Vĩnh biệt ông, Lý Quang Diệu!
Những câu nói bất hủ làm nên Lý Quang Diệu “Đừng biến “không” thành “có”. Đừng là một thằng hề. Nếu có lý do chính đáng giải thích tại sao lại là “không” thì phải giữ câu trả lời “không”, nhưng phải nói ra một cách lịch sự", bài nói chuyện của ông Lý với các công chức vào tháng 9-1965. “Điều tôi lo sợ là tính tự mãn. Khi mọi thứ trở nên tốt hơn, mọi người có xu hướng muốn làm ít hơn”, ông Lý phát biểu tháng 6-1970. “Tôi thường bị cáo buộc là can thiệp vào cuộc sống riêng tư của dân chúng. Vâng, nếu tôi không làm việc đó, chúng ta chẳng có được ngày hôm nay”, tờ Straits Times dẫn lời ông Lý Quang Diệu nói vào tháng 4-1987. |
(Cadn.com.vn) - Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã qua đời ở tuổi 92 vào hôm 23-3. Người dân Singapore đã mãi mãi mất đi một nhà lãnh đạo tài ba xuất chúng, một người cha yêu dân như con và một trái tim quả cảm. Đối với họ, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn luôn sống mãi.
Hàng triệu người dân Singapore đã bật khóc nức nở khi đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố xác nhận tin cha ông, vị Thủ tướng đầu tiên của đất nước, ông Lý Quang Diệu từ trần.
AP dẫn lời đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long bày tỏ “sự đau buồn sâu sắc” khi công bố sự ra đi của người cha 92 tuổi. Ông Lý Hiển Long cũng tuyên bố quốc tang 7 ngày, từ 23 đến 29-3, để tưởng nhớ vị khai quốc công thần của Singapore. Lễ viếng sẽ diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội Singapore bắt đầu từ 10 giờ đến 20 giờ hàng ngày từ 25 đến 28-3. Lễ tang cấp nhà nước sẽ được cử hành vào 14 giờ ngày 29-3.
Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ảnh: AFP |
Tiễn biệt người cha già vĩ đại
Thủ tướng Lý Hiển Long cố gắng ngăn những giọt nước mắt khi phát biểu trực tiếp trên truyền hình trước người dân cả nước.
Việt Nam gửi điện chia buồn Singapore Được tin Ngài Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore từ trần, ngày 23-3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn đến Ngài Lý Hiển Long, Tổng Thư ký đảng Hành động Nhân dân Singapore kiêm Thủ tướng Singapore. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn tới Ngài Tony Tan Keng Yam, Tổng thống Singapore. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đến Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội ký vào sổ tang chia buồn. Thủ tướng viết: “Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này”. |
Nói bằng tiếng Malay, tiếng Trung và tiếng Anh, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố, ông Lý Quang Diệu đã xây dựng một quốc gia và làm nên một bản sắc dân tộc Singapore tự hào. “Chúng ta sẽ không còn được nhìn thấy một người như ông. Đối với nhiều người Singapore và những người khác, ông Lý Quang Diệu là Singapore”, ông nói. Thật sự, người dân Singapore đã dành cho ông sự tiếc thương đối với một người cha. Khi xe tang chở thi thể ông Lý đi qua, hàng ngàn người thét lên “ông Lý Quang Diệu” và rơi nước mắt. Những giọt nước mắt lăn dài trên má, mang ý nghĩa sâu sắc về một sự mất mát quá lớn.
Nhiều người thầm cảm ơn ông về chính sách cấp nhà ở trợ cấp cho người dân nghèo. “Ông ấy là thần tượng của tôi”, bà nội trợ 55 tuổi Lua Su Yean nói, đứng gần màn hình chiếu cảnh người dân đặt vòng hoa trước Bệnh viện Đa khoa Singapore, nơi ông Lý ở vào những tuần cuối cùng của cuộc đời mình. Bà cho biết cảm thấy “tim đau nhói” khi nghe tin và ngay lập tức chạy đến bệnh viện.
Tại văn phòng Thủ tướng Singapore, người người đến viếng ông Lý Quang Diệu. Họ mang theo hoa và viết những lời chia buồn trên những tấm thiệp.
Cả thế giới tiếc thương
Ông Lý Quang Diệu là một trong những vị chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn và nổi danh trên toàn thế giới khi có công biến Singapore từ thuộc địa đầy đầm lầy thành trung tâm tài chính thịnh vượng, ổn định và thúc đẩy hợp tác giữa các nước Châu Á.
Vì thế, không chỉ người dân Singapore, cả thế giới đều tiếc thương tưởng nhớ đến ông Lý như là một “người khổng lồ” chính trị. Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi lời chia buồn “sâu sắc nhất” đến nhân dân Singapore. “Ông Lý Quang Diệu là nhân vật vĩ đại đích thực của lịch sử, người sẽ được nhiều thế hệ nhớ tới như là cha đẻ của đất nước Singapore hiện đại và là một trong những chiến lược gia vĩ đại về các vấn đề Châu Á”, tuyên bố của ông Obama nhấn mạnh. Ông chủ Nhà Trắng cũng bày tỏ lời cảm ơn và sự ngưỡng mộ ông Lý khi các cuộc thảo luận với ông trong năm 2009 là “cực kỳ quan trọng” trong việc giúp ông xây dựng chính sách tái cân bằng của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Người dân đặt hoa tưởng nhớ ông Lý Quang Diệu ở bên ngoài Dinh Tổng thống. Ảnh: EFE |
Trung Quốc cũng bày tỏ sự tiếc thương trước việc cựu Thủ tướng Singapore qua đời, đồng thời ca ngợi ông là chính khách có tầm ảnh hưởng “có một không hai” ở Châu Á. Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ sự tiếc thương đối với vị khai quốc công thần của Singapore, ca ngợi ông là “nhà lãnh đạo vĩ đại” của Châu Á. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon cũng bày tỏ nỗi buồn sâu sắc trước sự ra đi của ông Lý và cho rằng, ông là “nhân vật huyền thoại của Châu Á, nhận được sự tôn trọng rộng rãi vì sự lãnh đạo mạnh mẽ và tài quản lý nhà nước”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi ông Lý Quang Diệu là “sư tử giữa các nhà lãnh đạo” trong bài viết trên Twitter trong khi Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định: “Vị thế của ông trong lịch sử được đảm bảo, như một nhà lãnh đạo và là một trong những chính khách lỗi lạc nhất của thế giới hiện đại”...
Khả Anh