Tương lai nào cho chính trường Thái Lan?

Thứ ba, 23/05/2023 14:40
Một tuần sau khi cuộc tổng tuyển cử 2023 diễn ra, không khí bầu cử ở Thái Lan đã tạm lắng xuống, thay vào đó, sự chú ý đang hướng về việc liệu đảng Tiến bước (MFP) có thể thành lập liên minh cầm quyền và lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan hay không?
Lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat và quan chức các đảng đối lập gặp nhau tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 18-5. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat và quan chức các đảng đối lập gặp nhau tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 18-5. Ảnh: Reuters

Liên minh 8 đảng đối lập

Với việc giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử, MFP đã giành thế chủ động trong thúc đẩy thành lập liên minh cầm quyền. Ngày 22-5, liên minh 8 đảng do MFP dẫn đầu tuyên bố sẽ ký Biên bản ghi nhớ (MOU), động thái đưa MFP do ông Pita Limcharoenrat lãnh đạo tiến gần hơn tới việc thành lập chính phủ. Liên minh 8 đảng này bao gồm đảng Tiến bước, Vì nước Thái (Pheu Thai), Thai Sang Thai, Thai Liberal, Prachachart, Fair, Plung Sungkom Mai và Peu Thai Ruamphalang.

Cùng với 152 ghế mà MFP có được, liên minh 8 đảng theo kế hoạch của ông Pita sẽ có tổng cộng 313 ghế tại Hạ viện gồm 500 ghế. Con số này đủ để liên minh do MFP dẫn đầu chiếm đa số tại Hạ viện, nhưng không đủ để đảm bảo ông Pita được bầu chọn làm thủ tướng thứ 30 của Thái Lan nếu như ông không có được sự ủng hộ của tối thiểu 376 phiếu tại Quốc hội (bao gồm Hạ viện và 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm).

Các đảng đối lập tại Thái Lan đã quyết định liên minh với hy vọng thành lập một chính phủ mới có thể thay đổi nền chính trị của quốc gia Chùa vàng nếu thành công. Phát biểu tại họp báo ngày 21-5, ông Pita tiếp tục bày tỏ sự tự tin trong tiến trình thành lập chính phủ chiếm đa số ghế tại Hạ viện. Theo ông, một ủy ban sẽ được thành lập để tiếp tục thực hiện hiệu quả các công việc của chính phủ mãn nhiệm. "Thông điệp chính của cuộc họp báo hôm nay là đảm bảo với người dân rằng liên minh của tôi đang hình thành vững chắc", lãnh đạo đảng Tiến lên tuyên bố. "Đã có động lực, có tiến triển và chúng tôi cũng có một lộ trình rất rõ ràng từ hôm nay cho đến ngày tôi trở thành thủ tướng", ông nhấn mạnh thêm.

Các bên tham gia liên minh do MFP dẫn đầu khẳng định họ được cử tri ủy nhiệm để chấm dứt gần một thập kỷ tồn tại của chính quyền được quân đội hậu thuẫn ở Thái Lan. Trong tuyên bố mới nhất, lãnh đạo đảng Vì nước Thái Cholanan Srikaew cam kết ủng hộ ông Pita trở thành thủ tướng và ủng hộ nỗ lực thành lập chính phủ mới của MFP. Tuy nhiên, sẽ mất ít nhất 60 ngày để quy trình liên minh thành lập chính phủ này có kết quả và hiện vẫn còn nhiều rào cản đáng kể mà các bên liên quan phải vượt qua.

Theo tờ Bangkok Post, để thành lập liên minh, MFP đã nới lỏng một số điều kiện, trong đó có việc sửa đổi luật khi quân nghiêm ngặt, quy định tại Điều 112 Bộ luật Hình sự.

EC xem xét đơn kiện lãnh đạo MFP

Theo báo Bangkok Post ngày 22-5, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) dự kiến sẽ ra phán quyết về việc liệu lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat có đủ tư cách tham gia tranh cử hay không, do ông sở hữu cổ phần trong một công ty truyền thông.

Bangkok Post dẫn một nguồn tin cho biết EC đang xem xét đơn kiến nghị của ông Ruangkrai Leekitwattana, nghị sỹ đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (PPRP), về việc ông Pita đã không khai báo quyền sở hữu 42.000 cổ phiếu của mình ở công ty truyền thông iTV cho Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) trước khi ông nhậm chức nghị sỹ vào năm 2019. Các cổ phiếu này có giá trị 5 baht mỗi cổ phiếu.

Luật cấm các cổ đông trong các công ty truyền thông trở thành nghị sỹ. Bản kiến nghị cũng đặt ra câu hỏi liệu việc đăng ký các ứng cử viên nghị sỹ của MFP trong tất cả 400 khu vực bầu cử cũng có thể bị tuyên bố là không hợp lệ nếu ông Pita, người đã phê duyệt đăng ký của họ, bị loại vì vấn đề cổ phần của iTV. Trước đó, ông Pita cho biết ông không sở hữu số cổ phần này vì ông được thừa kế chúng từ cha mình. Các cổ phiếu được liệt kê dưới tên của Pita bởi khi đó ông được chọn là người thi hành di sản của người cha quá cố của mình. Ông Pita cho biết đã giải thích vấn đề với cơ quan bầu cử trước khi tuyên thệ nhậm chức.

Báo cũng dẫn một nguồn tin của EC cho biết ủy ban không thể viện dẫn luật tổ chức về bầu cử nghị sỹ trong trường hợp của ông Pita, vì mục 61 của luật quy định EC chỉ có thể loại bỏ một cá nhân với tư cách ứng cử viên nghị sỹ trước khi cuộc bầu cử kết thúc. Hiện cuộc bầu cử đã kết thúc, EC không có cơ sở pháp lý để loại bỏ một ứng cử viên hoặc nghị sỹ đắc cử. Ngoài ra, mục 82 của Hiến pháp nói rằng EC chỉ có thể tước tư cách nghị sỹ của bất kỳ ai sau khi vụ việc của họ đã được chuyển đến Tòa án Hiến pháp để đưa ra phán quyết. Vì ông Pita chưa được chính thức xác nhận là nghị sỹ sau cuộc bầu cử mới nhất, nên EC phải đợi cho đến khi xác nhận ông Pita trước khi có thể áp dụng phần này.

Trong khi đó, ông Ruangkrai cho biết vào ngày 24-5 ông sẽ đệ trình EC các tài liệu bổ sung, gồm danh sách các cổ đông của iTV từ năm 2006 và sơ đồ thể hiện thu nhập của iTV từ năm 2006 đến năm ngoái, để hỗ trợ cho báo cáo của mình với hy vọng EC sẽ có thể tăng tốc độ điều tra và chuyển vụ việc của ông Pita ra tòa.

AN BÌNH