Vẻ đẹp người phụ nữ trong truyện ngắn trước năm 1945 của Nguyễn Văn Xuân

Thứ năm, 21/10/2021 17:48

Sự ra đời bộ sách Nguyễn Văn Xuân toàn tập (7 tập) năm 2020 đã giúp độc giả xứ Quảng nói riêng, cả nước nói chung có một cái nhìn tương đối toàn diện về "những di sản quý" của nhà Quảng Nam học để lại.

Chân dung nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong "Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân". 

Dù vậy, vẫn còn khá nhiều tác phẩm của ông được đăng rải rác trên các tạp chí vẫn chưa được tập hợp, hệ thống. Khi đọc các truyện ngắn mới sưu tầm được của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn trước năm 1945 như Nhớ con, Người con ở xa, Tuổi già hạt lệ như sương, Người đàn bà Tàu…, hình tượng người phụ nữ hiện lên giàu tình yêu thương, đức hy sinh cho con cái, cho gia đình. Điều này hoàn toàn ngược lại với ấn tượng trước đó về các nhân vật phụ nữ trong 2 tiểu thuyết nổi tiếng Bão rừng và Kỳ nữ họ Tống của ông, bởi họ đều lợi dụng vẻ đẹp để trao đổi, để mưu lợi giàu sang, để tranh quyền đoạt lợi.

Hình tượng người mẹ là tiêu biểu nhất, được nhà văn đề cao tình thương yêu vô bờ bến của họ dành cho những người thân yêu. Đó là tình cảm của những người mẹ phải xa con, nỗi nhớ con, lo lắng cho con bùng lên mãnh liệt. Người mẹ khốn khổ trong truyện ngắn Nhớ con, sau khi sinh con, nhan sắc "mụ" tàn tạ, người chồng vô trách nhiệm chán mà bỏ đi Đông Hà. Gia cảnh nghèo đói, "mụ" phải đi ở đợ lấy tiền gửi về nuôi con. Xa con vài tháng, "mụ" nhớ con không thể chịu được, nên đã bằng mọi cách xin chủ cho về thăm con. Nỗi nhớ con da diết, bùng lên "như có ai đốt lửa trong lòng và ruột gan mụ đôi lúc tưởng đã biến ra thành tro mà quằn quại lại với nhau". Người "mụ" thờ thẫn, chẳng quan tâm làm việc, khiến bà chủ bực tức, chửi mắng, la rầy nhiều hơn, nhưng đành phải cho "mụ" về thăm con (Nhớ con).

Người mẹ trong truyện ngắn Người con ở xa cồn cào nhớ và lo cho người con trai út đi lập nghiệp trong Sài Gòn. Bà mẹ đã lo liệu đồ đạc, tiền nong, làm lễ cúng gia tiên, căn dặn con đủ điều trước khi con đi xa nhưng bà không yên tâm khi con nơi đất khách quê người. Ngay lúc "cái xe khuất đi thì một nỗi trống rỗng mênh mông ngập vào. Bà Hương thấy rất cần bấu víu vào một cái gì để mà đứng vững, mà sống". Bà sống trong hy vọng chờ đợi thư con, mới ba ngày bà đã bắt đầu hỏi thư. Từ đó, cứ từng ngày, từng ngày, hình ảnh người mẹ đợi ở cổng khi đến giờ hương thơ đi đưa thư qua trở nên quen thuộc. Cuối cùng, hơn hai tháng sau, nỗi trông chờ, hy vọng thư con mới được toại nguyện.

Nguyễn Văn Xuân cũng hết sức đề cao phẩm chất cao quý, sự hy sinh của người mẹ dành cho gia đình. Họ xem đó là lựa chọn đúng đắn, là trách nhiệm và bổn phận cần làm như thế. Đó là người mẹ sẵn sàng bán hết các đồ đạc giá trị trong nhà, tiền dành dụm của mình và đi vay mượn cho đủ số tiền theo yêu cầu của con trai khi vào Sài Gòn (Người con ở xa). Người mẹ khốn khổ khác, sẵn sàng chịu đựng tất cả sự ê chề, nhục nhã của kiếp đi ở đợ, tiền công làm được không dám tiêu, quần áo đã cũ rách chẳng dám may, hết lòng chắt bóp gửi về nuôi con.

