Vụ đánh bom Bangkok: Thái Lan truy nã thêm 2 nghi phạm

Thứ ba, 01/09/2015 09:38

(Cadn.com.vn) - Cảnh sát Thái Lan ngày 31-8 bất ngờ tuyên bố thu hẹp phạm vi săn lùng những kẻ đứng sau vụ đánh bom đền Erawan ở thủ đô Bangkok sau khi có thêm 2 nghi phạm mới bị truy nã.

AFP dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Thái Lan xác nhận, tòa án nước này phát lệnh truy nã 2 nghi phạm mới liên quan đến vụ đánh bom đẫm máu gần đền Erawan và vụ nổ bom sau đó 1 ngày tại bến tàu Saphan Taksin.

Cảnh sát khám xét ngôi nhà nơi hai nghi phạm mới bị truy nã sinh sống. Ảnh: AFP

BẤT NGỜ THU HẸP PHẠM VI SĂN LÙNG

Hai nghi phạm mới bị truy nã sau khi lực lượng cảnh sát khám xét một căn hộ ở huyện Min Buri, ngoại ô Bangkok, trong đó phát hiện nhiều thiết bị chế tạo bom như phân bón hóa học, chất nổ, đồng hồ và dây điện...

Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Prawuth Thavornsiri cho rằng, hai nghi phạm - gồm một phụ nữ Thái Lan 26 tuổi tên Wanna Suansan và một người đàn ông không rõ danh tính - đều thuộc mạng lưới thực hiện vụ đánh bom Bangkok. Theo ông, ngôi nhà bị khám xét chính là nơi ẩn náu của mạng lưới này. “Chúng tôi tin rằng, họ cùng một nhóm”, ông Prawut nói. Trong chương trình phát sóng trên truyền hình, ông Prawut công bố ảnh của nữ nghi phạm người Thái cho thấy, cô ta mang khăn trùm đầu màu đen theo kiểu người Hồi giáo. Cô ta còn được gọi bằng cái tên Hồi giáo là Misaloh. Đây là lần đầu tiên, một nghi can trong vụ đánh bom đẫm máu được xác định danh tính và quốc tịch. Trong khi đó, bức ảnh phác họa người đàn ông sống cùng nữ nghi phạm trên cũng đã được công bố. Cảnh sát cho biết họ đang làm việc với “một số đại sứ quán” để cố gắng xác định danh tính của người đàn ông đang bị giam giữ.

Việc phát hiện thêm 2 nghi phạm này khiến cảnh sát Thái Lan quyết định thu hẹp phạm vi săn lùng. Cảnh sát trước đó đã ra lệnh truy nã 2 người đàn ông khác được cho là đã gài các thiết bị nổ tại đền Erawan và bến tàu Saphan Taksin. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 2 tuần sau vụ tấn công kinh hoàng, cảnh sát mới bắt giữ 1 người mang hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ tên Adem Karadag với tội danh sở hữu trái phép vật liệu chế tạo bom. Trong khi đó, động cơ gây án vẫn còn là một bí ẩn. Nghi ngờ xen lẫn, giữa các đối thủ chính trị ở Thái Lan, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, các chiến binh Hồi giáo cực đoan và các phiến quân trong cuộc xung đột tàn phá miền nam của quốc gia Chùa Vàng.

MÂU THUẪN GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ CẢNH SÁT

Thách thức đặt ra là vẫn chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công, vụ việc vốn đang khiến chính quyền quân sự cầm quyền mâu thuẫn với lực lượng cảnh sát. Giới chức chính quyền liên tục cho rằng, cuộc tấn công này là kế hoạch của những kẻ khủng bố quốc tế, nhắm mục tiêu du khách Trung Quốc nhằm làm tổn hại nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát đưa ra khả năng, nghi phạm bị bắt giữ là thành viên của nhóm tội phạm buôn người trái phép - và rằng vụ đánh bom đền thờ là nhằm mục đích trả đũa cuộc trấn áp gần đây của Bangkok vào các nhóm buôn người.

Nhưng một số nhà phân tích phản bác lý thuyết này. “Nếu có liên quan đến tội phạm có tổ chức, động cơ lợi nhuận ở đâu? Làm thế nào mà việc giết chết 20 thường dân vô tội có thể giúp cho các băng đảng thu lợi nhuận”, Zachary Abuza, chuyên gia về các nhóm chiến binh Đông Nam Á, nhận định. Các nhà phân tích hiện hầu hết đều cho rằng, động cơ đánh bom ở đây là để trả thù việc Thái Lan trục xuất những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc.

Khả Anh

Cựu Thủ tướng Yingluck ra trình diện

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hôm 31-8 ra trình diện Tòa án Tối cao nhằm xem xét lại bằng chứng trong vụ kiện liên quan chương trình trợ giá gạo vốn gây thất thoát hàng tỷ USD và có thể khiến bà phải ngồi tù. “Mọi bằng chứng vẫn chưa được xem xét lại... Hôm nay, chúng ta được nghe về việc này và hy vọng sẽ có công bằng”, Asiaone dẫn lời bà Yingluck phát biểu trước báo giới.