"Vua mật ong" trên đỉnh Ngọc Linh

Thứ sáu, 10/04/2015 11:51

(Cadn.com.vn) - Cứ nhận được lời mời là già lại khăn gói lên đường, có những chuyến đi phải cắt rừng, băng suối kéo dài đến hàng tuần lễ nhưng già vẫn miệt mài với nghề "mật ong". Có lẽ dấu chân già đã in hằn trên khắp dãy núi Ngọc Linh đại ngàn và hùng vĩ, đó là "vua mật ong" người Cor - Già làng Lê Văn Nếp.

Sinh ra tại vùng miền núi Trà My huyền thoại, ngay từ thuở thanh niên, chàng trai Lê Văn Nếp đã có "duyên" với núi rừng Ngọc Linh. Hồi đó, vùng Trà My (bây giờ là huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, Quảng Nam ) còn dày đặc rừng nguyên sinh, có những cây cao lên đến gần 100 m, phải 5 đến 7 người ôm mới xuể. Ong mật thì nhiều vô kể, người dân không thể lấy được hết mật, vì ong thường làm tổ trên những cành cây cao, địa hình hiểm trở. Và chàng trai Lê Văn Nếp là "chuyên gia" trị những tổ ong "khó xơi" này. Tuy nhiên, để có một công việc ổn định, chàng trai Lê Văn Nếp đã đi học và được sung vào công tác chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng đất Trà My.

Trong quá trình công tác phục vụ món ăn tinh thần cho bà con các dân tộc Cor, Xơ Đăng..., Lê Văn Nếp đã đi qua bao bản làng, thân thuộc nhiều nóc (thôn). Đặc biệt, đến năm 1976 (lúc này Lê Văn Nếp 24 tuổi) đã nên nghĩa vợ chồng với cô gái người dân tộc Cor tại xã Trà Mai (H. Nam Trà My) và định cư tại đó cho đến tận bây giờ. Người dân nơi đây dường như quên ông là người từ nơi khác đến lập nghiệp mà họ luôn coi Già làng Lê Văn Nếp là tấm gương sáng trong quá trình sinh hoạt, sản xuất, cũng như nuôi dạy con, đặc biệt là việc gìn giữ và phát huy giá trị của rừng xanh vùng núi Trà My.

Ngồi bên bệ cửa, Già làng Lê Văn Nếp bồi hồi kể: "Cứ sau khi trỉa lúa xong, công việc mùa đã vãn là tôi lại chuẩn bị hành trang gồm rựa sắc, túi ni-lông, lương thực, gùi... cùng trai tráng trong thôn lên đường. Nếu như ngày xưa, việc tìm tổ ong rất dễ vì rừng cây còn nhiều, hoa thơm cỏ lạ cũng lắm và đây là nguồn thức ăn dồi dào để ong xây tổ, làm mật. Tuy nhiên, giờ đây rừng đã bị thu hẹp, tìm được những tổ ong lớn là điều không còn dễ dàng". Để tìm được tổ ong, thường thì già Nếp phải đi dọc các con suối để phát hiện ra quy luật của loài động vật chuyên cần này. Nếu như sau khi hút nước, ong bay ngang (bay song song mặt đất) là tổ ong đóng còn xa, còn nếu sau khi hút nước ong bay thẳng đứng, hoặc bay theo hình trôn ốc đứng thì dứt khoát tổ ong chỉ nằm quanh quẩn trong bán kính vài ba chục mét mà thôi.

Là người theo chân già Nếp đi săn ong tận rừng sâu, anh Nguyễn Hoàng Thọ, ở xã Trà Mai, H. Nam Trà My, bộc bạch: Nói là đi từng nhóm người nhưng thực ra về kinh nghiệm nhận biết tổ ong xa hay gần, loại ong gì và đặc biệt việc thực hiện khâu quan trọng nhất là trèo lên cây lấy mật thì chỉ có già Nếp mới làm nổi. Các anh chỉ là những người làm công tác hậu cần mà thôi, chủ yếu là đi chặt dây, gùi lương thực, hoặc mật ong sau khi đã được thu về.

