Vàng - máu & nước mắt (3)

Thứ tư, 16/04/2014 11:27

* Kỳ 3: Các Cty vàng mặc sức "lũng đoạn"

(Cadn.com.vn) - Như đã nói ở kỳ trước, tại thôn 8, xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn (Quảng Nam) có đến 3 trong số 4 Cty đã hết hạn khai thác vàng, thậm chí có Cty hết hạn từ tháng 7-2012, nhưng hiện những Cty này vẫn hoạt động. Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi mới biết được những chiêu thức của các Cty nhằm ăn chia với nhau.

Công ty TNHH Ngọc Lĩnh hết phép từ tháng 9-2013, nhưng khi chúng tôi thâm nhập nhà máy, hàng chục công nhân vẫn miệt mài lao động từ các khu hầm mỏ, các khu chế biến. Đặc biệt, lúc này có một chiếc xe tải chuyên dụng chở hàng chục bao hóa chất, thiết bị, nguyên liệu vô "tiếp tế" cho nhà máy. Thấy tôi cầm máy ảnh vào khu sản xuất, một thanh niên bắt đầu đi theo ngăn cản. Tuy nhiên, khi tôi nói "Chúng tôi đang đi tác nghiệp, các anh có thời gian thì cứ đi theo giám sát" thì anh ta bỏ đi. Theo quan sát, Cty Ngọc Lĩnh hiện có 3 khu đang hoạt động, trong đó khu trên đỉnh núi, phía sau lưng nhà máy hoạt động rất mạnh. Khi chúng tôi muốn tiếp cận khu vực này, có hai quản lý của Cty ngăn cản không cho tiếp cận. Sau mấy lần tìm cách thâm nhập khu vực này bằng nhiều hướng khác nhau nhưng chúng tôi không thể lọt vào "vành đai" bảo vệ dày đặc của Cty.

Xe tải chở hàng hóa vào cho Cty Ngọc Lĩnh.

Không bỏ cuộc, rời Cty này, chúng tôi qua ngọn đồi bên cạnh để quan sát "vùng cấm" mà Cty Ngọc Lĩnh quyết tâm ngăn cản. Theo quan sát, chúng tôi nhìn thấy khu vực này có 1 xe múc và 4 máy xay đang hoạt động. Ngọn đồi rộng lớn bị bạt ra nhìn như miệng núi lửa. Qua tìm hiểu được biết, mỗi ngày riêng khu vực này hoạt động cho ra từ 5 - 7 cây vàng…

Trong lúc men theo đỉnh núi để tiếp cận "vùng cấm" của Cty Ngọc Lĩnh, chúng tôi phát hiện nhiều khu vực khai thác mà qua tìm hiểu thì đó là khu vực khai thác thuộc Cty TNHH Nam Mai. Khu vực này trải dài từ giáp ranh Ngọc Lĩnh đến đầu địa phận Cty Hữu Minh (dài khoảng 1km) bao gồm 3 khu vực sản xuất. Thế nhưng, trong giấy phép được cấp, Cty này chỉ được phép khai thác trong diện tích chỉ 5ha(?). Điều đáng nói, các khu vực sản xuất của nhà máy đều có bể xử lý chất thải, nhưng theo quan sát của chúng tôi, chất thải được Cty đổ trực tiếp ra ngoài tạo nên những cánh rừng trắng xóa, đầy hóa chất.

Đoàn liên ngành vào truy quét ngày 2-4.

