Vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền ủng hộ bão lũ: Vượt khả năng kiểm soát của ngân hàng

Thứ năm, 16/11/2017 19:00

Như Báo Công an TP Đà Nẵng ngày 15-11 đã phản ánh vụ việc anh Nguyễn Thành Giang (trú Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) bị lừa đảo 49 triệu đồng, số tiền anh Giang đứng ra kêu gọi hỗ trợ đồng bào bão lũ. Tuy nhiên, vì cả tin, anh đã bị một đối tượng giả danh nhà hảo tâm lừa đảo. Đối tượng này cung cấp cho anh Giang một trang web với lời nhắn sau khi nhập các thông tin mà trang web yêu cầu sẽ chuyển cho anh 20 triệu đồng. Vì không hiểu rõ giao dịch trong nước - quốc tế nên anh Giang vô tình cung cấp mật khẩu OTP và đối tượng đã sử dụng chiếm đoạt 49 triệu đồng trong tài khoản của anh.

Tin nhắn đối tượng lừa đảo trao đổi với anh Giang qua facebook.

Sau khi báo đăng, có nhiều bạn đọc bày tỏ sự chia sẻ với anh. Bên cạnh đó nhiều bạn đọc còn cho rằng nếu ngay sau khi bị lừa, anh Giang báo sự việc qua đường dây nóng của ngân hàng (NH) thì giao dịch sẽ bị chặn lại. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc còn bày tỏ thắc mắc tại sao đối tượng lại dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản như vậy? Vai trò của NH là ở đâu trong những vụ lừa đảo như thế này? Làm thế nào để quản lý những trang web tương tự? Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với đại diện NH Vietcombank - nơi anh Giang mở thẻ NH để có cái nhìn đa chiều về vụ việc.

Theo đó, đại diện NH cho biết, trong sáng 14-11, anh Nguyễn Thành Giang đã đến gặp Ban Giám đốc NH trình bày việc bị lừa đảo. “May mắn anh Giang đã kịp thời nhận ra việc mình bị lừa trước khi đối tượng sử dụng mật khẩu OTP để thực hiện những giao dịch tiếp theo. Phía NH cũng rất thông cảm với anh Giang vì anh là người có tâm huyết quyên góp tiền cho bà con vùng lũ nhưng lại bị kẻ xấu lợi dụng. Phía NH cũng đã tìm hiểu kỹ sự việc qua lời kể của anh, chúng tôi xác định không thể giúp gì trong việc này bởi chính anh Giang đã đưa mật khẩu OTP cho đối tượng thì không còn cách nào thu hồi” - đại diện NH cho biết.

OTP được sử dụng nhiều và rất phổ biến. Để chuyển tiền hay thực hiện một giao dịch trực tuyến, người dùng không chỉ dùng tài khoản và mật khẩu để đăng nhập mà còn cần nhập đúng mã xác thực OTP mới hoàn tất được giao dịch. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử như Google hay mạng xã hội facebook cũng sử dụng OTP là mật khẩu đăng nhập thứ hai, được yêu cầu sau khi nhập đúng mật khẩu cá nhân. Vì khi để lộ hay bị đánh cắp tài khoản và mật khẩu chính, kẻ xấu cũng không thể đăng nhập hay thực hiện giao dịch, chuyển tiền nếu không có mã OTP.

Chúng tôi đặt câu hỏi “nếu sau khi phát hiện tiền bị trừ trong tài khoản có thể liên hệ phía NH để chặn giao dịch trước khi kẻ xấu rút tiền không” thì phía NH cho biết trong trường hợp của anh Giang là không thể. “Ví dụ khi chuyển nhầm tiền cho ai đó và phát hiện sai số, sai tên người nhận thì chúng tôi hoàn toàn có thể ngưng giao dịch. Tuy nhiên, trang web mà anh Giang điền thông tin và mã OTP không có địa chỉ gửi đi. Điều này cũng tương tự như cách thức mua hàng online chúng ta phải điền thông tin, nhập số tài khoản nhưng không biết được số tài khoản gửi đến ở đâu, như thế nào. Trong trường hợp này đối tượng còn tinh vi và rành về Internet, một dạng tội phạm công nghệ cao nên rất khó để xác định điểm gửi đi. Điều này phải nhờ cơ quan CSĐT vào cuộc”.

Theo lãnh đạo NH cho biết, thời gian qua có rất nhiều trường hợp lừa đảo thông qua giao dịch NH. Đơn cử như chúng tung chiêu nộp tiền vào tài khoản để nhận lại gấp đôi số tiền hoặc giả vờ tri ân khách hàng rồi lừa tiền. “Khi có khách hàng mở tài khoản, chúng tôi đều khuyến cáo cần đọc kỹ các nội dung ghi trong mục thông tin. Bên cạnh đó mỗi cá nhân phải tự bảo quản số tài khoản của mình, tài khoản của ai người đó tự rút tiền để tránh kẻ xấu lợi dụng” - đại diện NH cho biết.

Về phía anh Nguyễn Thành Giang, dù hoàn cảnh gia đình không khá giả nhưng số tiền này là tấm lòng của hàng chục nhà hảo tâm quyên góp nên anh sẽ trả lại dần vào quỹ. “Những ngày qua tôi may mắn được sự động viên của bạn bè, người thân và cả những nhà hảo tâm. Đây là bài học xương máu của tôi trên hành trình thiện nguyện. Một tin vui là tôi đã có được sự đồng ý của em Thùy Linh (Quỹ hỗ trợ khẩn cấp) 49 triệu đồng sẽ được tạm trích từ quỹ này để trao cho bà con kịp thời. Hiện tôi đang hoàn tất các giấy tờ, bằng chứng để cung cấp cho cơ quan CSĐT. Tôi mong rằng cơ quan CA sẽ giúp tôi tìm ra số tiền đã mất, sớm đưa kẻ lừa đảo ra ánh sáng pháp luật” - anh Giang chia sẻ.

H.D