Vui buồn nghề... nuôi đẻ

Thứ sáu, 17/03/2017 10:13

Lịch kín cả năm

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng Giêng, chúng tôi tìm về làng Nông Sơn (xã Điện Phước, TX Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) - nơi có nhiều người làm nghề nuôi đẻ. Đến nhà chị Hồ Thị Thúy, chúng tôi hay tin chị đã đi Hội An nuôi đẻ từ ngày Mồng 7. Đến nhà chị Nguyễn Thị Phượng, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Anh Hồ Nhứt (chồng chị Phượng) chia sẻ, 4 người con của anh chị đã trưởng thành, ruộng vườn ít nên mình anh làm, còn chị Phượng thì đi nuôi đẻ quanh năm, đến Tết mới về nhà.

Ngoài chị Thúy, chị Phượng, thôn Nông Sơn hàng chục người làm nghề nuôi đẻ khác như chị Lê Thị Ngọc, Đoàn Thị Bích, Nguyễn Thị Tuân, Phạm Thị Hồng, chị Chín Trung, cô Bốn Lai... Trong đó, chị Ngọc là người có thâm niên cao nhất - 16 năm.

Chúng tôi may mắn gặp chị Ngọc khi chị đang trao đổi kinh nghiệm với chị Hồng về cách sử dụng nồi đất để hơ lửa sao cho nồi không bị nứt. Hỏi ra mới biết, thỉnh thoảng các chị vẫn điện thoại hay gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm nuôi đẻ hoặc chia sẻ vui buồn chuyện nghề. Khi có ai đến hợp đồng nuôi đẻ, nếu chị nào đã có khách hàng rồi thì sẽ giới thiệu cho người khác. Bởi vậy, các chị nuôi đẻ trong làng thường xuyên duy trì liên lạc với nhau.

Theo lời chị Ngọc, ngày 6-2 (tức mồng 10 tháng Giêng) chị ra TP Đà Nẵng để nuôi đẻ. Sau một tháng ở gia đình này, chị lại tiếp tục ca nuôi đẻ khác ở TP Tam Kỳ, rồi sau đó là Duy Xuyên, Hội An (Quảng Nam)... Một ca nuôi đẻ của chị được bắt đầu từ ngày sản phụ đến bệnh viện để sinh và kết thúc khi trẻ được 1 tháng tuổi. Ngày gia chủ mừng trẻ đầy tháng cũng là ngày làm việc cuối cùng của chị. Sau đó, chị bắt đầu một ca mới. Cứ hết ca này đến ca khác, lịch nuôi đẻ của chị đã kín hết thời gian trong năm.

Chị Ngọc trao đổi kinh nghiệm nuôi đẻ với chị Hồng.

Vui buồn với nghề

Chị Ngọc kể, một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 3 giờ sáng: quạt than, nấu nước để chuẩn bị xông hơ cho mẹ và bé, nấu xôi để rà mặt mẹ; 6 giờ chuẩn bị thức ăn sáng cho mẹ; 8 giờ giặt giũ tã lót; 9 giờ tắm rửa cho bé; 10 giờ nấu cơm và bế trẻ cho mẹ ăn cơm; 12 giờ dọn dẹp; 3 giờ chiều chuẩn bị xông hơ; sắp xếp quần áo; ẵm dỗ bé khi mẹ mệt... Chính vì vậy, theo chị Ngọc, không chỉ cần kinh nghiệm mà người nuôi đẻ còn phải có sức khỏe. Có nhiều ca, em bé khóc dạ đề thì xem như người nuôi đẻ mất ngủ liên tục. Nhiều lúc vất vả quá, chị Ngọc muốn bỏ nghề nhưng vì hoàn cảnh kinh tế và yêu trẻ con nên chị lại tiếp tục công việc này 16 năm nay. Còn chị Tuân chia sẻ: “Làm nghề này phải chịu khó và có tâm. Những sản phụ đều bằng tuổi con của mình. Vả lại, mình cũng là phụ nữ nên có sự đồng cảm và muốn giúp mẹ con sản phụ khỏe sau kỳ “nở nhụy khai hoa”.

Tuy vất vả nhưng nghề nuôi đẻ đã để lại cho các chị nhiều niềm vui. Chị Ngọc khoe, nhiều đứa trẻ chị nuôi giờ đã trở thành cô cậu 15, 16 tuổi. Có gia đình dẫn các bé đến thăm chị vào dịp lễ, Tết. Không ít lần chia tay, chị và sản phụ bịn rịn không muốn rời. Chị Bích cho biết, nhiều gia đình tốt bụng còn thưởng thêm tiền cho các chị sau một tháng chăm nuôi đẻ hoặc tặng quà trong những dịp lễ, Tết. Mặc dù chị hết nuôi đẻ rồi nhưng nhiều sản phụ vẫn điện thoại thăm hỏi chị...

Công việc nuôi đẻ rất vất vả và những người làm nghề này đều là phụ nữ nông thôn chăm chỉ, chấp nhận làm mọi thứ để đỡ gánh nghèo. Thế nhưng, có nhiều lúc họ gặp những cái nhìn dè bỉu hay sự đối xử phân biệt chủ tớ. Kể lại chuyện cũ nhưng chị Bích vẫn rơm rớm nước mắt. Chị kể, có một ca nọ, chị chỉ làm được vài ngày thì nghỉ giữa chừng. Trước khi làm, chị cũng xác định công việc khó nhọc và tự nhủ sẽ không nản lòng. Thế nhưng, một bữa nọ, khi sản phụ ăn cơm xong và đưa phần cơm thừa cho chị ăn khiến chị tủi thân nên quyết tâm ra về.

Chị Bích chia sẻ những vui buồn nghề nuôi đẻ.

Còn chị Tuân thì đã phải ra về khi gặp một sản phụ khó tính. Sau khi xong việc xông hơ buổi sáng, chị xin phép gia chủ ra ngoài ăn điểm tâm. Chị chưa ăn xong tô bún thì sản phụ 2 lần gọi về trách chị ăn chậm. Sản phụ liên tục cằn nhằn, trong khi đó người thân trong gia đình này cũng không thông cảm, chia sẻ nên chị nhất định chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, nhiều sản phụ cho hay, vì cung không đủ cầu nên nhiều người nuôi đẻ rất “chảnh”, đòi hỏi gia chủ phải chiều theo ý mình, hễ phật ý một tí là đòi về. Một thực tế hiện nay, dù không có tên trong từ điển nhưng nghề nuôi đẻ đang là nghề rất “hot”. Nhưng nghề nào rồi cũng phải có sự cần mẫn, chịu khó, có đạo đức nghề nghiệp thì sẽ phát triển bền vững, nếu không, có thể phải “giải nghệ” sớm.

Phương Hiền