Vì sao nhiều dự án trọng điểm ở Liên Chiểu và Hòa Vang bị chậm tiến độ?
Ông Nguyễn Đăng Huy - Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu:
Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong công tác ĐBGT, GPMB của quận hiện nay là đối với các hộ giải tỏa làm nhà ở trên đất không phải là đất ở, theo quy định không được bồi thường về đất và không được giải quyết bố trí đất tái định cư (TĐC) nên các hộ giải tỏa này chưa thống nhất chấp hành bàn giao mặt bằng. Tiếp đến, trong quá trình thực hiện công tác ĐBGT, GPMB có rất nhiều trường hợp có giá trị bồi thường về đất rất thấp, trong khi đó, giá đất TĐC cao nên các hộ giải tỏa không đủ tiền để nộp tiền sử dụng đất cho lô đất TĐC được bố trí và chi phí xây dựng nhà ở, từ đó, họ không chấp hành chủ trương giải tỏa của Nhà nước.
Bên cạnh đó, hiện trên địa bàn quận còn một số dự án đã kéo dài trong nhiều năm dẫn đến giá đền bù về đất, nhà cửa, vật kiến trúc không còn phù hợp với giá thị trường hiện nay, do vậy, các hộ giải tỏa kiến nghị xem xét lại giá đền bù bị trượt giá cũng ảnh hưởng đến công tác GPMB… Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận người dân sử dụng đất bị ảnh hưởng dự án mặc dù đã được giải quyết bảo đảm theo đúng quy định, đầy đủ quyền lợi nhưng vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành bàn giao mặt bằng, làm chậm tiến độ GPMB triển khai dự án. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác này, quận đề nghị UBND TP sớm có chủ trương thực hiện đối với việc hỗ trợ suất TĐC tối thiểu để hỗ trợ cho người dân một phần trong việc nộp tiền sử dụng đất và đảm bảo cho các hộ dân được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật.
Đối với các dự án mới triển khai, đề xuất UBND TP xây dựng quy trình bồi thường sát với giá đất thị trường theo Luật Đất đai đã quy định để tránh áp lực về quỹ đất TĐC để bố trí TĐC, đồng thời giảm bớt khiếu nại, khiếu kiện của người dân về giá đất bồi thường và chính sách TĐC; đối với các dự án cũ hiện còn một ít hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng, trên cơ sở đề xuất của quận về việc giải quyết cho từng hộ dân cụ thể, kiến nghị UBND TP cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thực tế từng trường hợp cụ thể và tổ chức tiếp dân để giải quyết dứt điểm các trường hợp này nhằm hoàn thành công tác GPMB. Về phía quận sẽ thành lập các tổ vận động giải tỏa đối với từng dự án mà thành phần tham gia từ quận đến phường và xây dựng kế hoạch vận động cụ thể để thường xuyên xuống từng nhà dân nhằm tuyên truyền, giải thích chủ trương giải tỏa của Nhà nước để người dân hiểu và nắm bắt rõ hơn, nhất là về quyền lợi và nghĩa vụ của mình để chủ động bàn giao mặt bằng; đối với các trường hợp vẫn cố tình chây ỳ không thực hiện giải tỏa mặc dù đã được giải quyết bồi thường, hỗ trợ bảo đảm theo đúng quy định, đầy đủ quyền lợi, quận sẽ tiến hành cưỡng chế để thu hồi mặt bằng...
Ông Phan Văn Tôn- Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang:
Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC một số dự án trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ GPMB như: chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, còn bất cập, chưa đồng bộ; thiếu quỹ đất TĐC thực tế để bố trí TĐC cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, quỹ đất di dời mồ mả; công tác đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất còn chậm… Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trên địa bàn Hòa Vang trong thời gian đến, huyện kiến nghị cần xem xét lại mức bồi thường đất nông nghiệp vì hiện mức bồi thường đất nông nghiệp của TP thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành khác; do đó, UBND TP cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sớm xây dựng giá đất nông nghiệp tiệm cận với giá thị trường. Về vấn đề di dời mồ mả, hiện nay, thực trạng quỹ đất nghĩa địa phục vụ việc di dời mồ mả trên địa bàn TP ngày càng ít, do vậy, UBND TP cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu giải pháp để khắc phục vấn đề này trong thời gian tới, ví dụ như tuyên truyền, vận động người dân thực hiện văn hóa hỏa thiêu khi có người thân qua đời, thực hiện xã hội hóa nghĩa địa, nghĩa trang…
Hiện nhiều dự án đang triển khai trên địa bàn Hòa Vang không thực hiện được việc GPMB mà nguyên nhân chính là do không có khu TĐC để bố trí TĐC cho người dân, trong khi đó, trên địa bàn huyện không có nhà cho thuê nên việc thuê nhà ở tạm trong thời gian chờ bố trí đất TĐC là rất khó khăn. Do vậy, huyện đề xuất UBND TP chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, điều hành dự án cần phải có phương án trình phê duyệt quy hoạch và xây dựng khu TĐC trước khi được phê duyệt quy hoạch dự án triển khai, đồng thời phê duyệt giá đất TĐC ngay sau khi hoàn thành khu TĐC nhằm giảm áp lực nợ đất TĐC và tạo điều kiện cho công tác ĐBGT, GPMB dự án được thuận lợi. Ngoài ra, hiện nay, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Đà Nẵng (Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện công tác đo đạc các thửa đất giải tỏa thuộc các dự án trên địa bàn Hòa Vang còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ ĐBGT, GPMB. Do đó, cần sớm xã hội hóa lĩnh vực đo đạc để hỗ trợ Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Đà Nẵng làm tốt nhiệm vụ này, đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đo đạc thửa đất, xây dựng bộ thủ tục hành chính về đo đạc bản đồ để phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị….
PHÚ NAM (thực hiện)