Viết tiếp chuyện “hậu thủy điện” (5)
* Kỳ cuối: NHIỀU BÀI TOÁN ĐẶT RA CẦN LỜI GIẢI
(Cadn.com.vn) - Quy hoạch thủy điện của tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đợt điều chỉnh, song số lượng trong quy hoạch vẫn còn quá lớn, mật độ quá dày... và tác động xấu đến môi trường, xã hội. Đặc biệt, các sự cố thủy điện xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua như rò rỉ nước, động đất, xả lũ, “chuyển nước” gây khô hạn vùng hạ lưu... đặt ra cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương nhiều bài toán cần giải càng sớm càng tốt.
BÀI TOÁN HẬU TĐC, THOÁT NGHÈO…
Theo ông Lê Văn Huệ, Phó phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương) tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam hiện có 42 dự án thủy điện (DATĐ) thuộc quy hoạch, trong đó có 22 DA đã hoàn thành hoặc đang triển khai xây dựng. 22 DA này ảnh hưởng đến khoảng 3.200 hộ với gần 15.000 nhân khẩu; trong đó 1.736 hộ dân phải di dời, tái định cư (TĐC) nơi ở mới do bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Việc phải di dời, TĐC một lượng lớn hộ dân phát sinh hàng loạt các vấn đề khác…
Ông Trần Văn Tẩn, Chánh văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho hay, qua công tác kiểm tra thực tế tại các khu TĐC ở Phước Sơn, Bắc Trà My, Đông Giang…, cho thấy đời sống người dân ở các khu TĐC còn gặp rất nhiều khó khăn. Các khu TĐC quy hoạch chưa hợp lý như bố trí TĐC vào các khu vực rừng phòng hộ, không bố trí đủ đất sản xuất cho người dân. Ngoài việc phải mất rừng để xây dựng các khu TĐC thì việc người dân phải chuyển đến nơi ở mới thiếu đất sản xuất, đất đai xấu hơn, sản xuất không ổn định, không có chỗ để xây dựng chuồng trại chăn nuôi… dẫn đến việc rừng tiếp tục bị xâm hại.
Ông Tẩn nêu hàng loạt bất cập về hậu TĐC ở DATĐ: “Tại một DATĐ, việc xây dựng nhà TĐC chất lượng không đảm bảo, không phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương nên người dân ít sử dụng nhà mà phải khai thác gỗ xây dựng lại nhà cửa mới để ở, gây lãng phí và mất rừng rất nhiều. Phần lớn người bị thu hồi đất có trình độ học vấn thấp, hoặc đã lớn tuổi nên việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề; kể cả việc tuyển dụng vào làm tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.
Chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm còn nhiều nan giải, thiếu tính đa dạng, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và tập quán của người dân. Tính công khai, dân chủ trong tổ chức thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và TĐC tại một số địa phương chưa đảm bảo theo quy trình, quy định. Chưa tổ chức được nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời xử lý những vướng mắc, giải quyết tâm tư và bức xúc của nhân dân trong vùng thực hiện dự án”. Đó là chưa kể phát triển TĐ còn ảnh hưởng đến việc chiếm đất, mất rừng; tác động đến hệ sinh thái dưới nước, trên cạn… Đặc biệt là tác động do sự cố công trình hoặc quy trình vận hành hồ đập chưa phù hợp.
Đất sản xuất cằn cỗi tại khu TĐC Pache Palanh (Đông Giang, Quảng Nam). |
NGUY CƠ VỠ ĐẬP, NGẬP LỤT Ở HẠ DU…
Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ (GS,TS) Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, Trưởng Bộ môn Cơ sở kỹ thuật Thủy lợi (Khoa Xây dựng thủy lợi, thủy điện, Trường ĐHBK Đà Nẵng) cho rằng: Bất kỳ một công trình thủy lợi, thủy điện nào cũng có “sức khỏe, tuổi thọ” của nó, không ai dám khẳng định nó an toàn tuyệt đối trước mọi điều kiện, hoàn cảnh. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, các yếu tố khí tượng thủy văn có nhiều thay đổi theo chiều hướng bất lợi, trong khi đó các công trình TĐ sử dụng tài liệu khí tượng thủy văn trước đây để tính toán.
Nếu gặp các trận lũ lớn nhất, không ai dám khẳng định các công trình không bị sự cố vỡ đập, và hậu quả sẽ khôn lường nếu điều đó xảy ra. Đây là vấn đề chưa được các chủ đập quan tâm, đánh giá đúng mức. Có một thực tế hiện nay là các hồ TĐ hầu hết tích trữ nước sớm nhằm tăng hiệu quả phát điện, vì vậy khi vào lũ chính vụ, các hồ hầu như xả lũ với lưu lượng nước xả đi bằng nước bổ sung vào lòng hồ, vì vậy hồ không còn chức năng giảm lũ, cắt lũ cho hạ du…
Theo khảo sát của Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy địa chất cắt ngang. Vì vậy, việc xây dựng các hồ TĐ có dung tích chứa nước lớn sẽ gây nên động đất kích thích. Thực tế cho thấy khu vực hồ TĐ Sông Tranh 2 trong năm 2012 đã xảy ra 75 cơn dư chấn (cơn lớn nhất 4,7 độ Richter) gây nứt nẻ hư hỏng hơn 1.600 nhà dân và trụ sở cơ quan, trường học, tư tưởng nhân dân luôn ở trong tình trạng hoang mang, lo sợ.
