Tương lai bất ổn đón chờ EU

Thứ tư, 29/05/2019 13:40

Thủ tướng Đức ủng hộ ông Manfred Weber, ứng viên hàng đầu của đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) trung tâm. Nhưng Tổng thống Pháp đang nỗ lực tạo phe cánh chống lại nhân vật này.

Việc bầu chọn những gương mặt đứng đầu các vị trí chủ chốt của Liên minh Châu Âu đang làm bùng nổ “cuộc chiến” gay gắt giữa giới lãnh đạo các nước, sau khi cuộc bầu cử Quốc hội Châu Âu (EP) mang lại một kết quả đầy chia rẽ với thông điệp phức tạp.

Cuộc bầu cử EP lần này chứng tỏ các nhóm chính trị cánh tả và cánh hữu đã mất đa số kết hợp trong EP gồm 751 ghế, trước thách thức của các lực lượng Châu Âu và dân tộc chủ nghĩa của các gương mặt mới như Marine Le Pen, Matteo Salvini và Nigel Farage.

Ông Manfred Weber hiện đang trở thành nhân vật gây tranh cãi ở Châu Âu khi ông được cho là ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC). Ảnh: AP

Châu Âu đầy “hoài nghi”

Tại Italia, sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử EP vừa qua, Lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn của Italia, ông Matteo Salvini nói rằng, thắng lợi của ông – cùng với thắng lợi của lãnh đạo đảng Brexit của ông Nigel Farage và lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia Marine Le Pen ở Pháp – cho thấy Châu Âu đang thay đổi. Ông Salvini sau đó kêu gọi đảng Brexit của Anh gia nhập đảng của ông trong EP để thành lập một “siêu nhóm hoài nghi Châu Âu”.

Nếu được tập hợp lại với nhau, cả ba đảng nói trên có thể hình thành nên một nhóm hoài nghi Châu Âu có số ghế nhiều nhất từ trước đến nay trong EP. Điều đó thật sự sẽ khiến Châu Âu điêu đứng hơn nữa. Hiện nay, sự trỗi dậy của đảng Xanh, “hiệu ứng Greta” - gọi theo tên của nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg và sự tham gia của đảng Nền Cộng hòa tiến bước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào EP có thể đưa chính sách thương mại của EU đi theo hướng phòng thủ hơn và đặc biệt là xoay quanh vấn đề biến đổi khí hậu. Do không còn giữ được đa số như trước đây, nên khi muốn thúc đẩy thông qua các đạo luật Châu Âu, liên minh mới sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ từ các khối đảng tự do (ALDE) và đảng Xanh - cả hai khối đảng này đều giành được nhiều ghế hơn trước và do vậy có được một vị thế ngày càng vững chắc trong EP.

“Cuộc đụng độ” đầu tiên

Khi mọi việc đã được định đoạt trong cuộc bỏ phiếu, sự chú ý chuyển sang vai trò hàng đầu của EU trong 5 năm tới: Ai sẽ là Chủ tịch của Ủy ban và Hội đồng Châu Âu; Người phát ngôn của quốc hội; Đại diện cao cho chính sách đối ngoại và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).

Những vị trí này sẽ được lãnh đạo các quốc gia EU lựa chọn, trong đó “cuộc đụng độ” chính thức đầu tiên diễn ra vào ngày 28-5 khi họ gặp nhau trong bữa tối thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ. Tổng thống Macron đã “khai hỏa” từ tối 27-5 khi ông tuyên bố có một loạt các cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo khác trước hội nghị, đặc biệt là với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez - một trong những nhân vật mang về chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vừa qua - và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Merkel đã kêu gọi các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng đạt được sự nhất trí về một ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC), nhấn mạnh Berlin ủng hộ ý tưởng bổ nhiệm một “Spitzenkandidat” hay còn gọi là “ứng cử viên dẫn đầu” từ đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua. Thủ tướng Đức hiện ủng hộ ông Manfred Weber, ứng viên hàng đầu của đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) trung tâm, vốn chịu tổn thất đáng kể trong cuộc bầu cử vừa qua nhưng vẫn chiếm đa số ở EP với 180 ghế. Nhưng ông Macron đang nỗ lực tạo phe cánh chống lại ông Weber - một nghị sĩ lâu đời được coi là thiếu sức lôi cuốn. Và nhiều nhà lãnh đạo khác đang đứng về phía Tổng thống Macron.

Cơ chế “Spitzenkandidat”, hay “ứng cử viên dẫn đầu” từng được sử dụng năm 2014 để bầu ông Jean-Claude Junker làm Chủ tịch EC và được các nghị sĩ trong EP đánh giá là thể hiện sự lựa chọn dân chủ hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều quốc gia Châu Âu, trong đó có Pháp, không ủng hộ cơ chế này.

KHẢ ANH