Vì một thế giới đa cực hơn
(Cadn.com.vn) - Trong khi Mỹ đang nỗ lực khôi phục lại các liên minh ở Châu Á, Trung Quốc tìm kiếm các đối tác mới ở Châu Âu.
Gần đây, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) liên tục phát sóng chương trình đặc biệt về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Châu Âu. Chương trình thậm chí còn đưa ra khẩu hiệu hoành tráng: “Cây cầu kết nối Trung Quốc và Châu Âu”. Điều này rõ ràng cho thấy, giới truyền thông Trung Quốc tiếp tục chơi ván bài quá thành công về chuyến thăm đầu tiên của ông Tập đến Châu Âu.
Trên hết, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc khẳng định, 11 ngày “du xuân” Châu Âu là chuyến công du đầy niềm vui và sự tự tin. Trong chuyến thăm Pháp, ông Tập Cận Bình trích dẫn câu nói nổi tiếng của Napoleon rằng, “Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ, và khi tỉnh dậy, họ sẽ làm rung chuyển cả thế giới”.
Ông Tập giải thích cho người dân Pháp rằng, ngày hôm nay, sư tử đã thức giấc, nhưng theo kiểu hòa bình, dễ chịu và văn minh. Sau đó, trong một bài phát biểu ở Đức, Chủ tịch họ Tập nhấn mạnh, “chúng tôi sẽ không gây rắc rối, nhưng cũng không sợ gặp rắc rối”. Có thể thấy rõ, tuyên bố này nhằm ám chỉ đến những tranh chấp đang diễn ra giữa Trung Quốc và các nước khác ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Ít ngày sau khi ông Tập kết thúc chuyến thăm đến Châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố “sẽ đến thăm các đồng minh của Washington ở Đông Á” (và hiện đang trong chuyến công này). Trong khi ở Châu Âu, Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ quan trọng giữa Bắc Kinh với hai nước lớn của “lục địa già” - “văn hóa thân mật” của Trung Quốc với Pháp và “các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ” với Đức.
Nhưng ngược lại, Tổng thống Obama đang đối mặt nhiều vấn đề phức tạp phủ lên chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Đó là một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ; một đồng minh truyền thống đầy tham vọng và có phần không vâng lời, Nhật Bản. Hàn Quốc đang cố gắng dung hòa với giữa Trung Quốc và Mỹ trong khi đó Triều Tiên lại đầy nổi loạn. Nhà Trắng chắc chắn muốn tìm kiếm sự trợ giúp đặc biệt từ các đồng minh Đông Nam Á nhưng làm sao không để tổn hại lớn trong quan hệ với Bắc Kinh.
EU thì khác. Liên minh này có thể tận dụng tối đa Bắc Kinh và thoải mái tăng cường hợp tác kinh doanh với người Trung Quốc. So với Mỹ, EU có tổng GDP tương tự và quy mô dân số lớn hơn. Do đó, EU thực sự là một siêu cường nếu được xem như là thể chế chính trị thống nhất duy nhất. Quan trọng hơn, EU không có trách nhiệm và gánh nặng của một nhà lãnh đạo thế giới, như Mỹ. EU cũng không bị ràng buộc với liên minh quân sự tại Châu Á. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt, EU và Trung Quốc ít mâu thuẫn chiến lược hơn so với Mỹ - Trung.
Vì thế, việc Trung Quốc chọn EU là điều không có gì phải bàn. Thứ nhất, Bắc Kinh làm thế là vì lợi ích chung. Thứ hai, Trung Quốc muốn chứng tỏ họ không cần thiết phải gắn chặt quan hệ với Mỹ. Và quan trọng hơn, chính quyền ông Tập Cận Bình muốn như vậy để làm nổi bật quyết tâm của Bắc Kinh, xây dựng một trật tự thế giới đa cực hơn.
Thanh Văn