Vẫn nan giải bài toán việc làm
(Cadn.com.vn) - Từ Huế, cậu gọi điện vào hỏi: "Con xem có chỗ nào quen ở Đà Nẵng, xin cho em vào làm với? Em nó tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kế toán ra trường hơn nửa năm nay mà vẫn chưa xin được việc làm. Xách đơn đi xin việc, nơi đâu cũng bảo đủ rồi. Cậu rầu quá!". Nghe cậu than, tôi cũng nẫu ruột. Gọi điện nhờ vài người bạn ở Huế xin việc giúp đều nghe câu từ chối: "Thời buổi khủng hoảng kinh tế, xin việc khó lắm!". Tiếp tục hỏi người quen ở Đà Nẵng cũng chẳng ăn thua.
Chưa kịp điện báo cho cậu biết, lại tiếp tục nhận điện thoại từ anh con bác ruột: "Em xem có thể xin việc cho cháu vào làm trong Đà Nẵng được không, chứ ở ngoài này anh bó tay rồi. Nó học ngành tài nguyên môi trường, ra trường hơn nửa năm nay rồi mà ở nhà... đi làm thợ hồ, bữa đực bữa cái. Thiệt uổng công sức học hành, tiền của gia đình...".
Mới đây, P.-cô SV học trường ĐH Đông Á, ở trọ gần nhà-gặp tôi than thở chuyện ra trường không có việc làm. P. cho biết, em tốt nghiệp gần nửa năm rồi, đi làm cho một công ty tư nhân được 4 tháng thì nghỉ vì công ty trả lương không đúng thời hạn, chèn ép nhân viên. "Thời buổi xin việc khó quá cô ơi! Muốn xin được chân vô Nhà nước đâu dễ. Mà về quê thì bố mẹ chẳng quen ai... Cô xem có chỗ nào quen, xin cho con vô làm với. Làm cái chi cũng được, không cần đúng ngành nghề"- P. năn nỉ...
Qua tiếp xúc với nhiều SV vừa mới tốt nghiệp, tôi nhận thấy, quan điểm của P.cũng chính là cách nghĩ của rất nhiều bạn SV hiện nay chọn lựa, miễn là có việc làm... Gánh nặng việc làm đã khiến không ít bạn trẻ trở nên thiếu tự tin trước cuộc sống.
Khi đăng ký tuyển sinh thi ĐH, CĐ, hầu hết các TS đều mong ước sau này mình có được việc làm đúng ngành nghề đã học. Ảnh: P.T |
Một thực tế khác, không ít SV, đặc biệt SV nam, sau khi tốt nghiệp không về quê, ở lại để tìm kiếm cơ hội việc làm ở TP. Tưởng con đã có việc làm ổn định, bố mẹ thôi chu cấp sinh hoạt phí. Túng thiếu, nhiều SV nam đã sa chân vào con đường phạm pháp.
Như mới đây, CAP Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) trong quá trình TTKS đêm, bắt một đối tượng chuyên trộm cắp đồng hồ điện trong các khu nhà trọ. Hỏi ra, mới biết anh ta là SV vừa tốt nghiệp, do chưa xin được việc làm, không có tiền trang trải sinh hoạt nên nghĩ quẩn... làm bậy...
Từ lâu, việc giải quyết đầu ra cho SV sau khi tốt nghiệp là vấn đề nan giải, là bài toán khó của ngành GD-ĐT. Mặc dù, hằng năm, tỉnh thành nào cũng báo cáo đã giải quyết ngần này, ngần kia lao động có việc làm. Tuy nhiên, nếu đem so sánh với số lượng đầu ra của các trường ĐH, CĐ, TCCN mỗi năm, sẽ thấy con số đó không thật sự... trùng khớp.
Thực tế, nhan nhản SV ra trường không có việc làm đành chấp nhận làm trái ngành, nghề. Không ít SV chuyển sang kinh doanh nhỏ. Câu chuyện về 2 SV học kiến trúc tốt nghiệp ra trường về quê bỏ vốn nuôi thỏ đăng báo mới đây, khiến không ít phụ huynh có con đang theo học ĐH âu lo cho tương lai của con em mình...
Trong bối cảnh cung cầu lao động của thị trường có nhiều biến động, công tác dự báo cũng như chính sách hoạch định nguồn nhân lực đáp ứng với thị trường lao động của xã hội chưa thật sự được các cấp quản lý Nhà nước cũng như các đơn vị đào tạo quan tâm, dẫn đến một thực trạng đào tạo tràn lan, thiếu định hướng.
Mặt khác, do tư tưởng trọng bằng cấp trong xã hội vẫn còn khá nặng nề, nên việc phân luồng HS sau THCS cũng như công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông gặp không ít khó khăn, dẫn đến hiện tượng "thừa thầy, thiếu thợ"...
Đó là chưa nói đến vấn đề liên quan đến chất lượng. Ai cũng đưa ra những lý lẽ hợp lý để giải thích về nguyên nhân của sự bất hợp lý, mất cân bằng trong công tác tuyển sinh, đào tạo so với nhu cầu tuyển dụng lao động thực tế của xã hội.
Tuy nhiên, chưa có một cơ quan, đơn vị nào dự báo đầy đủ, chính thống về nguồn nhân lực ở mỗi địa phương cần tuyển mỗi năm là bao nhiêu, ở những vị trí lao động ngành, nghề nào rõ ràng, cụ thể. Câu chuyện thiếu đội ngũ giáo viên bậc tiểu học trước thềm năm học mới 2013-2014 vừa qua ở Đà Nẵng là một ví dụ...
Để giải quyết đầu ra cho SV, ngoài yếu tố về chất lượng đào tạo, một trong những yếu tố không kém phần quan trọng chính là công tác quy hoạch, dự báo nguồn nhân lực.
Một khi các đơn vị đào tạo, các cấp quản lý Nhà nước và các DN chưa thực sự bắt tay nhau, chưa phối hợp nhịp nhàng trong công tác dự báo, quy hoạch tổng thể về đội ngũ nguồn nhân lực cần và đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, và một khi quan điểm về vấn đề bằng cấp vẫn còn nặng nề trong xã hội, thì việc giải quyết đầu ra cho SV sẽ vẫn là câu chuyện "học một đàng, làm một nẻo" dài kỳ trong công tác tuyển sinh, đào tạo ở nước ta.
P.Nết