huy vai trò của lớp NCT để giữ gìn giá trị văn hóa thì chẳng khác nào "muối bỏ biển". Hy vọng với đặc thù là một vùng quê có cấu kết của các gia đình trong một dòng tộc lâu đời và bền vững, NCT Hòa Nhơn tiếp tục phát huy vai trò "tuổi cao, gương sáng", góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới với cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

VY HẬU