Đập thủy điện Sông Tranh 2, nơi xảy ra nhiều di chấn động đất làm người dân hoang mang. |
GIẢI PHÁP NÀO?
Ông Lê Văn Huệ cho rằng, quy hoạch TĐ tại Quảng Nam đã được các ngành chức năng rà đi soát lại nhiều lần cho thấy, về cơ bản phù hợp với nguồn thủy năng của tỉnh. Vấn đề còn lại là vận hành như thế nào có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, trong đó đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 72 về công tác quản lý an toàn đập cho phù hợp, tăng cường bố trí thêm các thiết bị quan trắc…
“Việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch TĐ là công việc cần thực hiện thường xuyên. Trong đó, kiên quyết loại bỏ những công trình có hiệu quả kinh tế thấp, tác động xấu đến môi trường nhiều, nhất là các TĐ có quy mô nhỏ. Việc quy hoạch TĐ phải được xem xét thấu đáo, lồng ghép phù hợp với các quy hoạch KT-XH của địa phương nhằm tránh mâu thuẫn về lợi ích trong quá trình khai thác, vận hành, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân vùng hạ du”, ông Huệ nói. Về quy trình vận hành các hồ TĐ bậc thang, theo ông Huệ cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp với yêu cầu vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa phát huy hiệu quả phát điện, vừa phải đảm bảo giảm lũ và đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân vùng hạ du...
Liên quan đến công tác di dân, TĐC, ông Huỳnh Ngọc Thiện, Trưởng phòng NN&PTNT H. Bắc Trà My (Quảng Nam) đề nghị tăng cường công tác vận động tuyên truyền, lấy ý kiến một cách đầy đủ, cụ thể hơn nữa của nhân dân trong quá trình thực hiện công tác di dân, TĐC; không nên chỉ lấy ý kiến của chính quyền cấp huyện, xã, thôn để áp đặt yêu cầu của người dân. Khảo sát, mở rộng diện tích đất sản xuất cấp cho nhân dân, tránh tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ con giống, cây giống và hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp để ổn định đời sống.
Các chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện tái định canh, định cư nhằm nhanh chóng khắc phục những vướng mắc, tồn tại sau khi thực hiện. Gắn trách nhiệm lâu dài của các chủ đầu tư với đời sống nhân dân trong vùng dự án… Đặc biệt, Chính phủ cần có cơ chế chính sách chia sẻ lợi ích lợi nhuận khi khai thác công trình TĐ cho địa phương, để địa phương có nguồn quỹ chủ động khắc phục những công trình TĐC đã xây dựng bị hư hỏng, xuống cấp và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Chủ DA lập quỹ phục hồi thu nhập sau TĐC nhằm hỗ trợ cho người dân trong thời gian dài từ 5 - 10 năm.
GS-TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có 10 DATĐ bậc thang. Nếu chỉ một công trình xảy ra sự cố vỡ đập sẽ kéo theo vỡ đập liên hoàn, thảm họa sẽ vô cùng lớn. Vì vậy việc xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập TĐ là hết sức cần thiết nhằm giúp cho địa phương chủ động ứng phó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân vùng hạ du. Đây là bài toán hết sức phức tạp, đòi hỏi phải được tính toán kỹ lưỡng và sớm triển khai thực hiện…
Phóng sự: Doãn Hùng
Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc với tỉnh Quảng Nam về thủy điện Ngày 6-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Quảng Nam hiện có 42 DATĐ, với tổng công suất hơn 1.583MW trong đó, có 7/10 DATĐ bậc thang thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành phát điện; 3 dự án đang trong giai đoạn thi công. Ngoài ra còn có 32 DATĐ vừa và nhỏ, trong đó có 9 dự án đã phát điện. Quảng Nam cũng đã phê duyệt quy trình vận hành 18 hồ chứa. Ngoài kiến nghị liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Quảng Nam kiến nghị với đoàn một số vấn đề liên quan đến Dự án Khí - Điện, dự án cáp ngầm cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù lao Chàm; việc điều chỉnh quy hoạch cấp điện cho H. Phước Sơn; dự án điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013 -2020 và vấn đề đầu tư phát triển các cụm công nghiệp. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý địa phương tiếp tục có chỉ đạo sát sao đến vấn đề vận hành liên hồ chứa; tăng cường công tác kiểm tra an toàn hồ đập, thực hiện quy chế vận hành liên hồ, quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước, hạn chế đến mức thấp nhất tác động ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường và dân sinh. Th. Hà |