Về thăm "làng môi đen" xứ Huế

Thứ sáu, 04/01/2019 18:00

Làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, H. Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) được mệnh danh là "làng ngậm chì" hay "làng môi đen", bởi đa phần người dân ở đây đều "sở hữu" những đôi môi đen và hầu hết các hộ dân nơi này phải đánh đổi cả sức khỏe và tuổi thanh xuân của mình để theo đuổi cái nghề ngậm chì mưu sinh.

Nhiều phụ nữ ở làng Ngư Mỹ Thạnh ngậm chì, đan lưới. Ảnh: V.V.D 

Cả làng ngậm chì để mưu sinh

Làng Ngư Mỹ Thạnh có hơn 200 hộ dân, khoảng 80% dân số của làng làm nghề đánh bắt thủy hải sản trên phá Tam Giang. Hầu hết các gia đình ở đây đã và đang làm cái nghề nguy hiểm: Nghề ngậm chì (dùng miệng ngậm những miếng chì để đính vào lưới). Mệ Trần Thị Dài, 67 tuổi, tâm sự: "Tui làm nghề ngậm chì kết lưới lúc 17 tuổi. Thuở nhỏ ở đò cuộc sống lênh đênh sông nước, công việc hàng ngày là ngậm chì để phụ giúp ba mẹ buông lưới, thả lừ. Năm 22 tuổi tui lấy chồng rồi tiếp tục nghiệp ngậm chì cho tới hôm nay".

Dạo một vòng quanh làng, ghé thăm dăm bảy hộ, trò chuyện với nhiều ngư dân ở đây, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là nhìn thấy trên khuôn mặt của bà con, ai cũng có đôi môi đen, thâm tím. Vì thế, làng Ngư Mỹ Thạnh còn được gọi tếu táo là "làng môi đen". Từ thanh niên, phụ nữ, cụ già cho đến các em học sinh, sinh viên, ai ai cũng biết ngậm chì, vì đây là nghề truyền thống của dân làng. Gia đình ông Trần Lành, 65 tuổi, có 3 thế hệ làm nghề ngậm chì. Hiện ông Lành vẫn đang hành nghề ngậm chì thuê, ông chia sẻ: "Tuổi tui đã cao, không còn đủ sức đi đánh bắt trên đầm phá nên tui nhận ngậm chì thuê cho nhiều hộ dân trong làng để kiếm tiền nuôi sống bản thân và người vợ bệnh tật. Hiện hàm răng tui đã ngắn củn, đen thẫm, sợ vài năm nữa liệu có còn răng để làm thuê không nữa". Mỗi ngày, ông làm việc từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối thì đan được 2 tay lưới và phải dùng miệng ngậm từ 600-700 miếng chì (khoảng 1 kg chì). Bình quân mỗi năm, mỗi người đan lưới ở làng này phải ngậm hàng tạ chì trong miệng.

 Ngậm chì-cái nghề vất vả, độc hại, thậm chí là nguy hiểm nhưng không có cách nào khác nên dân làng đành phải "chung thủy", quyết tâm gắn bó với nghề. Suy cho cùng, vì cuộc sống mưu sinh, vì miếng cơm manh áo hàng ngày nên bà con đành phải "phóng lao thì phải theo lao". Ông Phan Ty-Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh cho biết: "Hiện nay trên thị trường có bán ngư lưới cụ phong phú, đa dạng, lưới kết chì sẵn nhưng được sản xuất bằng máy, làm đại trà nên chất lượng không cao. Vì thế, dân làng tôi không dùng, chỉ tự tay đan lưới, tự miệng ngậm chì, tất cả được làm thủ công nhưng chất lượng thì bảo đảm về độ bền, chắc, tuổi thọ cao gấp đôi so với lưới kết chì bằng máy".

