Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị

Thứ ba, 03/12/2013 09:45
Ông Lê Tùng Lâm

(Cadn.com.vn) - Đề án “Phát triển cây xanh đô thị giai đoạn 2013-2015” của TP Đà Nẵng, theo tiêu chí thành phố môi trường, tạo kiến trúc cảnh quan, tạo những không gian xanh riêng và hỗ trợ chương trình thích ứng biến đổi khí hậu.

Nguồn vốn thực hiện sẽ là 2.150 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư 50% và kêu gọi đầu tư 50% từ nguồn xã hội hóa. P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Lê Tùng Lâm - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng xung quanh đề án này.

P.V: Xin ông cho biết thực trạng cây xanh của Đà Nẵng, nhất là sau cơn bão số 11?

Ông Lê Tùng Lâm: Những năm qua, tốc độ đô thị hóa của TP diễn ra nhanh. Tuy nhiên, Đà Nẵng xác định chủ trương phát triển đô thị phải đi đôi với việc phủ xanh ở nhiều tuyến đường, nhiều KDC, tận dụng tối đa không gian đô thị để phát triển cây xanh.

Do đó, đến cuối tháng 9-2013, Đà Nẵng có khoảng 76.000 cây xanh bóng mát các loại và khoảng 660.000m2 thảm hoa, thảm cỏ được theo dõi quản lý, chăm sóc. Ước tính, độ che phủ cây xanh bình quân đầu người hiện khoảng 5,27m2/người, phấn đấu đến năm 2015 là 7-8m2/người. Cây xanh trên đường phố đa dạng về chủng loại, bao gồm trên 70 loại thuộc 27 họ thực vật khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn một số tuyến đường chưa được đầu tư đúng mức, đơn điệu, chưa đồng bộ...

Cơn bão số 11 đã làm hư hỏng 20.292 cây xanh bóng mát các loại (thiệt hại hoàn toàn 1.348 cây; đã chống, dựng 5.711 cây bị ngã đổ, 10.812 cây nghiêng và cắt sửa tán cho khoảng 2.421 cây bị hư cành). Hiện nay, độ phủ xanh còn lại ước khoảng 4,85m2/người.

P.V: Những loại cây xanh gì được trồng theo Đề án và cách trồng thế nào?

Ông Lê Tùng Lâm: Để triển khai Đề án, Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn trồng cây xanh trên các tuyến đường trong KDC mới tại Công văn số 461/SXD-QLHT ngày 5-2-2013 và đăng tải trên website của Sở.

Trong đó, có hướng dẫn cụ thể như: Đường có vỉa hè dưới 3m: Muồng hoa vàng, Móng bò (Hoàng hậu), Osaka hoặc trồng cây dây leo theo trụ, trên các giàn thép vững chắc; Đường có vỉa hè từ 3m đến dưới 5m: Lim xẹt, Bằng lăng, Móng bò hoặc theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt trồng trên tuyến đường; Đường có vỉa hè từ 5m trở lên: Muồng tím, Giáng hương, Lộc vừng...

Cách trồng cây đã được UBND thành phố quy định chi tiết: Cây xanh tốt, thân thẳng, tán cân đối, không cụt ngọn chính, còn nguyên rễ cọc, không sâu bệnh, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 2m, đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 4cm (đối với tiểu mộc); Cây bóng mát có chiều cao tối thiểu 3m và đường kính thân cây tại chiều cao tiêu chuẩn tối thiểu 5cm (trung mộc và đại mộc); Bầu rễ không bị vỡ, kích thước bầu rễ tối thiểu 40 x 40 x 40cm; Trồng cây phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; khi trồng cây phải cắt dây buộc bầu rễ; loại bỏ tất cả xà bần, phế liệu xây dựng, bê-tông, nhựa đường, cát, đá khỏi hố; Cây mới trồng phải được chống giữ chắc chắn, ngay thẳng...

P.V: Những giải pháp cụ thể để triển khai Đề án?

Ông Lê Tùng Lâm: Trước mắt tuyên truyền, vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí hoặc tự bỏ kinh phí xây bồn hoa, đúc chậu cây, trồng cây xanh, chăm sóc cây xanh... ưu tiên gắn bảng tên, logo của các tổ chức, cá nhân trên bồn hoa, chậu cây; Khuyến khích cơ quan và người dân tích cực trồng cây xanh trong công sở và nhà ở của mình; Duy trì phong trào “Ngày chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”, “Tết trồng cây”, “Khuyến xanh”; Xây dựng vườn ươm vệ tinh; lập quỹ “Khuyến xanh nhằm huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư cho cây xanh; Kêu gọi các nhà máy, KCN, khu dịch vụ, khu xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang... trồng cây trong khuôn viên và vành đai cách ly, cây xanh phòng hộ ven biển...

Cây xanh do chủ đầu tư Sungroup trồng vẫn đứng vững sau bão số 11.

P.V: Theo ông, có nên phát động một cuộc thi cấp thành phố để thực hiện việc xã hội hóa phát triển cây xanh không?

Ông Lê Tùng Lâm: Việc Đà Nẵng vinh dự nhận được Giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN năm 2011”, “Thành phố có hàm lượng cacbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất thế giới 2012” và mới đây là “thành phố phong cảnh Châu Á” là thành quả bước đầu, là động lực lớn để chúng ta tiếp tục phấn đấu trở thành “Thành phố môi trường và đáng sống” vào năm 2020...

Do đó, phát động cuộc thi cấp thành phố về các mô hình xã hội hóa phát triển cây xanh tại các cụm dân cư và có sự tuyên dương là biện pháp tốt để tuyên truyền, huy động sự tham gia tích cực của các cộng đồng trong việc chung tay phát triển cây xanh đô thị của TP, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đề án đặt ra.

Cây xanh quan trọng như hơi thở của mỗi người. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự hỗ trợ từ phía DN, người dân là những vấn đề cần thiết trong quy hoạch phát triển cây xanh đô thị hiện nay ở Đà Nẵng.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xuân Đương

(thực hiện)