Vị thế trung lập và trung gian

Thứ bảy, 23/01/2016 09:36

(Cadn.com.vn) - Tại sao Pakistan rất quan tâm đến nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Iran và Saudi Arabia? Rất đơn giản, Pakistan cần một thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia để tránh nguy cơ bùng nổ xung đột giáo phái ở trong nước trong bối cảnh nước này đang đối mặt với quá nhiều thách thức về an ninh.

Tuần qua là thời điểm đặc biệt thú vị cho ngoại giao Pakistan. Trong động thái hiếm hoi, cả Thủ tướng Nawaz Sharif và Tư lệnh quân đội Raheel Sharif cùng có chuyến công du đến Saudi Arabia và Iran, trong những gì được coi là nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa hai gã khổng lồ Trung Đông. Thủ tướng Sharif đã đề xuất đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán giữa Iran và Saudi Arabia trong cuộc gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tehran và cuộc hội đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman ở Riyadh.

Islamabad đang thử nghiệm ngoại giao con thoi trong khu vực Trung Đông. Sau cuộc họp với Tổng thống Iran, Thủ tướng Nawaz nói với báo chí rằng, “Pakistan đã chuyển tải được những mối quan tâm của Saudi Arabia cho Iran, và cũng đã chuyển tải những lo ngại của Iran đến với Saudi Arabia”. Cho đến nay, không ai biết nội dung đằng sau cánh cửa đóng kín ở Tehran hay Riyadh – mà chỉ biết rằng, cả hai bên đều mong muốn làm việc với Pakistan. Cả Iran và Saudi Arabia, theo thông báo của Pakistan, sẽ cử đặc phái viên gặp gỡ với “người hòa giải” của Pakistan về vấn đề này.

Pakistan có mối quan hệ lịch sử và ngoại giao thắt chặt với Saudi Arabia, nhưng có chung biên giới với Iran. Và Islamabad có mối quan hệ rất tốt đẹp với cả Riyadh và Tehran. Bởi thực tế, Pakistan dường như đứng thế “trung lập” trong vấn đề người Sunni và Shitte. Vai trò của Pakistan trong việc phân chia phe phái Arab - Iran ở Trung Đông không hoàn toàn rõ ràng. Đây là một nhà nước Hồi giáo Sunni chiếm đa số. Tuy nhiên, dân số Shitte cũng rất lớn và là quốc gia có số người Shitte lớn thứ hai trong số các quốc gia Hồi giáo, chỉ sau Iran.

Đối với Islamabad, duy trì mối quan hệ tốt với cả Riyadh và Tehran là vấn đề ưu tiên với những lý do hoàn toàn khác nhau. Nhưng nhiều người vẫn bất ngờ khi Pakistan rất hăm hở với nỗ lực định vị mình như một nhà trung gian hòa giải “trung thực” cho Iran và Saudi Arabia. Rõ ràng, chính phủ Thủ tướng Sharif đang đánh canh bạc lớn trong ý tưởng rằng, họ có thể làm trung gian đàm phán giữa 2 gã khổng lồ Trung Đông đang bị lôi kéo vào các tranh chấp địa chính trị đầy bế tắc.

Nhiều người cho rằng, động lực để Pakistan thực hiện sáng kiến ngoại giao này là mối quan tâm về cuộc chiến chống khủng bố. “Chúng tôi đang chiến đấu với kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta phải cùng nhau chiến đấu và đánh bại mối đe dọa này chứ không thể chiến đấu một cách riêng biệt”, phía Pakistan tuyên bố. Nhưng có lẽ, lý do quan trọng nhất để Pakistan “cần phải hành động” là tránh nguy cơ đấu tranh phe phái ở trong nước. Bạo lực đối với cộng đồng Shitte ở Pakistan đã gia tăng dưới bàn tay của nhóm cực đoan Taliban và Deobandi. Trong khi đó, một số phe phái ở Pakistan rất khó chịu khi nhìn thấy ảnh hưởng gia tăng của Iran đối với người Shitte ở trong nước. Thực tế rõ ràng, một cuộc chiến giữa Iran và Saudi Arabia sẽ gây ảnh hưởng nặng nề cho Pakistan và các nước trong khu vực.

Nỗ lực ngoại giao con thoi của Islamabad cho thấy, cả Riyadh và Tehran đang được kéo dần vào con đường này. Nhưng thật không may, căng thẳng Tehran- Riyadh cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nhưng nhiều người đang hy vọng, thời gian sắp tới sẽ giúp trả lời câu hỏi liệu quyết định làm trung gian hòa giải của Pakistan có thành công hay không.

Thanh Văn