Khi phát hiện được tổ ong, già Nếp liền thực hiện việc chế tạo dụng cụ từ những sản phẩm của rừng như dây mây hoặc những cây rừng thân leo... buộc vào thân cây có tổ ong để lên "ăn" mật. Có thể nói, việc buộc dây vào thân cây và leo lên những cây cổ thụ cao từ 50 m đến gần 100 m là một kỳ công có một không hai. Để có những "bậc thang" dây, già Nếp chọn những loại cây dẻo dai, buộc từng bậc cách nhau khoảng 1m. Cứ đứng dây dưới và buộc dây trên cho đến tổ ong thì thôi.

Thành quả sau mỗi chuyến đi lấy mật rừng của già Nếp . Ảnh: H.Thọ

Đối với những cây có đường kính 1m đến 2m thì còn dễ, chứ những cây có đường kính lên đến trên 2m thì già Nếp đã sáng chế ra cách buộc dây độc đáo "không giống ai" là sau khi buộc được một dây đầu tiên xung quanh dưới gốc cây, già lại xỏ thêm một sợi mây dài vào ngay mối buộc của dây thứ nhất, cứ thế xoay vòng. Sau khi thực hiện được một vòng xoay là đã có thêm một vòng dây xung quanh thân cây làm bậc thang thứ 2. Cứ thế già Nếp thực hiện cho đến tận ngọn cây thì xem như "thang dây" đã làm xong.

Việc chọn cây rừng để làm bùi nhùi xua ong ra khỏi tổ cũng không kém phần quan trọng. Có lẽ là do "bí quyết" nghề nên già Nếp chỉ nói chung là chọn cây rừng chứ không điểm ra cụ thể những cây gì. Tuy nhiên, trong một lần vào đầu tháng 3-2015, theo già Lê Văn Nếp vào rừng thực hiện việc "ăn ong" thì những người đi cùng thấy đây quả là một kỳ công. Sau khi leo lên một cây cao "quá tầm mắt", già Nếp với cây bùi nhùi đã xua đàn ong có đến hàng chục ngàn con ra khỏi tổ mà không bị hề hấn gì rồi thản nhiên cắt từng tầng nhộng, tầng mật để thu về hơn 10 lít mật ong rừng nguyên chất.

Trong cuộc đời "ăn ong" của già Nếp, việc thu 10 lít mật trên cùng 1 cây rừng chẳng thấm vào đâu. Già kể: Có lần phát hiện một cây có 4 tổ ong rừng, cây to khoảng 5 người ôm, cao khoảng 90 m tại thôn 3, xã Trà Mai, chúng tôi đã phải buộc thang dây theo thân cây cả đêm rồi ngủ luôn trên cây. Đến sáng mới tiến hành lấy mật, hôm đó nhóm chúng tôi đã lấy được tổng cộng 28 lít mật ong (mỗi lít mật ong rừng nặng khoảng 1,3 kg). Điều già Nếp luôn "bỏ bụng" là trong quá trình mình "ăn ong" thì phải luôn biết bảo vệ rừng xanh, việc lấy mật là quan trọng nhưng không được hun khói làm chết cháy bầy ong, để ong còn tiếp tục tái tạo lại tổ khác.

Đối với người đi "ăn ong" thì không kiêng kỵ gì nhiều nhưng đặc biệt là cấm nói tục, chửi bậy, vì nói như thế thì là không phải đạo với núi rừng đã cho sản vật nuôi sống mình và gia đình.  Giờ đã 63 tuổi nhưng nghề lấy mật ong vẫn còn "đeo bám" già Nếp. Khi người nào phát hiện được tổ ong trong rừng, sau khi đánh dấu thì đến mời già Nếp đi lấy, tỷ lệ ăn chia là 50/50. Trong mùa ong năm 2014, già Lê Văn Nếp đã thu hoạch từ rừng khoảng hơn 100 lít mật ong nhưng vẫn không đủ bán cho khách phương xa mua làm quà. Không những là "vua mật ong" trên đỉnh Ngọc Linh hùng vĩ, già Lê Văn Nếp còn là người mẫu mực, tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết: Trong nghề săn mật ong, có thể nói già Nếp là kỳ nhân của núi rừng Trà My từ trước đến nay và rất khó ai có thể vượt qua được già Nếp. Bên cạnh đó, già còn tích cực vận động con cháu, cộng đồng tích cực tham gia các cuộc vận động, thực hiện đúng các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, khi có lời mời "ăn ong" là Già làng Lê Văn Nếp lại sắm sửa hành trang và lên đường về với đại ngàn.

N.S