Một chủ bãi vàng tên H. bật mí, sở dĩ các Cty hết hạn nhưng vẫn hoạt động mạnh là do họ câu kết với các thành viên của các Cty khác để khai thác ăn chia với nhau. Họ tranh thủ khai thác khi mỏ vẫn còn vàng, vì nếu sau này họ không được gia hạn nữa thì cũng không phải hối tiếc. Chính vì thế mà hiện tại các Cty như Ngọc Lĩnh, SSG "thả cửa" cho các chủ bãi không có giấy phép đưa quân vào khai thác ở khu vực mỏ của mình để ăn chia với nhau. Cụ thể, tại khu vực mỏ Ngọc Lĩnh hiện có 3 khu vực khai thác, tuy nhiên trong đó có đến 2 nơi là người bên ngoài Cty đưa hàng chục quân vào ngày đêm chia ca để "đánh quả". Chủ Cty tên Cường chỉ cho quân mình quản lý, khai thác khu vực trên đỉnh núi - nơi họ đã đưa người chặn đường P.V, vì khu vực này hiện tại sản lượng vàng làm ra nhiều nhất.

Đối với Cty SSG, dù hết hạn khai thác, nhưng cuối năm 2013 Cty này vẫn còn "tồn đọng" một lượng thuốc nổ lớn mà chưa chịu bàn giao cho cơ quan chức năng. Chỉ đến khi Phòng ANĐT CA tỉnh Quảng Nam kiểm tra phát hiện và lập biên bản xử lý thì Cty mới chịu giao nộp. Trong lúc chúng tôi thâm nhập khu vực mỏ vàng của Cty SSG để tìm hiểu thì bị bảo vệ Cty cản trở: "Các anh vào đây phải có giấy giới thiệu của chính quyền địa phương và lãnh đạo Cty. Các anh không thể cầm miếng giấy lộn (thẻ nhà báo - P.V) mà vào được. Các anh muốn chúng tôi bắt giam không?" - người bảo vệ lớn tiếng. "Chúng vào đây theo đúng chức trách, nhiệm vụ của mình. Đề nghị anh hợp tác, tạo điều kiện để chúng tôi thực thi nhiệm vụ của mình" - chúng tôi trình bày rõ ràng thì lực lượng bảo vệ im lặng, nhưng nhất quyết "tử thủ", không cho ai vào...

Bảo vệ của Cty SSG ngăn cản không cho vào và chụp lại thẻ nhà báo của P.V.

Rời các nhà máy, chúng tôi ra lại khu vực quán xá ven đường. Tại đây, thông tin ngày mai (2-4) đội liên ngành của huyện sẽ vào truy quét được mọi người kháo nhau. Và chiều hôm đó, tất cả các bãi vàng trái phép được "lệnh" của chủ bãi thu dọn máy móc, thiết bị, lều trại và rút quân. Các Cty cũng cho công nhân nghỉ để "vệ sinh" lò xưởng, cất giấu hóa chất... Và đúng như những gì mọi người nơi đây đã biết, 8 giờ ngày 2-4, đoàn liên ngành gồm CA, Kiểm lâm, Bộ đội, Phòng TN&MT… ầm ầm trên 10 chiếc xe chạy vào khu vực các bãi vàng thôn 8.

Ngày 8-4, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hoàng Đình Nhất - Phó trưởng phòng TN&MT Phước Sơn cũng thừa nhận: Tôi cũng không biết ai làm lộ thông tin mà khi đoàn vào thì các bãi vàng trái phép không có ai. Đối với bãi của các Cty thì cũng chỉ có vài người. "Hiện tại do Cty Nam Mai còn giấy phép nên khó quản lý. Vì khi mình thấy họ chở dụng cụ, máy móc vào bãi đến kiểm tra thì họ nói là chở cho Cty Nam Mai. Hiện phòng đang đề xuất lên huyện có những biện pháp để chấn chỉnh tình hình" - ông Nhất cho biết thêm.

Có đi mới hiểu, có chứng kiến mới biết những gì đang diễn ra. Mỗi năm Quảng Nam chi kinh phí cho các hoạt động truy quét, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép không phải là nhỏ. Mỗi chuyến đi tốn kém hàng chục triệu đồng, thế nhưng hiệu quả đem lại "không như mong đợi". Và nguyên nhân vì sao thì ai cũng hiểu(!).

Phóng sự: Trần Tân
(còn nữa)