Vì sao phương Tây phải cứu đồng rouble?

Thứ bảy, 20/12/2014 10:00

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18-12 (19-12, giờ Việt Nam) ký ban hành dự luật "Hành động ủng hộ tự do tại Ukraine", trong đó có việc áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Nhà Trắng loại trừ tiến hành những bước đi bổ sung, tức là không có ý định áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới ngay trong lúc này.

Xem ra, đây là bước đi khá khôn ngoan của ông Obama, vừa có thể giảm áp lực từ các nghị sĩ Quốc hội đòi ông ký dự luật này sớm, vừa có thể ve vuốt Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang khốn đốn trong bối cảnh đồng rouble đang xuống thấp kỷ lục.

Quyết định này thật sự có thể xoa dịu Nga bởi nó được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một trong những nhân tố quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo ông chủ Điện Kremlin, ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt này chiếm từ 25-30% trong cuộc khủng hoảng ở Nga.

Tuyên bố này cho thấy, thực tế, đã đến lúc phương Tây cần ra tay cứu đồng rouble thay vì gia tăng trừng phạt vì nhiều lý do.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng ở Nga có thể gây ra hiện tượng domino khắp phương Tây. Hiện, các tập toàn lớn ở phương Tây đang hứng chịu đòn đau chí mạng do đồng rouble xuống thấp và giá dầu giảm mạnh. Những diễn biến xấu này đóng sập nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng. Nếu giá dầu không phục hồi, GDP của Nga được dự đoán sẽ giảm gần 5% trong năm tới. Đó là tin xấu đối với nhiều Cty phương Tây làm ăn với Nga.

Sự sụp đổ tiền tệ đang khiến Nga khốn đốn. Nhưng cuối cùng, giao dịch tiêu dùng của nhiều nhãn hiệu tiêu dùng lớn ở phương Tây cũng sẽ chậm lại. Và sự mất giá của đồng rouble nhắc nhở các Cty như IKEA, GM, Apple… cần phải tạm đóng cửa một số chi nhánh ở Nga.

Một số thương hiệu bị ảnh hưởng lớn hiện nay ở phương Tây gồm có Tập đoàn Ford của Mỹ, gã khổng lồ xe hơi Volkswagen của Đức. Ngoài các tập đoàn ô-tô, các tập đoàn thời trang, dầu mỏ, thực phẩm, nước ngọt, bia… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như Carlsberg (Đan Mạch); Adidas (Đức); BP (Anh); ExxonMobil (Mỹ); McDonald (Mỹ); Siemens (Đức)…

Thứ hai, một sự leo thang của khủng hoảng tài chính ở Nga có thể sẽ khiến các ngân hàng phương Tây, nhất là Châu Âu đau đầu. Bởi lẽ khi đó Moscow sẽ không có đủ khả năng trả tiền đi vay các ngân hàng. Tính đến cuối tháng 6, các ngân hàng Châu Âu cho Nga vay 155,9 tỷ USD.

Con số này chiếm khoảng 1% tổng dư nợ của các ngân hàng Châu Âu. Các ngân hàng Pháp cho vay nhiều nhất với 47,8 tỷ USD, tiếp theo là Italia với 27,7 tỷ USD. Trong khi đó, các ngân hàng Mỹ cho vay tương đối khiêm tốn, chỉ ở mức 26,1 tỷ USD.

Thứ ba, nếu không chung tay kéo Nga ra khỏi khủng hoảng, nền kinh tế thế giới có nguy cơ hứng chịu thảm kịch tương tự như năm 2008.

Thanh Văn