Tương lai hòa bình Afghanistan - chuyện gì sẽ xảy ra?

Thứ tư, 11/03/2020 15:34

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, được cho là sẽ khởi động các cuộc đàm phán hòa bình giữa quân nổi dậy và chính quyền Kabul, đang ngày càng mong manh hơn, với các cuộc tấn công đang hoành hành trên khắp Afghanistan và không ai biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Quần áo và giày dép của các nạn nhân trong vụ xả súng tại một cuộc biểu tình chính trị ở Kabul hôm 7-3.   Ảnh: AFP

Thỏa thuận dài 4 trang được ký hôm 29-2 tại Doha đặt ra các điều kiện để Mỹ rút lực lượng nước ngoài hoàn toàn khỏi Afghanistan chỉ trong 14 tháng - và chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ. Nhưng trong vài ngày sau khi thỏa thuận được ký, máu lại chảy khắp Afghanistan, với việc Taliban tiếp tục tấn công các mục tiêu quân sự Afghanistan và các tay súng thánh chiến đã giết chết hàng chục người trong cuộc tấn công ở Kabul.

Tổng thống Donald Trump hôm 6-3 thậm chí thừa nhận, Taliban có thể sẽ nắm quyền lực sau khi các lực lượng nước ngoài rời đi - khác xa với những thông điệp trấn an mà các quan chức Mỹ đưa ra trong những tháng trước khi hiệp định được ký kết. Điểm gắn kết lớn nhất cho đến nay dường như là chính thỏa thuận, được cho là khá mơ hồ có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Nhà phân tích Andrew Watkins của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết, ngôn ngữ mơ hồ và một số điểm trái ngược hoàn toàn giữa thỏa thuận giữa Mỹ-Taliban và các tuyên bố chung giữa Mỹ và Afghanistan đã dẫn đến sự nhầm lẫn này. “Lý do chúng tôi thấy mơ hồ là bởi vì sẽ rất khó khăn nếu không thể đạt được thỏa thuận sắp tới”, ông Wat Watkins nói.

Hỗn loạn chính trị

Tình hình chính trị cũng là nguyên nhân gây trở ngại cho cuộc hòa đàm sắp tới giữa chính phủ Afghanistan với Taliban.

Ông Ghani tuyên thệ nhậm chức hôm 9-3, nhưng đối thủ Abdullah Abdullah- nhân vật về thứ 2 trong cuộc bầu cử ở Afghanistan- cũng tự tấn phong làm Tổng thống Afghanistan, vài phút sau khi ông Ghani tuyên thệ nhậm chức. Các cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 9-2019 nhưng đương kim Tổng thống Ashraf Ghani chỉ tuyên bố giành được nhiệm kỳ hai vào tháng 2-2020 sau nhiều lần trì hoãn do các cáo buộc gian lận cử tri, gây ra phản ứng dữ dội của ông Abdullah. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án động thái của ông Abdullah. Rõ ràng, động thái trên gây lo ngại cho cuộc hòa đàm sắp tới giữa chính phủ Afghanistan với Taliban. Washington trước đó đã cảnh báo rằng việc tranh giành quyền lực giữa hai nhà lãnh đạo Afghanistan khiến thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban có nguy cơ sụp đổ. Sự chia rẽ giữa các chính trị gia Afghanistan sẽ khiến phe nổi dậy chiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán sau này.

Bạo lực Taliban

Mặc dù Afghanistan và Taliban đã có một thỏa thuận ngừng bắn một phần kể từ ngày 22-2, một tuần trước lễ ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, nhưng hy vọng về việc duy trì thỏa thuận khi Kabul và Taliban chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình đã bị phá vỡ.

Kể từ khi ký thỏa thuận với Mỹ hôm 29-2, Taliban đã triển khai hàng chục cuộc tấn công lớn nhỏ trên khắp Afghanistan. Một quan chức quốc phòng Afghanistan cho biết đêm 2-3, Taliban đã tấn công các lực lượng chính phủ ở 13 trên tổng số 34 tỉnh. Vụ tấn công ở tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan, đã khiến 2 binh lính thiệt mạng. Trong khi đó, giới chức tỉnh Logar, gần thủ đô Kabul, cho biết 5 binh lính đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Taliban tại đây. Hôm 7-7, Taliban đưa ra một tuyên bố nói rằng sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài hoàn toàn bị cắt đứt từ gốc rễ và một chính phủ Hồi giáo được thành lập.

Việc Taliban chấm dứt lệnh ngừng bắn một phần đã dập tắt hy vọng mới về khả năng khôi phục cuộc sống hòa bình cho người dân Afghanistan sau 18 năm nội chiến. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái trên không hề bất ngờ khi cả hai bên lâu nay luôn tận dụng mọi cơ hội để có lợi thế trước đối phương. Vanda Felbab-Brown, thành viên cấp cao của Viện Brookings, cho rằng hiển nhiên là bạo lực sẽ gia tăng như thường lệ. Chuyên gia này không ngạc nhiên khi Tổng thống Ghani "ngần ngại" về việc trả tự do cho các phiến quân vì đây là một trong không nhiều những lợi thế đàm phán mà ông đang nắm trong tay. Chuyên gia phân tích Ahmad Saeedi cho rằng việc Taliban gia tăng các cuộc tấn công đã phản ánh phiến quân tin rằng cần phải giữ chiến trường căng thẳng để có thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán, giống như những gì đã làm trong các vòng đàm phán với Mỹ.

AN BÌNH