Xây dựng TT-Huế là trung tâm văn hóa, du lịch
Tỉnh TT - Huế phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019; hướng đến mục tiêu xây dựng "Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước; là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùng".
Khách du lịch tham quan các di tích tại Huế. |
Giai đoạn 2009 - 2019, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh TT - Huế đạt 7,2%/năm; quy mô kinh tế tăng hơn 2 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,2 lần. Trong 5 tháng đầu năm 2019 kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Nông nghiệp duy trì mức tăng ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,25%; dịch vụ tăng 6,37%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11%... Các lĩnh vực văn hóa xã hội chuyển biến tích cực: Chỉ số cải cách hành chính năm 2018 đứng thứ 16 của cả nước (tăng 7 bậc)... Tuy nhiên, quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh còn thấp, tăng trưởng kinh tế (GRDP) 5 tháng đầu năm 2019 chưa đạt kế hoạch đề ra; chưa xuất hiện những yếu tố động lực tăng trưởng mới; thu hút đầu tư chưa nhiều; là một trong những địa phương đi đầu trong cải cách hành chính nhưng chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công chưa tương xứng.
Để hoàn thành được các mục tiêu đề ra, trong buổi làm việc với chính quyền TT-Huế mới đây, Thủ tướng Chính phủ lưu ý nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2019 của tỉnh là bám sát nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019; chuẩn bị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, hướng đến mục tiêu xây dựng "TT-Huế là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước; là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh đa dạng của vùng". TT - Huế phải bứt phá, tiên phong thành một trong những trung tâm trí tuệ của Việt Nam với thước đo mới, tư duy mới về cơ cấu kinh tế, vận dụng sáng tạo tri thức, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh TT - Huế phải rà soát quy hoạch đáp ứng với yêu cầu phát triển mới, phù hợp với tiêu chí thành phố xanh, hiền hòa, lấy sông Hương, núi Ngự làm điểm nhấn; tham khảo thêm tư vấn nước ngoài để hoàn thiện quy hoạch theo hướng mở và dài hạn, hướng tới nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ gìn cảnh quan, môi trường sống. Đồng thời, tỉnh huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực cho đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến trình phát triển địa phương, trước hết là vốn cho giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trọng điểm, cấp bách bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế; các dự án thuộc đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai"; các tuyến giao thông đối ngoại tạo động lực; hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; các dự án an sinh, hạ tầng xã hội trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa...
Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức; khuyến khích, phát huy tính sáng tạo, sáng kiến của tập thể; quan tâm phát triển doanh nghiệp; triển khai thực hiện tốt các cuộc vận động về văn hóa công sở; chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo phục vụ phát triển kinh tế và du lịch, nhất là đào tạo tiếng Anh cho cộng đồng; gìn giữ cảnh quan, môi trường, duy trì và xây dựng hình ảnh người dân Huế thân thiện, hiếu khách.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm giảm nghèo bền vững; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tỉnh phải là địa phương đi đầu trong thực hiện cuộc vận động phòng, chống rác thải nhựa, bỏ thói quen sử dụng túi ni-lông; nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn...
H.Đ