Vằn vện với... đời! (6)
(Cadn.com.vn) - Khi nhịp sống hiện đại ngày càng khuyến khích mỗi cá nhân thể hiện cái tôi riêng biệt thì đi kèm với những sáng tạo độc đáo còn có những cách khẳng định bản thân không bằng thực lực mà chỉ bằng dáng vẻ bên ngoài. Một trong những lối thể hiện đó chính là hình xăm. Khi người ta trẻ, hình xăm là lưu dấu ấn một kỷ niệm khó quên, là một thời khắc muốn giữ lại mãi mãi vì lý do mà chỉ người ấy biết. Nhưng theo thời gian, đến lúc muốn giũ bỏ cái kỷ niệm và khoảnh khắc ấy đi, thì không đơn giản muốn xóa là được. Trong khi đó, hình xăm ấy cứ tồn tại, kéo theo bao ánh mắt không lấy gì làm thiện cảm.
Bài cuối: Xăm hình - nhìn từ thực thể folklore đến hiểm họa
Xem lại kỳ trước: Vằn vện với... đời! (5)
Một cán bộ có thâm niên công tác trong trại giam khẳng định: Phần lớn những tay anh chị hay những tên tội phạm chuyên nghiệp khi vô khám thường có hình xăm trên người. Khoảng 40% số phạm nhân trong các trại giam thường xăm hình và hầu hết là nam giới. Đối tượng thứ hai thích xăm hình là cave, vũ nữ. Thứ ba là những cô cậu thanh niên mới lớn muốn thể hiện mình với thiên hạ bằng các hình xăm... |
Như vậy, tục xăm mình là một hiển chứng của tín ngưỡng dân gian. Đối với người Việt, những hoa văn được xăm đều liên quan đến đặc trưng văn minh lúa nước. Không ít nhà sử học cho rằng chính vì tục xăm mình nên quốc hiệu đầu tiên của nước ta mới được gọi là Văn Lang. Nhiều dân tộc khác cũng có lệ xăm mình, thích chữ. Từ đời Tần, ở Trung Quốc, những tội nhân bị phát vãng lưu đày đều bị thích lên má hoặc lên trán mấy chữ “tội”, “phạm” hoặc “tù”. Tại Châu Âu thời Trung cổ, phụ nữ ngoại tình thường bị giới quý tộc bắt buộc xăm một bông hoa huệ lên vai trái, xem đó như một dấu ấn của sự ô nhục. Tại Nhật Bản, những hình xăm kín khắp thân mình cùng với những ngón tay cụt đốt là dấu hiệu đặc trưng của giới Yakuza, những tên tội phạm chuyên nghiệp.
Mỗi hình xăm hay vết thích đều mang một ý nghĩa nhất định biểu thị ý chí hoặc ước nguyện của người mang nó. Hào khí Đông A luôn được nhắc đến với dòng chữ “Sát Thát” khắc trên vai những chiến binh thời Trần. Ở miền Trung Việt Nam, cách đây chỉ vài ba thập kỷ, dấu thập thích trên trán những bé trai vẫn phổ biến như một dấu hiệu chỉ những đứa trẻ khó nuôi, thuộc loại “con cầu tự”...
Là một thực tại folklore (văn hóa dân gian), những hình xăm biến mất dần khi ý thức xã hội tiến về phía văn minh. Ngày nay, hình xăm đã trở thành một thứ dấu vết chứng tỏ sự non kém, thiếu văn hóa, may ra chỉ còn những kẻ học đòi hay giới giang hồ là vẫn còn duy trì và ưa chuộng. Vì vậy, xăm hình được xem là một hành động nhất thời, nông nổi của một số người. Có một điều dễ nhận thấy là xăm hình thì dễ, nhưng để xóa hình xăm đó thật lắm nhiêu khê. Theo ý kiến của một bác sĩ da liễu, khi xăm hình, kim đã đưa mực vào sâu dưới da, vì thế để xóa hình xăm phải tìm cách hủy số mực này đi và như thế thì ít nhiều cũng để lại vết sẹo. Nhẹ thì cũng những vết sẹo mờ, nặng thì những sẹo lồi lõm rất khó nhìn và dễ gây phản cảm. Bên cạnh đó, xăm hình còn là một thú chơi dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, dị ứng, HIV, thậm chí gây ung thư da... Theo các bác sĩ, hầu hết giới trẻ tự xăm cho nhau hoặc đi xăm tại các cơ sở không đảm bảo nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Mức độ tổn thương càng nghiêm trọng nếu hình xăm lớn, sâu, đậm tại vùng nhiều đầu dây thần kinh, mạch máu, các tổ chức nhạy cảm như mắt, môi, lưỡi, bộ phận sinh dục.
