Vũ khí hóa học Syria đến từ đâu?

Thứ sáu, 07/04/2017 10:10

(Cadn.com.vn) - Những hình ảnh khủng khiếp cho thấy người dân - kể cả trẻ em - đang cố gắng thở, sùi bọt mép sau cuộc không kích vào thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib do phe nổi dậy kiểm soát ở tây bắc Syria hôm 4-4 khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ. Quân đội Syria bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) và đổ lỗi cho phe nổi dậy về vụ tàn sát khiến hơn 70 người thiệt mạng. Nga cho rằng cuộc không kích của quân đội Syria nhằm vào  một kho vũ khí của "khủng bố" khiến chất độc bị phát tán.

Quân đội Syria có chất độc thần kinh?

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết đã loại bỏ kho VKHH, nhưng khẳng định này vẫn chưa thuyết phục.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin của Mỹ, trước khi nội chiến nổ ra vào năm 2011, Syria đã có các cơ sở nghiên cứu và sản xuất ở Damascus, Aleppo, Homs, Latakia và Hama, sản xuất hàng trăm tấn chất hóa học mỗi năm. Theo Tổ chức Quốc tế về Cấm VKHH (OPCW), Syria chưa ký Hiệp ước VKHH về việc không sử dụng khí độc, nhưng đã ký Nghị định thư Geneva năm 1925 cấm sử dụng chất hóa học và vi khuẩn trong chiến tranh.

Các chuyên gia OPCW đã đưa ra "bằng chứng rõ ràng và thuyết phục" rằng Sarin đã được bắn ra từ các tên lửa đất đối đất "trên một diện tích tương đối lớn" ở khu vực Ghouta của Damascus vào tháng 8-2013. Không lâu sau đó, Syria đã đồng ý với đề xuất của Nga loại bỏ các kho VKHH. Từ tháng 10-2013, OPCW giám sát việc phá hủy các kho VKHH của Syria.

Triệu chứng của các nạn nhân cho thấy họ bị nhiễm chất độc thần kinh Sarin. Ảnh: CNN

Quân nổi dậy có VKHH?

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố cuộc không kích của quân đội Syria đã trúng một kho sản xuất vũ khí ở vùng ngoại ô phía đông Khan Sheikhoun và "những kẻ khủng bố đã vận chuyển bom, đạn dược từ kho vũ khí lớn nhất này đến lãnh thổ Iraq".

Thứ trưởng Ngoại giao Syria, Fayssal Mikdad cho biết đã báo cáo với OPCW và LHQ rằng trong vài tuần gần đây, nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra vận chuyển các chất độc vào Syria. Tuy nhiên, Dan Kaszeta, một chuyên gia VKHH cho rằng, việc này "không khả thi". Theo ông Kaszeta, tất cả các chất độc thần kinh được sử dụng trong cuộc xung đột tại Syria cho đến nay là các chất nhị phân, được trộn lẫn từ các thành phần khác nhau và chỉ có hạn sử dụng trong vài ngày. "Các chất độc thần kinh là kết quả của quá trình sản xuất công nghiệp tốn kém", ông cho biết. Theo ông, phe nổi dậy Syria khó có thể xây dựng chuỗi cung ứng bí mật để chế tạo chất độc thần kinh và sau đó cất giữ nó trong nhà kho.

Chất độc gì?

Hiện chưa xác nhận chất độc nào gây ra vụ tàn sát trên, nhưng triệu chứng của các nạn nhân cho thấy họ bị nhiễm chất độc thần kinh Sarin.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, triệu chứng của các nạn nhân cho thấy họ đã tiếp xúc với các chất độc thần kinh, với "thương tích bên ngoài rõ ràng" và "chứng suy hô hấp cấp là nguyên nhân chính gây tử vong".

Nhóm Các bác sĩ không biên giới (MSF) cho biết, nhóm hỗ trợ cấp cứu của bệnh viện Bab Al Hawa ở Idlib "khẳng định các triệu chứng của bệnh nhân phù hợp với việc tiếp xúc với chất độc thần kinh Sarin". Trong khi các bệnh viện khác trong khu vực "báo cáo rằng các nạn nhân có mùi thuốc tẩy, cho thấy họ đã tiếp xúc với clo".

"Vượt giới hạn đỏ"

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-4 đã cáo buộc chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad "vượt giới hạn đỏ", đồng thời khẳng định thái độ của ông đối với Syria và ông Assad đã thay đổi. Phát biểu trước các phóng viên tại cuộc họp báo với Nhà vua Abdullah của Jordan, ông Trump cho biết: "Điều đã xảy ra hôm 4-4 là không thể chấp nhận được. Thái độ của tôi đối với Syria và ông Assad đã thay đổi rất nhiều".

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình về vấn đề Syria và muốn chính phủ của Tổng thống Assad bị truy tố về việc sử dụng VKHH. Ông Ayrault khẳng định ưu tiên đàm phán ngoại giao hơn là triển khai hành động quân sự trong vấn đề Syria.

An Bình

               (Theo CNN, Reuters)