Về bài viết “Ai đứng sau vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh”: Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm
Sau khi báo chí phản ánh vụ phá rừng phòng hộ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Tiên Lãnh (H. Tiên Phước, Quảng Nam), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến yêu cầu tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm.
Từng mảng rừng nguyên sinh bị cạo trọc. |
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với P.V, ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND H. Tiên Phước cho rằng, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng trên là do buông lỏng quản lý. “Hạt Kiểm lâm (KL) huyện sau khi trực thuộc Chi Cục KL tỉnh Quảng Nam đã thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương. Lãnh đạo huyện không thể chỉ đạo lực lượng này như trước kia. Mặt khác, chính quyền cấp xã gần như thả lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng” - ông Minh lý giải.
Ông Hường Văn Minh cũng thừa nhận rừng phòng hộ ở khu vực trên đã bị phát hàng trăm héc-ta. Tuy nhiên, tổng diện tích bị xâm hại diễn ra từ năm 2013 đến nay. Riêng những vụ phá rừng mới đây nhất khoảng 100ha. Về thông tin cho rằng có cán bộ đứng sau những vụ phá rừng này, ông Minh nhận định điều đó là có cơ sở. Tuy nhiên, vụ việc đang được điều tra, làm rõ.
Còn ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam nhận định: “Vụ phá rừng ở Tiên Lãnh nếu đúng như báo chí phản ánh thì đây là vụ việc phá rừng nghiêm trọng. “Không thể chấp nhận để xảy ra tình trạng phá rừng kéo dài nhiều năm dẫn đến hàng trăm héc-ta rừng tự nhiên bị tàn phá như vậy được. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ, nếu có sai phạm của các cá nhân, tập thể thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật để bảo vệ rừng. Qua đây cho thấy, các địa phương và ngành Lâm nghiệp cần phải tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng chặt chẽ hơn nữa”.
Trước đó, trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng thôn 8 (xã Tiên Lãnh) thẳng thắn: “Một chủ mà có vài ba chục héc-ta đất rừng đó là do có người đứng phía sau, người có quyền, có tiền, có thế lực. Trong nhiều cuộc họp thôn, người dân nêu rõ tên những người đứng đằng sau các vụ phá rừng và đề nghị xử lý, thế nhưng rừng vẫn bị tàn phá. Trong khi đó, cán bộ KL phụ trách địa bàn có cũng như không…”.
Hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị phá tan hoang. |
Sáng 20-9, trả lời câu hỏi của P.V vì sao những vụ phá rừng trên địa bàn Quảng Nam những năm gần đây được phát hiện, khởi tố vụ án nhưng không khởi tố được bị can? Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân chính là do các vụ phá rừng trên phát hiện chậm, có vụ có khi cả năm trời mới phát hiện, cây đã lên xanh, kẻ phá rừng đã cao chạy xa bay nên rất khó tìm đối tượng để khởi tố. “Mới đây, tại cuộc họp với ngành KL, tôi đề nghị ngành KL phải kịp thời phát hiện và thông tin nhanh chóng để CQĐT sớm vào cuộc làm rõ đối tượng nhằm khởi tố bị can, có như vậy mới răn đe và góp phần bảo vệ rừng” - Đại tá Nguyễn Đức Dũng nói.
Theo báo cáo nhanh của Chi cục KL Quảng Nam, từ đầu năm 2017 đến ngày 15-9, Hạt KL Nam Quảng Nam (Trạm KL Tiên Phước) đã kiểm tra, phát hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh xảy ra 10 vụ phá rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ. Diện tích rừng bị thiệt hại là 23,776ha (thuộc các tiểu khu 556, 557), trong đó có 21,996ha nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng do BQL dự án trồng rừng H. Tiên Phước làm chủ dự án.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 20-9, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng 22-9, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Lê Trí Thanh làm trưởng đoàn sẽ có buổi thực tế kiểm tra việc phá rừng tại xã Tiên Lãnh. Sau khi kiểm tra, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp báo ngay tại H. Tiên Phước để thông tin về vụ phá rừng trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến xung quanh vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này.
TRẦN TÂN - LÊ VƯƠNG