![]() |
Với những hình xăm như thế này, chắc chắn sẽ không có cách gì để xóa được. |
Ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, người mang hình xăm trên cơ thể còn phải chịu nhiều thiệt thòi khác khi đi ra ngoài xã hội. Như trường hợp của anh M. (28 tuổi, ở Q. Ngũ Hành Sơn) chẳng hạn. Cũng vì học đòi theo bạn bè, anh xăm hình một con nhện bên cánh tay phải. Ở trong nước thì không sao nhưng khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, M. bị trả về cũng vì có hình xăm trên người. Những trường hợp như anh M. không phải là hiếm trong xã hội hiện nay. Cũng vì mang hình xăm mà không ít các cô gái khó lấy chồng hoặc bị chồng căn vặn, ác cảm vì đã trót xăm trổ...
Theo cảnh báo của một bác sĩ da liễu, bệnh nhân xăm trổ nếu bị dị ứng sẽ rất khó chữa vì không biết thành phần chất bột màu đưa vào cơ thể và tất cả các chất bột tạo màu khi xăm đều chứa kim loại nặng. Nếu vết xăm quá sâu, các kim loại nặng này sẽ được hấp thu vào cơ thể, gây tổn thương ở một số bộ phận như gan, thận... Người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài và rất tốn kém. Nếu bị thâm nhiễm tế bào, họ sẽ bị ngứa, khó chịu, lở loét da, dẫn đến viêm mãn tính tại chỗ, thậm chí ung thư da. Nguy hiểm hơn, các dụng cụ xăm không được tiệt trùng đúng phương pháp sẽ có thể làm lây nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai... Ngoài ra, hiểm họa bệnh tật còn có thể xảy ra trong quá trình xóa xăm. Rất nhiều trường hợp tự mua axit về xóa xăm tại nhà, với cách làm này, bệnh nhân dễ bị bỏng do dùng axit quá đậm đặc. Axit làm mất màu sắc hình xăm nhưng lại gây sẹo lồi. Nhiều trường hợp vết sẹo lồi gây đau, ngứa, co kéo, hạn chế vận động, phải cắt bỏ khối sẹo và phẫu thuật ghép da nên rất tốn kém...
Có lẽ cũng vì quan niệm này mà nhiều người đi đường thường ném ánh mắt không mấy thiện cảm cho chủ nhân của những hình xăm mà họ gặp. Cách đây không lâu, tôi được chứng kiến một vụ TNGT giữa hai xe máy làm 2 thanh niên đèo nhau trên một chiếc xe máy ngã xuống đường, tay chân đều bị trầy xước, máu me đầy người. Rất nhiều người đi đường dừng lại định sơ cứu cho họ, nhưng khi nhìn thấy những hình xăm loang lổ trên tay, họ chỉ đứng nhìn mà không ai dám ra tay cứu giúp. Một người đứng bên cạnh nói nhỏ với tôi: “Cũng muốn sơ cứu cho họ lắm nhưng thấy hình xăm trên người nên thôi. Ai dám chắc đây không phải là thành phần nghiện ngập, chích hút, nhiễm HIV. Nếu lỡ máu dính vào người hoặc bất cẩn bị xây xước rồi lây nhiễm thì mang họa vào thân à!?”... Có lẽ tư tưởng ấy đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người, hễ đã xăm hình là dân chịu chơi, hình càng lớn, càng phô ra ngoài thì càng chứng tỏ là dân “anh chị”...
![]() |
Doãn Nguyên Hưng