Xả súng kinh hoàng ở New Zealand: Nghi phạm cảnh báo trước tội ác

Thứ hai, 18/03/2019 11:12

Văn phòng Thủ tướng New Zealand đã nhận được lá thư từ nghi phạm chỉ chưa đầy 10 phút trước khi các cuộc tấn công xảy ra.

Rất nhiều hoa và thông điệp được mọi người để lại dọc hàng rào của nhà thờ.  Ảnh: Stuff

50 NGƯỜI THIỆT MẠNG

Ngày 17-3, số người thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand đã tăng lên 50. Mike Bush, một quan chức cảnh sát cho biết, thi thể của nạn nhân thứ 50 được phát hiện tại nhà thờ Hồi giáo Al Noor, nơi hầu hết nạn nhân bị giết, khi các quan chức kiểm tra hiện trường. Hiện danh tính các nạn nhân chưa được công bố nhưng có nhiều người nước ngoài mang quốc tịch Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Pakistan... Trong khi danh sách sơ bộ các nạn nhân đã được chia sẻ với các gia đình, ông Bush cho biết thi thể của họ vẫn chưa được trao trả.

Số người bị thương cũng tăng lên 50. Trong số đó, 34 người vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Christchurch và 12 người đang trong tình trạng nguy kịch. Một bé gái 4 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Starship ở Auckland vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Hai ngày sau vụ xả súng, Brenton Harris Tarrant, 28 tuổi, dường như là nghi phạm duy nhất bị giam giữ có liên quan đến vụ tấn công. 3 người khác bị bắt giữ lúc đầu không liên quan đến vụ việc, song chính quyền không loại trừ khả năng có các nghi phạm khác. "Tôi sẽ không kết luận bất cứ điều gì cho đến khi chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục về việc có bao nhiêu nghi phạm tham gia", ông Bush cho biết.

GỬI “TUYÊN NGÔN” QUA EMAIL

Nghi phạm Tarrant đã gửi bản “tuyên ngôn” dài 87 trang cho Văn phòng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vài phút trước khi bắt đầu tiến hành vụ tấn công. Thư ký báo chí của bà Ardern, Andrew Campbell, cho biết, email đã được gửi đến một tài khoản "chung chung" được theo dõi bởi các nhân viên và không được Thủ tướng nhìn thấy. Người phát ngôn của Thủ tướng cho biết, trong thư nghi phạm nêu các lý do để y thực hiện vụ tấn công nhưng không nói cụ thể về thời gian hay địa điểm gây án nên các cơ quan chức năng đã “không có cơ hội để ngăn chặn”. Văn phòng Thủ tướng New Zealand cho biết thêm, nội dung bức thư cũng đã được nghi phạm gửi qua hòm thư điện tử tới khoảng 70 địa chỉ khác, trong đó có các chính trị gia như lãnh đạo Đảng Quốc gia Simon Bridges và Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard.

“Tuyên ngôn” này, cũng được Tarrant đăng trên phương tiện truyền thông xã hội trước vụ xả súng, chứa đầy những ý kiến chống người nhập cư, chống Hồi giáo. Các nhà chức trách hiện vẫn chưa kết luận động cơ của vụ tấn công. Tarrant, đang phải đối mặt với cáo buộc giết người, đã thể hiện một cử chỉ tay liên quan đến các “siêu nhân trắng” khi y xuất hiện tại tòa hôm 16-3. Y hiện đang bị tạm giam và sẽ tiếp tục ra tòa ngày 5-4 tới.

Brenton Tarrant xuất hiện tại tòa hôm 16-3.   Ảnh: CNN

TỪNG TỚI THỔ NHĨ KỲ VÀ PAKISTAN

Thủ tướng Ardern cho biết, Tarrant là một công dân Australia từng sống ở thành phố Dunedin, cách Christchurch khoảng 225 dặm. Y đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và thỉnh thoảng mới đến ở tại New Zealand. Các quan chức cho biết, y không có tiền sử phạm tội ở New Zealand hoặc Australia cũng như không thu hút sự chú ý của cộng đồng tình báo vì các quan điểm cực đoan của mình.

Tarrant từng đến Pakistan vào tháng 10 năm ngoái, chủ một khách sạn ở Nagar cho biết. "Y là khách du lịch thường xuyên của chúng tôi. Tôi nhớ y là một người rất thích thức ăn địa phương. Y rời khách sạn vào buổi sáng và trở lại vào buổi tối", chủ khách sạn kể. Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, Tarrant đã tới Thổ Nhĩ Kỳ một số lần và dành "một khoảng thời gian dài" ở đó. Thổ Nhĩ Kỳ "hiện đang điều tra các động thái và liên hệ của nghi phạm tại nước này". Nghi phạm cũng có thể đã đi đến các quốc gia khác ở Châu Âu, Châu Á và Châu Phi, quan chức này cho biết thêm.

Trong một chương của bản “tuyên ngôn” đầy thù hận mà Tarrant đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội, y đã kêu gọi ám sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, khi tuyên bố, "ông ta cuối cùng phải chảy máu". Đài truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT dẫn lời các nhà chức trách nước này cho biết họ đang điều tra xem Tarrant liệu có đến nước này "để thực hiện một cuộc tấn công khủng bố hoặc một vụ ám sát hay không”. Tổng thống Erdogan đã lên án cuộc tấn công hôm 15-3 trong một bài đăng trên Twitter, gọi đó là "ví dụ mới nhất về nạn phân biệt chủng tộc và Hồi giáo".

AN BÌNH