Do dùng răng để cắn chì lâu ngày, bà con không những bị thâm, đen, tím đôi môi mà còn làm hỏng cả hàm răng: cái trồi, cái trụt, cái lung lay, cái sứt mẻ... Thương nhất là các chị em phụ nữ thiếu tự tin mỗi khi giao tiếp với người lạ. Họ không dám cười, không dám nhìn trực diện vào mặt người khác khi nói chuyện. Em Nguyễn Thị Thúy, 16 tuổi, một học sinh trong làng, tâm sự: "Ngoài giờ học em giúp bố mẹ đan lưới, ngậm chì, kết phao. Làm được mấy năm thì tự nhiên bộ răng em đen thui, trông xấu xí lắm!, mỗi lần lên lớp em cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với bạn bè, thầy cô. Thú thật là em không dám cười. Tết Mậu Tuất 2018 vừa rồi, anh trai em làm nghề thành đạt ở Sài Gòn ra cho tiền, thế là em rú (chạy) xe lên huyện để "nâng cấp" hàm răng cho dễ nhìn, hết gần 5 triệu đồng!".

Cận cảnh những miếng chì mà người dân làng Ngư Mỹ Thạnh dùng miệng ngậm để đính vào lưới. Ảnh: V.V.D

  Lỡ mang cái nghiệp vào thân

  Các chuyên gia y tế đã khuyến cáo: nếu dùng miệng ngậm chì thường xuyên, lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, gây ra một số bệnh như viêm họng mãn tính, viêm loét dạ dày... Vẫn biết là thế, nhưng người dân làng Ngư Mỹ Thạnh đã lỡ mang cái nghiệp ngậm chì vào thân, thì không dễ một sớm một chiều mà dứt ra được. Chị Trần Thị Thành, 46 tuổi, suốt 33 năm qua chị chưa từng ngơi nghỉ công việc ngậm chì, đan lưới thuê. Do thời gian, cường độ ngậm chì dày đặc nên chị bị viêm dạ dày đã 8 năm nay, phải uống thuốc thường xuyên. Cứ mỗi buổi ngậm chì xong là chị vội vàng ngậm nước muối nhằm để... cứu vãn tình thế, chỉ ăn toàn thức ăn mềm. Mỗi lần ăn cơm chị không dám nhai mạnh vì hàm răng đã bị long gần hết.

Tuy vậy, chị vẫn cố vượt qua sự đau đớn, bệnh tật để tiếp tục ngậm chì mưu sinh. Mệ Nguyễn Thị Du, 73 tuổi, có 8 người con thì có đến 4 đứa theo nghiệp mẹ ngậm chì. Hàng ngày, đại gia đình mệ Du vẫn sum vầy bên nhau để ngậm chì đan lưới, trong số những thành viên ấy, ít nhiều ai cũng từng gặp "sự cố" về răng miệng, đều phải đến "thăm" bác sĩ nha khoa hàng tháng. Hầu hết mỗi nhà ở làng này đều có sẵn những chai nước muối súc miệng, bởi sau mỗi buổi ngậm chì là họ ngậm ngay nước muối. Nhiều người hành nghề ngậm chì lâu năm ở làng còn cho biết; bằng kinh nghiệm, mỗi lần ngậm chì thì không được nói chuyện, đùa giỡn nhau, vì đã có vài trường hợp vừa ngậm chì vừa nói chuyện nên bị miếng chì tuột vào cổ họng, rất nguy hiểm, tai họa khó lường.

Công việc thường nhật của dân làng Ngư Mỹ Thạnh là sáng đi đánh bắt cá tôm trên đầm, tối về ngậm chì đan lưới, hoặc tối rủ nhau đi đánh cá, ban ngày ngậm chì, khâu lừ, sửa lưới. Ngày lại ngày, sau khi đi phá về, nghỉ ngơi vài tiếng lấy sức rồi họ chạy xe lên huyện mua lưới, phao, chì về để đan, kết, ngậm. Lớp trước lớp sau đua nhau ngậm chì. Đúng là "sinh nghề, tử nghiệp", ở làng này đã có nhiều người mất sớm vì bệnh loét dạ dày liên quan đến việc ngậm chì thường xuyên. Thực tế cho thấy, nhiều bà con ở ngôi làng này mới 40-50 tuổi mà đã hỏng gần hết răng, không ăn được xương và những thức ăn cứng, ai qua 60 thì đã "móm" như cụ già 100 tuổi. Vẫn biết hiểm nguy là thế! Sa sút sức khỏe là thế,  nhưng vì 2 chữ... mưu sinh, nghề ngậm chì như là "duyên nợ" cứ đeo bám, rượt đuổi người dân làng Ngư Mỹ Thạnh cho đến hôm nay.

Võ Văn Dần