Vào đại học bằng xét tuyển học bạ

Thứ năm, 20/06/2019 12:43

Kỳ tuyển sinh năm 2019, Đại học (ĐH) Huế tuyển gần 1.200 chỉ tiêu (CT) xét tuyển theo phương thức học bạ. Hình thức xét tuyển này đã được thông tin và tiếp nhận từ cuối tháng 2-2019 nhưng đến nay số lượng CT vẫn còn thấp.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2019 của các trường thuộc ĐH Huế.

Thí sinh vẫn chần chừ

Ngay từ đầu năm 2019, ĐH Huế và các cơ sở đào tạo thông tin và tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019 theo phương thức học bạ với gần 1.200 CT, song đến nay vẫn còn nhiều thí sinh chần chừ khi nộp hồ sơ. Cụ thể, ĐH Huế tuyển 1.196 CT của 55 ngành ở 6 đơn vị, trong đó Trường ĐH Luật có 2 ngành (110 CT), Trường ĐH Nông lâm 22 ngành (621 CT), Trường ĐH Sư phạm 3 ngành (60 CT), Trường ĐH Khoa học 21 ngành (210 CT), Khoa Quốc tế 2 ngành (55 CT), Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị 5 ngành (140 CT). Các đơn vị trên sử dụng kết quả học tập các môn trong tổ hợp môn xét tuyển ở cấp THPT của năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12 để xét tuyển. Điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển là điểm trung bình chung (làm tròn đến 1 chữ số thập phân) mỗi môn học của năm học lớp 11 và học kỳ I năm học lớp 12. Điều kiện xét tuyển là tổng điểm các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải từ 18 điểm trở lên.

Tính hết đợt 1 (ngày 6-5), ĐH Huế mới chỉ tiếp nhận 798 nguyện vọng/563 hồ sơ nộp đăng ký xét tuyển (ĐHXT) theo phương thức học bạ, trong đó một số ngành như triết học, kỹ thuật sinh học, vật lý học (Trường ĐH Khoa học) mới chỉ đạt 10% hay công nghệ chế biến lâm sản (Trường ĐH Nông lâm) đạt 20%... Nguyễn Văn Tân, thí sinh (TS) dự định thi vào Trường  ĐH Khoa học, chia sẻ: "Em lo ngại trong trường hợp vẫn thi đậu ĐH, lỡ đăng ký xét tuyển học bạ thì có được lựa chọn lại cơ hội dựa trên kết quả thi không. Hoặc, thời điểm điều chỉnh nguyện vọng, em có được thay đổi như các TS khác hay không". Theo đại diện Ban Tư vấn quảng bá tuyển sinh Trường ĐH Nông lâm Huế, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều TS đang còn băn khoăn, một số trường hợp chưa biết thông tin xét tuyển học bạ, những trường nào sử dụng phương thức này để xét tuyển, có TS nhầm lẫn phương thức xét học bạ chỉ có trường ngoài công lập.

Do số lượng CT xét tuyển rất ít nên ĐH Huế tiếp tục thông báo xét tuyển ĐH đợt 2 theo kết quả học bạ. Đợt này, có 5 trường thành viên và phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị tuyển 1.067 CT của 51 ngành. Cụ thể, Trường ĐH Luật có 2 ngành 70 CT, Trường ĐH Nông lâm 22 ngành 621 CT, Trường ĐH Sư phạm 2 ngành với 36 CT, Trường ĐH Khoa học 20 ngành với 200 CT và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị 5 ngành 140 CT. ĐH Huế nhận hồ sơ đến hết ngày 31-7 thông qua hình thức nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký xét tuyển online... PGS.TS. Huỳnh Văn Chương- Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, hiện, ĐH Huế và các đơn vị tiếp tục quảng bá tuyển sinh thông qua hình thức trực tuyến, mạng xã hội. Trong đợt thi THPT quốc gia, thông qua đội ngũ sinh viên tình nguyện, các trường sẽ giới thiệu thông tin tuyển sinh, phương thức xét học bạ để TS có thể nộp trong đợt xét tuyển tiếp theo.

Lo ngại chất lượng

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019 cả nước có gần 500.000 CT tuyển sinh, trong đó 70% là CT xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, 30% CT còn lại là xét tuyển bằng phương thức khác, hầu hết xét tuyển học bạ. So với năm ngoái, tỷ lệ CT của phương thức này tăng 33,27%. Theo một cán bộ tuyển sinh của ĐH Huế, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho phép các TS được đăng ký nhiều nguyện vọng và không giới hạn nguyện vọng cho nhiều trường. Quy định này áp dụng cho cả 2 phương thức xét tuyển học bạ và xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia. Theo đó, các TS có thể đăng ký nhiều nguyện vọng tại nhiều trường ĐH khác nhau. Chính vì vậy, xét tuyển học bạ là một hướng đi an toàn vào đại học bên cạnh phương thức xét điểm thi THPT quốc gia.

Kỳ thi tuyển sinh 2019, theo ước tính cả nước có đến gần 100 trường ĐH có thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH trên cả nước đã từ chối hình thức tuyển sinh này vì cho rằng không đủ độ tin cậy. Theo nhìn nhận của một cán bộ tuyển sinh lâu năm, quy định như hiện nay đã có sự không đồng nhất kết quả tuyển sinh vì TS trúng tuyển bằng học bạ có thể có điểm thi thấp hơn thí sinh xét tuyển vào trường bằng kết quả bài thi THPT nhưng bị trượt. Thậm chí có thí sinh trúng tuyển đại học bằng xét tuyển học bạ nhưng lại trượt tốt nghiệp… tạo ra sự không công bằng trong xã hội. Còn một cán bộ phòng đào tạo của 1 trường ĐH ở Huế cho rằng, tuyển sinh học bạ là không ổn bởi vì mỗi trường THPT có chất lượng khác nhau. "Tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ hiện nay lên đến trên 70%. Như vậy, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh"- vị cán bộ này nhận xét.

H.LAN