Vì sao Mỹ - Triều “né” chiến tranh?
(Cadn.com.vn) - Đã 6 tháng trôi qua, kể từ khi chảo lửa trên bán đảo Triều Tiên bùng cháy dữ dội và được đánh giá ở trong tình trạng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tình hình cho đến nay vẫn được kiểm soát và không rớt xuống vực thẳm chiến tranh. Vì sao như vậy?
Thực tế rõ ràng rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un và các cố vấn đều hiểu rõ chi phí và hậu quả khủng khiếp nếu xảy ra chiến tranh. Và quan trọng hơn nữa, họ cũng chưa thể quên bóng ma cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) thảm khốc.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng nói trong cuộc họp báo hồi tháng trước: “Nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ rất bi thảm vì đó là cuộc chiến tranh lớn với quy mô không thể tin được”. Trên thực tế, Chiến tranh Triều Tiên, về mặt kỹ thuật chưa bao giờ kết thúc, dẫn đến cái chết của khoảng 600.000 người Triều Tiên và 1 triệu dân thường Hàn Quốc, cùng với hàng trăm ngàn binh lính. Hệ quả của cuộc chiến tranh vẫn còn in rõ ở Triều Tiên. Khi đó, các máy bay tiêm kích Mỹ phủ đầy Triều Tiên với khoảng 625.000 tấn bom, giết chết 20% dân số nước này, theo một ước tính.
Nếu xung đột xảy ra, vào thời điểm này, có thể trở nên trầm trọng hơn khi mà vũ khí hạt nhân đang bùng nổ. Ông Adam Mount, một thành viên cao cấp của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nói với CNN: “Nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên - chiến tranh lớn hay nhỏ - đã xuất hiện mạnh mẽ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên”. Vì vậy, cả Mỹ lẫn Triều Tiên đã chứng minh, họ có thể kiềm chế, giảm bớt khủng hoảng và bước ra khỏi bờ vực chiến tranh. “Họ đều quan tâm đến việc tránh một cuộc chiến mà không có ai mong muốn”, một chuyên gia nhận định.
Một hệ thống tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Trái tim Seoul
Trong khi tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có thể leo thang nhanh chóng, có một số kịch bản đã được đưa ra, từ một cái gì đó như tấn công bằng tên lửa hay tấn công pháo binh quy mô nhỏ mà không chuyển sang chiến tranh toàn diện.
Thử thách đặt ra là nỗ lực kiểm soát leo thang căng thẳng. Nguy cơ lớn nhất là ở các thành phố đông dân, những nơi như Seoul (khoảng 9,7 triệu dân) hoặc Tokyo (khoảng 38 triệu dân). Các cuộc tấn công hạt nhân tại những thủ đô này sẽ rất thảm khốc. “Hàng ngàn lính Mỹ và hàng chục ngàn binh sĩ Hàn Quốc sẽ thiệt mạng, và hàng triệu người tị nạn sẽ vây hãm các đường cao tốc. Những thiệt hại của Triều Tiên thậm chí còn cao hơn”, Washington Post dẫn lời ông Ash Carter và William Perry, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.
Những lo ngại về một cuộc chiến tốn kém và đáng sợ ở Seoul vẫn còn đó. Roger Cavazos thuộc Viện Nautilus cho rằng, có thể sẽ có khoảng 3.000 người thương vong trong vài phút đầu tiên khi Triều Tiên tấn công bằng pháo binh và 64.000 thương vong trong ngày đầu tiên xảy ra chiến tranh. Triều Tiên cũng có thể bắn tên lửa đạn đạo nhằm vào các lực lượng Mỹ, Hàn và Nhật trên toàn khu vực.
Tuy nhiên, theo phân tích vào năm 2016 về mối đe dọa của Triều Tiên của Cty tình báo địa chính trị Stratfor, nhiều vũ khí của Triều Tiên có thể lỗi thời hoặc không hoạt động đúng. “Nhưng ngay cả khi không có mối đe dọa hạt nhân, việc tấn công Triều Tiên cũng sẽ mang lại sự hủy diệt lớn”, phân tích của Stratfor cho biết.
Mối đe dọa hạt nhân
Nếu chiến tranh toàn diện xảy ra, quan tâm hàng đầu của Mỹ là loại bỏ mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.
Không quân Mỹ có thể sử dụng 24 máy bay tiêm kích chiến đấu F-22, có thể mang 2 quả bom 450kg và 10 máy bay ném bom B-2, có thể triển khai các quả bom khổng lồ đến các hầm chứa dưới lòng đất để loại bỏ cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên, theo Stratfor. “Vì những đặc tính độc đáo, hiện đại và khả năng tàng hình, những vũ khí này sẽ tạo thành xương sống của bất kỳ hoạt động chống hạt nhân nào”, một chuyên gia quân sự nhận định. Mỹ cũng sẽ dựa vào tên lửa hành trình Tomahawk, vũ khí cực kỳ chính xác.
Vấn đề quan trọng là tình báo. Không rõ Triều Tiên hiện có chính xác bao nhiêu vũ khí hạt nhân hoặc chính xác nó đang được đặt ở đâu. Mỹ từng gặp rất nhiều khó khăn khi thu thập được những thông tin về Triều Tiên. Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden đã gọi Triều Tiên là “mục tiêu tình báo khó khăn nhất trên hành tinh này”. Nếu không có thông tin tình báo, Washington sẽ không thể hoàn toàn loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng, vốn có khả năng nhắm vào vùng lãnh thổ của Mỹ.
Nếu chiến tranh xảy ra?
Đối với Hàn Quốc, chi phí và hậu quả chiến tranh là yếu tố quan trọng. Ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hàn Quốc đưa ra năm 2014 cho thấy, việc thống nhất đất nước có thể lên tới 9.200 tỷ USD trong 45 năm.
Kuyoun Chung, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho biết: “Các thế hệ trẻ chưa trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên và không thấy được sự cần thiết phải thống nhất, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế”. Các cuộc thăm dò ý kiến trước cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Hàn Quốc cho thấy, phần lớn cử tri lo lắng về công việc và nền kinh tế nhiều hơn mối quan hệ với Triều Tiên.
Triều Tiên luôn tự tin sẽ chiến thắng nếu chiến tranh xảy ra. Nhưng ngay cả khi Mỹ và Hàn có thể nhanh chóng đánh bại Triều Tiên, sẽ có một loạt các hậu quả kinh khủng. Vật liệu hạt nhân của Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ kém an toàn hơn và có thể rơi vào tay kẻ xấu. Mâu thuẫn có thể gây ra cuộc khủng hoảng người tị nạn. Và thay đổi trong cân bằng quyền lực của khu vực có thể gây ra “hiện tượng domino” gây bất ổn khu vực. “Hệ quả sẽ rất thảm khốc và có thể gây ra một cuộc chạy đua nguy hiểm giữa Trung Quốc và các lực lượng Mỹ-Hàn”.
Bắc Kinh cũng có những lợi ích về địa chính trị và kinh tế trong ván cờ này và lo ngại một cuộc chiến tranh có thể sẽ khiến chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-Un sụp đổ. Trung Quốc xem Triều Tiên là một vùng đệm chiến lược giữa chính nó và liên minh Mỹ-Hàn. Nếu Triều Tiên sụp đổ, sẽ dẫn đến một Hàn Quốc thống nhất với Mỹ, với quân đội Mỹ ngay trên biên giới Trung Quốc.
KHẢ ANH