"Vua dầu mỏ" Saudi Arabia trước áp lực giá dầu giảm

Thứ ba, 19/01/2016 10:31

(Cadn.com.vn) - Căng thẳng gia tăng giữa Saudi Arabia và Iran làm phân tán sự chú ý về những cải cách kinh tế mà Riyadh đang thực hiện. Trong ngân sách công bố vào tháng 12-2015, Saudi Arabia có những bước đầu tiên trong kế hoạch cải cách kinh tế lớn, phần còn lại dự kiến sẽ được công bố trong tháng 1 này, nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị trong khi vương quốc dầu mỏ này điều chỉnh giá dầu đang gần chạm đáy.

Chỉ cần quan sát toàn khu vực, như Tunisia, Ai Cập, Libya và Syria, Saudi Arabia sẽ cảnh giác về những gì có thể xảy ra nếu các nhà lãnh đạo phớt lờ nhu cầu kinh tế của người dân.

Saudi Arabia cho đến nay tránh được sự bất mãn hay cực đoan chính trị nhờ vào sự hào phóng của nhà nước bằng cách không áp đặt các loại thuế. Tuy nhiên, lĩnh vực công của Saudi Arabia khá cồng kềnh và lãng phí. Giá dầu thấp buộc Riyadh phải chi tiêu hợp lý hơn. Các nguồn thu từ dầu đã từng được sử dụng để bôi trơn bộ máy nhà nước hào phóng. Nhưng thu nhập từ dầu đã giảm 23% trong năm ngoái, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế với khoảng 73% tổng doanh thu đến từ dầu mỏ. Nhiều người lo ngại rằng, giá dầu sẽ tiếp tục đà suy giảm trong thời gian tới, do đó Saudi Arabia cần có những thay đổi dài hạn cơ bản.

Saudi Arabia thực hiện nhiều cải cách để thích ứng với tình hình giá dầu giảm. Ảnh: BBC

Cắt giảm chi tiêu

Quốc vương Salman đã có một khởi đầu dũng cảm. Dù người dân không hài lòng với ngân sách được công bố hồi tháng 12-2015, ông lên kế hoạch giảm các khoản trợ cấp, giảm sự tăng trưởng tiền lương trong khu vực công và hạn chế sự phụ thuộc của đất nước vào dầu mỏ.

Đó là một sự thay đổi lớn. Mặc dù tăng trưởng kinh tế tích cực, các nhà lãnh đạo bảo thủ của vương quốc này không còn có thể nghĩ về lượng dự trữ tiền mặt lớn và doanh thu dầu hàng năm hơn 150 tỷ USD là không đủ để duy trì mức chi tiêu cho giáo dục, an ninh, y tế, quân sự mà họ vẫn cam kết. Kết quả là, các khoản chi tiêu không cần thiết bị cắt. Đề án giao thông vận tải tại một số thành phố nhỏ cùng với kế hoạch cho một vài dự án, như các sân vận động bóng đá bị hoãn hoặc hủy bỏ. Một lĩnh vực khác được xem xét là thị trường năng lượng tái tạo.

Cơ hội nghề nghiệp

Tại thời điểm ngân sách được công bố vào tháng 12, các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng thuế thu nhập, vốn chưa bao giờ tồn tại ở Saudi Arabia, sẽ không được đưa ra. Nhưng các loại thuế khác sẽ được áp dụng, có thể bao gồm các loại thuế đối với "các mặt hàng độc hại như thuốc lá, nước giải khát…".

Một số Cty nhà nước được chuyển sang điều hành như các Cty bán tư nhân nhưng Cty tư vấn McKinsey cảnh báo, nếu không có những thay đổi về cơ cấu đối với nền kinh tế, "suy thoái kinh tế nhanh chóng" sẽ xảy ra trong vòng 15 năm tới. Saudi Arabia có nhu cầu cấp bách về việc làm. Hiện nay, có khoảng 10 triệu người nước ngoài làm việc tại nước này, trong khi dân số đất nước chỉ khoảng 30 triệu người. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Ibrahim al-Assaf cho rằng, việc thuê lao động nước ngoài sẽ được "chọn lọc hơn".

Còn nhiều nghi ngại

Nhiều người vẫn nghi ngại về sự thay đổi này. Cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi cải cách trong nhiều năm qua nhưng nhà nước vẫn chưa tiến hành.

Nhà phân tích chính trị Crispin Hawes của Teneo Intelligence không mấy hy vọng về các kế hoạch kinh tế mới được công bố. Ông chỉ ra, chính phủ hào phóng chi 30 tỷ USD vào tháng 1-2015 để chào đón Quốc vương mới cũng góp phần gây ra thâm hụt ngân sách kỷ lục hồi năm ngoái. Một số tin rằng, việc những người trẻ tuổi thất nghiệp bị cực đoan hóa là động lực khiến Riyadh tăng tốc quá trình cải cách.

An Bình
(Theo BBC)