Vụ máy bay MH17 bị bắn rơi: Các bên cáo buộc lẫn nhau

Thứ hai, 21/07/2014 08:49

(Cadn.com.vn) - Ngày 20-7, chính phủ Ukraine và phe nổi dậy nhất trí đưa thi thể nạn nhân vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ra khỏi hiện trường.

Thỏa thuận sơ bộ này đạt được sau khi có những thông tin về việc các thi thể đang phân hủy dưới ánh nắng thu hút sự phản đối mạnh mẽ của cả thế giới, đặc biệt là từ Hà Lan - nước có số công dân chiếm hơn một nửa tổng số nạn nhân trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi.

Đã tìm thấy 196 thi thể

ASEAN ra tuyên bố vụ MH17 bị bắn rơi

ASEAN ngày 20-7 ra tuyên bố kịch liệt lên án vụ máy bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine, đồng thời kêu gọi điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch.

Tuyên bố của ngoại trưởng các nước ASEAN nêu rõ: "Chúng tôi bày tỏ sự bàng hoàng trước cái chết tang thương của 298 người thuộc nhiều quốc tịch trên MH17. Theo ASEAN, MH17 đang bay qua không phận không bị cấm và theo đường bay được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tuyên bố là an toàn". "Đó là một đường bay được nhiều hãng hàng không quốc tế sử dụng. Chúng tôi yêu cầu có một cuộc điều tra không bị cản trở", tuyên bố của ASEAN nêu rõ.

T.Nguyên

Các cơ quan khẩn cấp của Ukraine và các quan sát viên quốc tế được phép đến hiện trường vụ tai nạn ở miền Đông - nơi phe nổi dậy đang nắm quyền kiểm soát - đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường và quy tập tại địa điểm an toàn. Tuy nhiên, không ai rõ địa điểm này là ở đâu.

Theo mô tả của các chuyên gia quốc tế, hiện trường rất rối rắm trong khi các nhân chứng cho biết, "các thi thể rơi vương vãi khắp nơi, có thi thể rơi cách xa hiện trường 15km". "Không ai biết có bao nhiêu thi thể bị chuyển đi, nơi chúng được chuyển đến cũng như ai là người chuyển chúng", phát ngôn viên nhóm các nhà quan sát quốc tế nói với CNN. Michael Bociurkiw của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cho biết, nhóm của ông đến hiện trường và nhìn thấy những người đàn ông di chuyển số lượng không rõ các túi đựng xác.

Trong khi đó, theo bộ phận báo chí Cơ quan tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine (GosChS), tính đến 7 giờ ngày 20-7 (11 giờ Việt Nam) 196 thi thể đã được tìm thấy.

Áp lực lên ông Putin

Nhiều cường quốc thế giới lên án tình hình và yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng ảnh hưởng đối với phe nổi dậy.

"Hôm qua, các quan sát viên OSCE chỉ được phép tiếp cận khu vực 75 phút. Hôm nay, họ được đến đó chưa tới 3 giờ", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong tuyên bố đưa ra tối 19-7. "Hiện trường không an toàn, nhiều thi thể bị chuyển đi, các bộ phận máy bay và các mảnh vỡ khác bị đưa đi, và bằng chứng có khả năng bị giả mạo", Bộ này cho biết thêm.

Thủ tướng Anh David Cameron viết bài báo kêu gọi ông Putin bằng cách nào đó để các quan sát viên quốc tế dễ dàng tiếp cận hiện trường và giúp cuộc xung đột giữa Ukraine và quân nổi dậy hạ nhiệt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng yêu cầu tương tự. Ông Rutte có "cuộc trò chuyện rất mãnh liệt" với ông Putin hôm 19-7, trong đó ông nói với nhà lãnh đạo Nga rằng, "đây là cơ hội để cho thế giới thấy rằng, ông nghiêm túc trong việc giúp đỡ".

Nhân viên cứu hộ đưa thi thể các nạn nhân lên xe tải tại hiện trường vụ MH17 rơi. Ảnh: CNN

Vẫn tiếp tục cáo buộc lẫn nhau

Mỹ cho rằng Nga đã cung cấp cho phiến quân tên lửa bắn hạ MH17, sau đó chuyển trở lại lãnh thổ của Moscow. Hệ thống tên lửa có kích thước của xe tăng và nặng khoảng 50 tấn và cần các xe quân sự chuyên dùng cỡ lớn để vận chuyển.

Tuy nhiên, Moscow phủ nhận bất kỳ liên quan nào và cho biết, chiến dịch quân sự của Ukraine chống lại lực lượng ly khai mới là nguyên nhân dẫn đến vụ MH17 bị bắn. Kể từ sau vụ tai nạn, chính phủ Kiev và quân nổi dậy tiếp tục buộc tội lẫn nhau. Ivan Watson, phóng viên quốc tế của CNN, gọi đó là "cuộc chiến tranh thông tin".

Ukraine thậm chí tuyên bố "có bằng chứng rõ ràng" về việc Nga liên quan đến vụ bắn rơi máy bay này. Vitaly Nayda, Giám đốc Cơ quan Tình báo an ninh Ukraine, cho rằng "kẻ thủ ác" chính là hệ thống tên lửa Buk M1 do Nga chế tạo.

Ông tuyên bố rằng 3 hệ thống tên lửa phòng không đất đối không Buk được chuyển từ Nga đến Ukraine trước khi vụ MH17 bị rơi cùng với các công dân Nga làm nhiệm vụ điều khiển vũ khí tinh vi này. Tuy nhiên, cả ba hệ thống tên lửa Buk này hiện không còn trong lãnh thổ Ukraine.

Ngược lại lãnh đạo quân nổi dậy, thủ tướng của nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, Alexander Borodai khẳng định, lực lượng của ông không làm điều đó bởi quân nổi dậy thiếu hỏa lực để bắn một máy bay đang bay quá cao như MH17.

Hộp đen nằm trong tay ai?

Công cuộc điều tra vụ tai nạn lần này đang được tổ chức rốt ráo hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đối với các nhà điều tra là hộp đen ghi dữ liệu của chuyến bay hiện nằm ở đâu?

Chính phủ Ukraine hôm 18-5 cho biết, hộp đen vẫn còn trong lãnh thổ Ukraine nhưng không nói họ có sở hữu chúng không. Ông Bociurkiw của OSCE cũng không biết hộp đen hiện nằm ở đâu. Trong khi đó, phe nổi dậy tuyên bố phát hiện vật thể dường như là hộp đen máy bay đồng thời khẳng định sẽ trao cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. 131 nhà điều tra của Malaysia cũng hạ cánh tại Kiev hôm 19-7 để điều tra chuyện gì đã xảy ra với máy bay của mình.

An Bình
(Theo CNN)