Vấn nạn tham nhũng trong giáo dục
(Cadn.com.vn) - Các nhà vận động chống tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố kết quả khảo sát toàn cầu cho thấy, 1 trong 6 sinh viên phải trả tiền hối lộ cho các cơ sở giáo dục. Nhất là trong vùng Châu Phi cận Sahara và Châu Á, các bậc cha mẹ phải trả một khoản phí cho trường học mà lẽ ra họ được miễn phí.
Ở Đông Âu, học sinh phải trả tiền để có được lợi thế trong tuyển sinh đại học. Tham nhũng trong giáo dục ảnh hưởng nghiêm trọng và làm suy yếu chất lượng của các trường phổ thông và các trường đại học trên thế giới.
“Trường ma”
“Khảo sát tham nhũng toàn cầu” hằng năm của Tổ chức Minh bạch Quốc tế có thể đo mức độ không trung thực tại hơn 100 quốc gia, dựa trên hơn 114.000 cuộc phỏng vấn hộ gia đình. Cuộc khảo sát năm nay cũng đặt câu hỏi về những kinh nghiệm và nhận thức của người dân về sự không trung thực trong giáo dục.
Ở một số nước, nhiều người nhận thức rõ những tiêu cực đang tồn tại. Báo cáo cho biết, 3/4 người dân Cameroon và Nga nhận thấy hệ thống giáo dục của họ “tham nhũng hoặc tham nhũng cao”. Ở Pakistan, có hàng ngàn “trường ma” không cần học sinh, nhưng vẽ ra quỹ công để trả cho “thầy ma”. “Rò rỉ” trong kinh phí của các trường tại Kenya có giá trị tương đương 11 triệu cuốn sách.
Một cuộc khảo sát được thực hiện tại 180 trường học ở Tanzania cho thấy, hơn 1/3 quỹ dự trữ không đến được các trường học. Ở Hy Lạp vẫn tồn tại các “chương trình khuyến mãi” trong giáo dục đại học.
Báo cáo trích dẫn số liệu của LHQ cho thấy, 110 quốc gia đang thu những khoản phí không chính thức, dù theo quy định pháp luật, khoản tiền này được miễn phí.
Bằng cấp giả
Tại sao giáo dục dễ bị tham nhũng như vậy? Các bậc phụ huynh luôn muốn điều tốt nhất cho con cái họ, do đó, các quan chức lợi dụng điều này để nhận hối lộ.
Tiền công quỹ do chính quyền trung ương chuyển cho các trường học địa phương cũng bị mất đi đáng kể. Tại Nigeria, báo cáo cho biết, 21 triệu USD được cấp cho các trường học đã bị “ăn bớt” trong 2 năm qua. Tình trạng này không chỉ tồn tại ở các nước đang phát triển hoặc các cấp học phổ thông.
Nhu cầu cao về giáo dục đại học tạo ra nhiều cơ hội cho các khoản phí bất hợp pháp. Sinh viên cần bằng cấp hơn bao giờ hết. Họ muốn đặt chân vào đại học và nhận được điểm cao. Điều này tạo ra lãnh thổ màu mỡ cho nạn tham nhũng và gian lận.
Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ nằm trong số này. Ở Georgia, chính phủ thực hiện nhiều cải cách ngăn chặn nạn tham nhũng trong tuyển sinh đại học. Điều này không chỉ đơn giản là “phong bì dày” mà gồm cả một hệ thống phức tạp mua chuộc giáo viên. Tại Romania, sinh viên muốn được ở trong khu ký túc xá của trường thì phải bỏ ra một khoản tiền hối lộ.
Nhu cầu về trình độ chuyên môn cũng tạo ra “ngành công nghiệp” trong các trường đại học giả.
Theo bản báo cáo, tại Mỹ, có khoảng 1.000 “nhà máy bằng cấp” đang hoạt động chuyên cung cấp bằng giả. Điều này vô cùng nguy hại bởi bằng cấp giải này được sử dụng để xin việc, trong đó có cả trường hợp làm việc trong một nhà máy điện hạt nhân. Mới đây, nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin về vấn nạn tham nhũng trong trường học các cấp, trong đó nêu rõ, muốn con học tốt, cha mẹ phải chi tiền.
Tham nhũng đang ăn mòn hệ thống giáo dục. Ảnh: BBC |
Nhân quyền
Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng đang ăn mòn hệ thống giáo dục, làm tăng chi phí và hạ thấp chất lượng.
Tham nhũng tác động xấu đến ngân sách giáo dục. Đặc biệt là, vẫn còn hàng chục triệu trẻ em không được đến trường. “Tham nhũng là một rào cản cho quyền tiếp cận giáo dục của con người”, ông Sweeney nói. Báo cáo cũng cảnh báo về tình trạng tham nhũng nối tiếp tham nhũng khi một số người nhận tiền hối lộ để hối lộ người khác.
Giáo viên nhận hối lộ để bù đắp cho khoản tiền lương ít ỏi. Ông Sweeney cho rằng cần phải quản lý giáo dục toàn cầu trong tương lai. “Ngay cả khi học phí chính thức được bãi bỏ, nhiều hộ gia đình vẫn phải trả những khoản phí không chính thức”.
Tại Chile, các bài học chống tham nhũng được đưa vào chương trình giảng dạy và ở Bangladesh, các quan chức ký kết một “cam kết toàn diện”. Tại một số nước, các Trung tâm tư vấn pháp luật được hình thành giúp cộng đồng chống nạn tham nhũng trong trường học.
An Bình
(Theo BBC)