Xét xử vụ VN Pharma: Tranh cãi kịch liệt giữa Viện Kiểm sát và đại diện Bộ Y tế
Ngày 30-9, TAND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” tại Công ty VN Pharma. Đáng chú ý, cuộc tranh cãi “nảy lửa” giữa đại diện Viện Kiểm sát và đại diện Bộ Y tế tiếp tục là tâm điểm của phần tranh tụng tại phiên tòa.
Tại phiên tòa ngày 30-9, bà Nguyễn Minh Hoài, thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế, khẳng định, đoàn công tác của Bộ Y tế khi sang Ấn Độ làm việc đã kiểm tra lô thuốc H-Capita. Trước khi tiến hành kiểm tra Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có các văn bản gửi các cơ quan quản lý Ấn Độ đề nghị hỗ trợ, xác minh và gửi Nhà máy Affy Parenterals đề nghị cung cấp hồ sơ.
Trong thời gian công tác tại Ấn Độ, đoàn công tác đã trực tiếp làm việc với các cơ quan, đơn vị để kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất và thu thập tài liệu, hồ sơ liên quan đến lô thuốc H-Capita. Toàn bộ giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước Ấn Độ gồm: Cục Quản lý Dược Ấn Độ, Phòng Thương mại Ấn Độ, Bộ Nội vụ Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh tính hợp pháp. Các tài liệu xác định lô thuốc gồm 9.300 hộp thuốc H-Capita là do Nhà máy Affy Parenterals Ấn Độ (đạt tiêu chuẩn GMC) sản xuất, đạt chất lượng trước khi xuất xưởng và kết quả xác minh của Bộ Y tế đã gửi tới Cơ quan điều tra xem xét.
Trong Kết luận số 08 của Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã ghi nhận, trên các thùng hàng thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập về có dán tem kiểm tra an ninh của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Căn cứ kết quả tương trợ tư pháp, Văn phòng Tổng chưởng Lý Singapore trả lời, công ty vận chuyển giao nhận hàng hóa, xuất xứ của lô hàng 9.300 thuốc H-Capita là từ Ấn Độ và các chứng cứ khác, Cơ quan An ninh điều tra đã kết luận: Có căn cứ xác định nguồn gốc lô hàng 9.300 thuốc H-Capita được sản xuất tại Nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ. Đồng thời, kết quả xác minh nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita này cũng được đoàn Thanh tra Chính phủ kết luận và kết luận này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định, việc Viện Kiểm sát không sử dụng các tài liệu đã được bốn cơ quan quản lý nhà nước của Ấn Độ và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ xác minh tính hợp pháp, hợp lệ; không sử dụng Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an); không sử dụng kết luận của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý là không đảm bảo tính khách quan. Bà Nguyễn Minh Hoài đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tài liệu này một cách khách quan để làm rõ vụ án.
Trước đó, tại phiên tòa ngày 27-9, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc thu thập tài liệu cũng như xác định tính pháp lý của tài liệu để đưa vào hồ sơ vụ án không thực hiện đúng các quy định của Luật Tố tụng hình sự, không đảm bảo giá trị pháp lý để làm căn cứ xác định. Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho lô thuốc này, hiện tại Cơ quan An ninh điều tra còn đang xem xét hành vi này nên tài liệu mà đoàn công tác Bộ Y tế thu thập không xuất phát từ yêu cầu của Cơ quan tiến hành tố tụng, vừa không đảm bảo tính pháp lý, khách quan. Vì vậy, Viện Kiểm sát cho rằng không thể vận dụng tài liệu này làm căn cứ xác định nguồn gốc của lô thuốc H-Capita.
Tại phiên tòa ngày 30-9, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định quan điểm đã trình bày trước đó. Đối đáp lại quan điểm mà đại diện Cục Quản lý Dược và Cơ quan giám định của Bộ Y tế cho rằng lô thuốc H-Capita chỉ giả về xuất xứ, là thuốc kém chất lượng chứ không phải là thuốc giả, chứng minh bằng những tài liệu do đoàn công tác của Bộ Y tế tự thu thập ở Ấn Độ, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: Xét về những chỉ tiêu kiểm định thuốc, lô thuốc H-Capita không chỉ có một chỉ tiêu về tạp chất không đạt như Cục Quản lý Dược nói, mà theo kết quả điều tra đã chỉ rõ, có nhiều chỉ tiêu không đạt. Cụ thể: màu sắc thuốc đăng ký tiêu chuẩn là màu đỏ nhưng thuốc nhập về là màu hồng; vỉ thuốc có vỉ rỗng không có viên thuốc; một số hộp thuốc đóng không đúng số lượng vỉ; nhãn mác ghi không đầy đủ, không chính xác thông tin được duyệt; tờ hướng dẫn sử dụng thực tế và tờ hướng dẫn sử dụng được duyệt khác nhau về thành phần tá dược, có hộp thuốc không có tờ hướng dẫn sử dụng.
Kiểm sát viên Nguyễn Nhật Tuấn đặt câu hỏi: Các cơ quan của Bộ Y tế luôn khẳng định thuốc H-Capita đạt tiêu chuẩn chất lượng khi xuất xưởng tại nhà máy ở Ấn Độ, vậy tiêu chuẩn, chất lượng và giá thuốc được sản xuất ở Ấn Độ và Canada có gì khác nhau mà các bị cáo phải dùng các thủ đoạn gian dối để nâng khống giá thuốc, chuyển tiền ra khỏi nước rồi rồi tái chuyển về Việt Nam để hưởng lợi? Thực tế là Cục Quản lý Dược cấp phép cho nhập khẩu thuốc từ một công ty không có thật nhưng Cục hiện vẫn đang tìm cách né tránh trách nhiệm.
Trong quá trình đối đáp các luật sư nêu ý kiến về việc Viện Kiểm sát không sử dụng những tài liệu mà Bộ Y tế cung cấp. Về nội dung này, theo đại diện Viện Kiểm sát, trong quá trình điều tra vụ án Bộ Y tế đã gửi Công văn số 77 (ban hành ngày 27-4-2018) cho Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) và đóng dấu mật, đến ngày 20-9-2019 (trước khi phiên tòa xét xử 4 ngày) mới được Bộ giải mật. Trong quá trình giải quyết vụ án Viện Kiểm sát có nhận được tài liệu trên nhưng trong cáo trạng Viện Kiểm sát không sử dụng tài liệu này vì đây là tài liệu mật. Tuy nhiên ngày 4-6-2018 (thời điểm tài liệu chưa được giải mật), người làm chứng là ông Ngô Nhật Phương đã có tài liệu này và giao nộp cho Cơ quan An ninh điều tra. Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc này có dấu hiệu làm lộ bí mật nhà nước nên Viện Kiểm sát kiến nghị Hội đồng xét xử yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra xác minh làm rõ nội dung này.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: “Có loại hàng nhái, hàng giả là những mặt hàng phục vụ sinh hoạt thông thường như quần áo, đồ gia dụng... ít nhiều vẫn có giá trị sử dụng dù không phải hàng thật. Nhưng thuốc chữa bệnh giả thì tuyệt đối không thể sử dụng chữa bệnh cho con người”.
Dự kiến, chiều 1-10, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án.
THÀNH CHUNG – TTXVN