Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Quan hệ Mỹ- Saudi Arabia sẽ ra sao?
Chính quyền Tổng thống Biden hồi cuối tuần qua công bố báo cáo tình báo về cái chết của ông Jamal Khashoggi với nội dung cho rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trực tiếp chỉ thị sát hại nhà báo này. Động thái này sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh?
Trong bức ảnh ngày 8-10-2018, những người phản đối mang theo bức ảnh của ông Jamal Khashoggi biểu tình trước Đại sứ quán Saudi Arabia ở Istanbul. |
Ai ra quyết định giết hại?
Theo báo cáo của giới tình báo Mỹ, từ năm 2017, Thái tử Mohammed bin Salman đã hoàn toàn kiểm soát các hoạt động tình báo và an ninh tại vương quốc này, do đó ít có khả năng giới chức Saudi Arabia thực hiện một vụ ám sát "đình đám" như vậy mà không có sự cho phép của Thái tử.
Báo cáo cho biết: “Tình báo Mỹ đánh giá rằng Hoàng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã thông qua một chiến dịch tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để bắt giữ hoặc sát hại nhà báo Arab Saudi Jamal Khashoggi”. Báo cáo cũng cho biết thêm: “Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman có quyền kiểm soát tuyệt đối các tổ chức an ninh và tình báo của Vương quốc, do đó khả năng các quan chức Arab Saudi đã thực hiện một chiến dịch như thế này mà không có sự cho phép của Hoàng Thái tử là rất thấp”.
Báo cáo của Mỹ đã liệt kê một nhóm gồm 15 thành viên người Saudi Arabia đã tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và cho rằng nhiều khả năng nhóm người này đã tham gia vụ ám sát. Dù vậy, báo cáo cũng lưu ý rằng không rõ liệu nhóm người này có biết rằng những gì họ làm sẽ dẫn tới cái chết của ông Khashoggi hay không.
Nhiều nước vùng Vịnh ủng hộ Saudi Arabia
Saudi Arabia ngay lập tức đã ra tuyên bố "hoàn toàn bác bỏ" báo cáo của Mỹ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ: "Chính phủ của Vương quốc Saudi Arabia hoàn toàn bác bỏ đánh giá tiêu cực, sai lầm, và không thể chấp nhận được trong báo cáo liên quan đến lãnh đạo của vương quốc này, đồng thời lưu ý rằng báo cáo này chứa đựng những kết luận và thông tin không đúng”. Bộ trên khẳng định các cơ quan hữu quan Saudi Arabia đã và đang làm mọi biện pháp cần thiết trong khuôn khổ pháp lý để đảm bảo tất cả những cá nhân liên quan đến bị điều tra và xét xử nếu có tội.
Một loạt các nước vùng Vịnh cũng đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Saudi Arabia trong vụ việc, lên án mọi hành động khai thác vụ việc để can thiệp vào công việc nội bộ của Saudi Arabia. Ngoại trưởng các nước vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã ra tuyên bố ủng hộ lập trường của Saudi Arabia trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018. Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế UAE bày tỏ tin tưởng và ủng hộ các phán quyết của tòa án Saudi Arabia, trong đó khẳng định cam kết của nước này trong việc thực thi pháp luật và trừng phạt “một cách minh bạch và công bằng” bất cứ kẻ nào dính líu vào vụ giết hại nhà báo Khashoggi.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Kuwait thể hiện “quan điểm của quốc gia phản đối mạnh mẽ mọi hành động có thể làm xói mòn chủ quyền của Saudi Arabia”. Bộ Ngoại giao Bahrain cũng ủng hộ Saudi Arabia và đánh giá “vai trò to lớn của Saudi Arabia dưới sự lãnh đạo của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud và Thái tử trong các nỗ lực tăng cường an ninh và ổn định tại khu vực”.
Quan hệ Washington- Riyadh sẽ xấu đi?
Nhà báo Khashoggi, cộng tác viên của tờ Washington Post (Mỹ), đã bị sát hại trong Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ khi tới lấy giấy tờ đăng ký kết hôn. Riyadh thừa nhận đã bắt nhiều nghi can liên quan đến vụ việc. Hồi tháng 10-2018, Tổng thống Trump đánh giá vụ sát hại nhà báo Khashoggi là “một trong những màn che đậy tồi tệ nhất trong lịch sử”. Trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống, ông Biden cam kết sẽ trừng trị lãnh đạo cấp cao Saudi Arabia liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi. Tháng 11-2019, khi nhận được câu hỏi liệu có trừng phạt lãnh đạo Saudi Arabia, ông Biden đã trả lời thẳng thắn: “Có. Và tôi muốn làm rõ rằng chúng ta sẽ không bán thêm vũ khí cho họ”.
Tổng thống Biden đã ngừng hỗ trợ cuộc chiến do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen và ra lệnh chấm dứt bán một số vũ khí cho Riyadh. Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield chia sẻ với CNN rằng Tổng thống Biden trong cuộc điện đàm ngày 25-2 đã nói với Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al-Saud Mỹ sẽ không khoan dung cho các hành vi của Thái tử Saudi Arabia.
Hãng tin DW của Đức nhận định, việc công bố tài liệu tình báo của Mỹ có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh giữa Washington và Riyadh. Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines đánh giá báo cáo có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Saudi Arabia. Bà Haines nói: “Tôi chắc chắn điều này sẽ không khiến mọi thứ dễ dàng hơn nhưng cũng có thể nói rằng đây không phải điều bất ngờ”.
Ngay sau báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhiều quan chức Saudi Arabia sau khi báo cáo trên được công bố. Các quan chức trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và không được tiến hành các giao dịch, buôn bán trên đất Mỹ. Bộ ngoại giao Mỹ đã ngay lập tức ra lệnh cấm nhập cảnh đối với 76 người Saudi Arabia, tuy nhiên các báo cáo truyền thông cho thấy những hạn chế sẽ không ảnh hưởng đến thái tử Mohammed bin Salman. Cho đến nay Tổng thống Mỹ vẫn né tránh áp đặt lệnh trừng phạt lên Thái tử Mohammed bin Salman.
Reuters cho rằng, các hành động của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tuần đầu tiên nắm quyền dường như nhằm thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử là tái thiết lại mối quan hệ với Saudi Arabia. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden giấu tên cho biết, cách tiếp cận này nhằm mục đích tạo ra một điểm khởi đầu mới cho mối quan hệ với vương quốc mà không phá vỡ mối quan hệ cốt lõi ở Trung Đông. Quan trọng hơn, các quyết định dường như được thiết kế để duy trì mối quan hệ công việc với thái tử Saudi Arabia, bất chấp việc tình báo Mỹ kết luận rằng ông đã chấp thuận chiến dịch sát hại Khashoggi. "Mục đích là sự hiệu chuẩn lại các mối quan hệ chứ không phải là phá vỡ. Đó là vì những lợi ích quan trọng mà chúng tôi chia sẻ", quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết.
Trong khi đó, Saudi Arabia nhấn mạnh rằng mối quan hệ của họ với Mỹ là "bền chặt và lâu dài". "Mối quan hệ đối tác này đã phát triển trong gần 8 thập kỷ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các thể chế ở cả hai nước đã làm việc chăm chỉ để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ này về mọi mặt", Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết trên Twitter.
Tổng thống Joe Biden cho biết, Chính phủ Mỹ trong ngày 1-3 sẽ ra thông báo liên quan đến Saudi Arabia và vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, theo giới chức Nhà Trắng, đây sẽ là thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố thêm chi tiết vụ việc, chứ không có tuyên bố nào về cách xử lý tiếp theo của Washington.
AN BÌNH