Vùng đất "mưa bom" và những mảnh đời bất hạnh

Thứ tư, 07/10/2015 09:48

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-10-2015, cán bộ chiến sĩ Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ CATP Đà Nẵng chúng tôi thực hiện chuyến đi từ thiện đến với vùng B Đại Lộc (Quảng Nam). Đến Trường Tiểu học mang danh Anh hùng Đoàn Trị thuộc xã Đại Tân, chúng tôi được thầy, cô giáo đón tiếp ân cần với tình cảm ấm áp. Dịp này chúng tôi đến tặng quà, xe đạp cho 3 em học sinh nghèo hiếu học của trường. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Tăng Trung Thọ, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "… Ở trường không ít học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơm không đủ no, áo quần không đủ mặc, chưa nói đến việc học hành, có em trực tiếp xin nhà trường thôi học nhưng thầy, cô giáo vẫn động viên, giúp đỡ để các em tiếp tục đến lớp vì các em đều ngoan và học lực tốt. Nhiều em cha hoặc mẹ chết sớm hay do ốm đau, bệnh tật không lao động được, các em đi học về phải lao động vất vả cực nhọc như một lao động chính trong gia đình…".

Ai đã từng sống, chiến đấu ở vùng B Đại Lộc mới thấu hiểu được chiến tranh tàn khốc trên mảnh đất này và sự đấu tranh anh dũng, quật cường của quân và dân vùng B Đại Lộc trong thời gian chống Mỹ, cứu nước.  Ác liệt nhất là từ năm 1968 đến năm 1975, Mỹ đã dùng máy bay B52 đổ xuống vùng đất này hàng vạn tấn bom các loại: bom đào, bom quét, bom bi, bom xăng, bom hóa học… Ở mặt đất thì các đồn pháo binh của địch nã đạn cối từ ba hướng Bắc, Đông, Nam tập trung vào một điểm. Tôi được may mắn sống sót và chứng kiến bọn Mỹ-Ngụy đi càn quét, đánh người, cướp của, đốt phá nhà cửa người dân.

Hồi đó, dân chúng trong vùng ai cũng quàng chiếc khăn tang trên đầu bởi không chồng, con họ hy sinh trong chiến đấu thì người thân trong gia đình cũng chết vì địch bắn giết hoặc bom đạn của chúng đánh phá. Bọn Mỹ, ngụy tập trung đánh phá vùng đất này chủ yếu nhằm cắt đứt con đường vận chuyển lương thực, thực phẩm của quân và dân ta từ vùng đồng bằng lên miền núi, cũng là nơi trọng điểm quân chủ lực tiểu đoàn R20 của quân ta và du kích tập trung để đi đánh các căn cứ địch ở Duy Xuyên, Điện Bàn, thị trấn Ái Nghĩa…

Dù bom đạn ác liệt nhưng người dân nơi đây vẫn kiên cường bám đất, bám vườn để nuôi giấu cán bộ, bộ đội và chăm sóc thương, bệnh binh ở các nơi chuyển về. Nhiều gia đình sẵn sàng đóng góp của cải, vật chất để nuôi quân đánh giặc, họ hăng hái đào hầm, vót chông chống giặc, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo vệ bộ đội đúng với ý  "quân với dân như cá với nước". Sau 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước, vùng B Đại Lộc đã hồi sinh. Cuộc sống nhân dân nơi đây dần dần được ổn định, đời sống, văn hóa ngày càng đi lên. Song cái chết vẫn đeo bám lấy họ, nhiều người phải bỏ mạng hoặc mất đi một phần thân thể do bom, mìn của địch còn sót lại,  cùng với ốm đau, bệnh tật do chất độc da cam mà Mỹ để lại cứ đeo đẳng theo thời gian…

Đại tá Trần Hữu Sơn-Trưởng phòng PA71 CATP Đà Nẵng
tặng quà cho các em học sinh nghèo xã Đại Tân.

Nghe thầy kể những hoàn cảnh thương tâm của các em đang ở tuổi vui chơi, học tập mà phải lao động vất vả để kiếm sống nhưng không nản chí, không bỏ trường, bỏ lớp, chúng tôi ai ai cũng rưng rưng nước mắt, nhìn lại những phần quà ít ỏi trị giá gần 4 triệu đồng từ tiền lương của CBCS đơn vị đóng góp so với nhiều trường hợp các em học sinh đang gặp khó khăn thì chẳng thấm vào đâu. Chia tay thầy, cô giáo và các em học sinh, trên đường về, chúng tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ, rằng nơi mảnh đất anh hùng nhưng còn nghèo khó ấy vẫn còn rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang chờ đón những tấm lòng nhân ái.

Đoàn Quang