Thậm chí, trên đường về nhà thăm con, bụng đói nhưng không dám mua đồ ăn… (Nhớ con). Nhà văn xót thương cho thân phận lệ thuộc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, họ hết lòng chăm lo, phục vụ cha, chồng, con mà ít khi được ghi nhận: "bao nhiêu người đàn bà thầm lặng sống trong cuộc đời mà tưởng như sống theo bên cạnh, hết theo cha, theo chồng lại đến theo con, cuộc đời tưởng như sinh ra để mà hy sinh, cho đến ngày tàn cuộc" (Người đàn bà Tàu). Đó là những phẩm chất đáng ngợi ca của người phụ nữ, rất cần sự cảm thông, trân trọng và sẻ chia của những người thân trong gia đình.

Tranh minh họa trong truyện ngắn Nhớ con và Tuổi già hạt lệ như sương trên Tiểu thuyết thứ Bảy.

Khi đề cập đến những người phụ nữ thân yêu, chịu thương chịu khó, giàu tình thương, đức hy sinh để lo toan cho gia đình, nhà văn thường viết với giọng điệu trữ tình, thiết tha, thương cảm. Những câu văn giàu cảm xúc như tuôn chảy từ tâm hồn nhạy cảm, đầy ắp suy tư và tình yêu thương vô bờ bến của tác giả dành cho họ. Như lời độc thoại sau những trang hồi tưởng xúc động về người bà: "bà đã thương chúng tôi, đau đớn vì hạnh phúc của chúng tôi đến thế! Cái tâm hồn cao quý ấy, tôi nguyện sẽ giữ nó mãi mãi trong lòng, tôi dành nó vào một phần trong cuộc đời tình cảm của tôi" (Tuổi già hạt lệ như sương). Sự nghẹn ngào tuôn trào cùng những giọt nước mắt xúc động, xót xa của người con dâu góa bụa như ùa vào câu văn: "Con không lấy chồng đâu mẹ ạ. Con sẽ ở cho tới bao giờ Tự có vợ để mẹ có người hầu hạ hãy hay. Tiếng nàng run run ở đoạn cuối. Hạnh không còn can đảm để nhìn cái mặt đầy lệ của mẹ. Lòng tràn ngập nghẹn ngào, Hạnh quay đi lấy tay áo chùi nước mắt" (Người con ở xa)…

Trong nhiều truyện ngắn tiền chiến, Nguyễn Văn Xuân dành tình cảm đặc biệt cho các nhân vật phụ nữ. Có lẽ do hoàn cảnh xuất thân, cha bị bệnh lao, mất sớm từ khi nhà văn mới 6 tuổi, ông ở với người mẹ tần tảo, hết lòng chăm lo cho con, vậy nên hình ảnh người mẹ, người bà, người chị siêng năng, chứa chan tình yêu thương đã đi vào nhiều truyện ngắn. Số phận những người phụ nữ được nhà văn đưa vào truyện ngắn thường là gia cảnh góa bụa, có địa vị nhỏ bé, chịu nhiều bất hạnh nhưng họ lại chính là những người nuôi sống gia đình, gìn giữ và trao truyền những phẩm chất đạo đức cao quý cho các thế hệ sau. Phải chăng nhà văn cố gắng lưu giữ những hình tượng đẹp, thắm đượm nghĩa tình, chan chứa yêu thương trong trang văn của mình bởi: "tôi rất buồn mà nhận thấy từ lâu nay, những tâm hồn cao quý ấy mất đi lần lần" (Tuổi già hạt lệ như sương).

Vũ Đình Anh

Đà Nẵng, tháng 10-2021